Nắm vững kiến thức, nông dân tái đàn lợn an toàn, hiệu quả

Ánh Nguyệt - Thiên Hương Thứ năm, ngày 02/07/2020 14:13 PM (GMT+7)
Chăn nuôi lợn là một trong những nghề có truyền thống lâu đời gắn liền với người nông dân Nam Bộ. Nhờ nghề này, nhiều nông hộ đã có kinh tế khấm khá, trở thành tỷ phú. Tuy nhiên những năm qua, chăn nuôi lợn chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Bình luận 0

Dù hiện nay dịch bệnh nguy hiểm này cơ bản đã được khống chế, song nguy cơ dịch phát sinh, lây lan mạnh trong giai đoạn giao mùa là rất cao. Để hỗ trợ bà con đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, hạn chế dịch bệnh và đưa ra các giải pháp tái đàn hiệu quả trong thời điểm hiện tại, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) đã phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, VTV9 tổ chức tọa đàm với chủ đề "Nuôi lợn an toàn sinh học và giải pháp tái đàn hiệu quả".

Chăn nuôi VietGAP, giảm tối đa nguy cơ dịch bệnh

Theo TTKNQG, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, bệnh gây chết cao ở lợn nhà và lợn rừng. Để hạn chế tối đa thiệt hại, nhiều giải pháp đã được người chăn nuôi áp dụng, trong đó công tác vệ sinh thú y, khử trùng chuồng trại đã được người chăn nuôi trên địa bàn Đồng Nai cũng như các tỉnh ĐBSCL tuân thủ nghiêm ngặt. 

Nhờ đó, đến nay tốc độ tái đàn, tăng đàn lợn tại một số địa phương đang tăng nhanh.

Nắm vững kiến thức, nuôi lợn an toàn, hiệu quả  - Ảnh 1.

Các chuyên gia, nhà khoa học giải đáp thắc mắc của bà con chăn nuôi tại buổi tọa đàm. Ảnh: Ánh Nguyệt

"Ngoài việc áp dụng đệm lót sinh học, thức ăn ủ men, nhiều người sử dụng chế phẩm vi sinh cho lợn ăn để giúp tăng sức đề kháng. Tuy nhiên bà con lưu ý không dùng chung vi sinh với kháng sinh, có thể bổ sung bằng đường ăn, uống và sử dụng đúng liều lượng...".

TS Nguyễn Văn Bắc

Ông Nguyễn Văn Hùng - hộ chăn nuôi nhiều năm ở khu vực Khánh Hưng, phường Phú Thứ, quận Cái Răng (TP.Cần Thơ) cho biết, nhờ áp dụng kỹ thuật chăn nuôi theo hướng VietGAP nên đàn lợn 60 con lớn nhỏ của gia đình ông lâu nay vẫn phát triển tốt, không hề bị DTLCP tấn công. 

Trước đó, ông Hùng tham gia mô hình chăn nuôi lợn VietGAP của địa phương, do đó ông được tập huấn đầy đủ các phương pháp phòng chống dịch bệnh, thực hiện tiêm đầy đủ các loại vaccine cho đàn lợn. Nhờ được trang bị tốt kiến thức chăn nuôi nên ngay khi DTLCP xuất hiện trên địa bàn, gia đình ông đã chủ động phun hóa chất, rắc vôi bột để tiêu độc khử trùng, giảm tối đa các nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, đến nay, Đồng Nai đã hỗ trợ trên 668 tỷ đồng cho các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy vì DTLCP, với tỷ lệ đạt 99,3%. Ngay sau khi công bố hết DTLCP, công tác tái đàn, tăng đàn lợn trên địa bàn đã phát triển khá tốt. Với gần 330 cơ sở đã tái đàn, tăng đàn, hiện tổng đàn lợn của tỉnh Đồng Nai đạt hơn 2 triệu con, đạt tỷ lệ phục hồi khoảng 85% so với trước đây.

"Những kết quả tích cực này đã được đoàn công tác Bộ NNPTNT đánh giá là nỗ lực đáng ghi nhận của địa phương cũng như các trang trại, hộ chăn nuôi trong việc thực hiện nghiêm túc các giải pháp an toàn sinh học. Dự kiến đến cuối năm nay, tổng đàn lợn trên địa bàn sẽ đạt khoảng 2,5 triệu con" - bà Mai nhận định.

Giải đáp khúc mắc cho bà con chăn nuôi

Tại buổi tọa đàm, bà con nông dân huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đặt nhiều câu hỏi với các chuyên gia, nhà quản lý về các vấn đề như điều kiện chuồng trại đảm bảo an toàn dịch bệnh, các phương pháp sát trùng hiệu quả trong phòng chống DTLCP; làm thế nào để mua được lợn giống phục vụ tái đàn trong tình hình khan hiếm và giá cao hiện nay; các chính sách, chủ trương của ngành nông nghiệp hỗ trợ tái đàn và phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn…

Chị Trương Thị Hồng- người chăn nuôi ở xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, hỏi: Hiện nay giá lợn giống rất cao, từ 200.000 - 210.000 đồng/kg nên bà con chăn nuôi đang gặp khó khăn khi tái đàn, hầu hết bà con rất "bí" vốn. Do đó, nhiều người lựa chọn phương pháp chọn những lợn đẹp trong đàn lợn thương phẩm để làm hậu bị, cho phối giống. Phương pháp này liệu có an toàn?

Trả lời câu hỏi này, PGS -TS Nguyễn Ngọc Hải – Khoa Chăn nuôi (Trường ĐH Nông-Lâm TP.HCM) cho biết, việc sử dụng lợn thịt làm lợn hậu bị chỉ là giải pháp tình thế khi lợn giống đắt đỏ và khan hiếm. 

Lưu ý, khi bà con giữ lợn thương phẩm làm lợn giống thì cần theo dõi chặt chẽ con lợn đó ngay từ đầu, đạt tiêu chuẩn đẻ tốt, nuôi con tốt, tức là đánh giá hình thái con lợn đó ngay trong giai đoạn cai sữa, sau đó đến giai đoạn hậu bị phải chọn lọc tiếp. Khi đạt chuẩn phối giống, nên phối bằng nguồn tin của lợn đực giống Landroc.

Về điều này, bà Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc TTKNQG bổ sung: Nếu áp dụng phương pháp này, bà con chỉ nên cho nái sản xuất 1-2 lứa, không nên lưu lại nhiều đời vì năng suất sinh sản sẽ kém, lợn con sinh ra có thể chậm lớn, dễ bị nhiễm bệnh dịch hơn so với việc chọn lợn hậu bị phối từ đàn nái ông bà.

Hiện nay, nguồn cung thịt lợn trên thị trường vẫn đang thiếu hụt nên việc tái đàn, tăng đàn lợn đang được quan tâm. Để tái đàn thành công, TS Nguyễn Văn Bắc - Phó Trưởng Văn phòng Thường trực tại Nam Bộ (TTKNQG) đưa ra khuyến cáo: Sau khi địa phương công bố hết dịch, người chăn nuôi phải thực hiện vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, áp dụng cách ly, khử trùng. Đảm bảo mật độ nuôi, theo đó ban đầu chỉ nên nuôi thử từ 30-50% quy mô chuồng trại, sau khi đảm bảo các yếu tố an toàn dịch bệnh thì mới tăng đàn dần dần.

Cùng với đó, thức ăn, nước uống, vitamin bổ sung… cần đảm bảo nhu cầu theo từng lứa tuổi của lợn. Trong đó, tiêm phòng vaccine đầy đủ là vấn đề quan trọng, bên cạnh đó, cần hạn chế tối đa người và vật ra vào khu vực chăn nuôi để tránh bị lây nhiễm mầm bệnh từ bên ngoài…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem