Nam Trung bộ, Tây Nguyên linh hoạt thời vụ sản xuất vụ đông xuân 2021 - 2022 để né bão lũ, tránh hạn

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 26/10/2021 14:00 PM (GMT+7)
Đó là đề xuất của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đối với các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong việc thực hiện kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2021 - 2022.
Bình luận 0

Diễn biến thời tiết khó lường ảnh hưởng kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2021 - 2022

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), sản xuất lúa cả năm 2021 khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên ước đạt 772.780ha, tăng 41.660ha; năng suất ước đạt 61,19 tạ/ha, tăng 1,37 tạ/ha; sản lượng ước đạt 4,729 triệu tấn, tăng 355.000 tấn so với cùng kỳ năm 2020.

Linh hoạt thời vụ sản xuất để né thiên tai - Ảnh 1.

Chuẩn bị cho vụ đông xuân 2021 – 2022, Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ dự báo, hiện tượng ENSO được dự báo, mật độ bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông trong những tháng cuối năm nhiều hơn trung bình nhiều năm và có khoảng 3-4 cơn ảnh hưởng tới đất liền khu vực Trung Bộ. 

Đỉnh lũ năm 2021 trên các sông có khả năng như sau: Các sông từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 2 - 3, có sông trên báo động 3 xấp xỉ trung bình nhiều năm...

Linh hoạt thời vụ sản xuất để né thiên tai - Ảnh 2.

Thu hoạch lúa hè thu ở thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên – Huế). Ảnh: P.V

Tăng cường giải pháp chống thất thoát đạm để ứng phó với giá phân bón tăng

Theo ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, để ứng phó với tình hình giá phân bón tăng cao, bên cạnh yếu tố thời vụ và cơ cấu giống cần tập trung chỉ đạo gói kỹ thuật "1 phải, 5 giảm" đồng bộ.

Tăng cường bón lót phân hữu cơ. Sử dụng các dạng phân ure chậm tan để chống thất thoát đạm.

Tưới phương pháp "nông-lộ-phơi" và theo sổ tay hướng dẫn tưới tiết kiệm nước của Tổng cục Thủy lợi ban hành.

Bên cạnh đó, tổ chức quản lý chặt chẽ nguồn nước, vận hành hợp lý các công trình, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu cây trồng.

Bố trí diện tích sản xuất không vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi, chuyển đổi mùa vụ và cây trồng tại những nơi có khả năng thiếu nước.

P.V

Linh hoạt lịch thời vụ đông xuân 2021 - 2022

Theo kế hoạch diện tích lúa vụ đông xuân 2021 - 2022 toàn vùng là 321.500ha, giảm 1.080ha; năng suất bình quân 67,41 tạ/ha, tăng 0,54 tạ/ha; sản lượng 2,167 triệu tấn, tăng 10.000 tấn so với vụ đông xuân 2020 - 2021.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đề xuất, vùng an toàn nguồn nước cho sản xuất tập trung canh tác đúng lịch thời vụ, tăng cường thâm canh.

Vùng có nguy cơ hạn hán, không đủ lượng nước cho sản xuất cần tập trung bố trí chuyển từ cơ cấu sản xuất 3 vụ sang 2 vụ, hoặc bố trí lại thời vụ sản xuất phù hợp để né tránh hạn, mặn và áp dụng kỹ thuật canh tác để hạn chế tác động của hạn, mặn. 

Đẩy mạnh chuyển đổi những vùng thiếu nước tưới sang cây trồng cạn ngắn ngày để tăng hiệu quả sản xuất và tiết kiệm nước tưới.

Những diện tích chủ động nguồn nước: Bố trí thời vụ xuống giống đại trà tập trung từ ngày 10 - 31/12/2021 (cố gắng không gieo muộn hơn sau ngày 10/1/2022), thu hoạch trước 30/4/2022. Riêng chân 3 vụ lúa: Bình Định gieo sạ từ ngày 25/11 - 5/12/2021; Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận gieo sạ từ 15/11 và kết thúc trong tháng 12/2021.

Những diện tích không chủ động nguồn nước, cần gieo sớm hơn lúa đại trà chính vụ (trước 10/12/2021), diện tích này chiếm 10-15% diện tích gieo trồng. Vùng trũng thoát nước kém, tranh thủ nước rút đến đâu xuống giống đến đó; gieo sạ trước 10/1/2022.

Các tỉnh Tây Nguyên, vùng chủ động nguồn nước tưới, tập trung xuống giống trong khung thời vụ từ 10 – 31/12/2021.

Những vùng cân đối nguồn nước có nguy cơ thiếu vào cuối vụ (mùa khô) các địa phương phải tính toán cân đối diện tích xuống giống phù hợp lượng nước trong hồ đập và khuyến cáo sử dụng giống ngắn ngày, gieo sạ sớm hơn lúa đại trà (trước 10/12/2021).

Đồng tình với lịch thời vụ Cục Trồng trọt đưa ra cho vụ đông xuân 2021 - 2022 ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, đại diện Sở NNPTNT các địa phương kiến nghị nhiều giải pháp nhằm bình ổn giá phân bón, tiêu thụ sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định kiến nghị, hiện giá các loại vật tư đầu vào tăng cao, trong đó có giá phân bón, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất của nông dân. "Đề nghị ngành chức năng có giải pháp để bình ổn giá phân bón, giúp nông dân yên tâm sản xuất" - bà Trân nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem