"Nạn đói chip" toàn cầu: Cơ hội lớn cho "Trùm chip" Trung Quốc trở mình

Huỳnh Dũng Thứ sáu, ngày 18/02/2022 07:01 AM (GMT+7)
Tình trạng khan hiếm chip trên toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ chip ngày càng tăng ở Trung Quốc đã thúc đẩy hiệu quả kinh doanh của SMIC lên một tầm cao mới.
Bình luận 0

Mới đây, Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC), nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu của Trung Quốc đã công bố báo cáo tài chính quý 4 năm 2021, báo cáo cho thấy doanh thu kỷ lục và lợi nhuận tăng mạnh trong năm ngoái trong bối cảnh thế giới rơi vào khủng hoảng thiếu chip và nhu cầu lớn, cùng với việc chịu sự cấm vận của Mỹ.

Theo báo cáo thì vào năm 2021, SMIC ghi nhận doanh thu 5,44 tỷ USD, tăng 39% so với năm trước đó, và dữ liệu của Refinitiv cho thấy đây là mức tăng trưởng doanh thu hàng năm mạnh nhất của công ty kể từ năm 2010. Lợi nhuận của công ty đạt 1,7 tỷ USD, tăng 138% so với năm trước đó. Các chuyên gia nhận định, SMIC đạt được kết quả kinh doanh kỷ lục bất chấp luôn cả việc bị Mỹ đưa vào danh sách hạn chế thương mại từ năm 2020.

"Sự thiếu hụt chip trên toàn cầu và nhu cầu mạnh mẽ đối với sản xuất trong nước và bản địa đã mang lại cho công ty chúng tôi một cơ hội hiếm có", Guo Guangli, Thư ký hội đồng quản trị công ty cho biết trong một cuộc báo cáo thu nhập mới nhất.

Nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc Semiconductor Manufacturing International Corporation đã báo cáo doanh thu kỷ lục và lợi nhuận tăng đột biến trong năm ngoái. Ảnh: @AFP.

Nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc Semiconductor Manufacturing International Corporation đã báo cáo doanh thu kỷ lục và lợi nhuận tăng đột biến trong năm ngoái. Ảnh: @AFP.

Ban lãnh đạo SMIC nhận xét: "Năm 2021 là một năm đặc biệt trong lịch sử phát triển của SMIC. Sự thiếu hụt chip trên toàn cầu và nhu cầu mạnh mẽ về sản xuất trong nước và bản địa đã mang lại cho Công ty một cơ hội hiếm có, trong khi những hạn chế của "Danh sách thực thể" đặt ra nhiều trở ngại cho sự phát triển của công ty. SMIC tiếp tục tập trung vào nhiệm vụ chính là đảm bảo hoạt động liên tục, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và giảm bớt sự thiếu hụt chuỗi cung ứng, Công ty đã vượt qua thử thách, giải quyết khó khăn một cách chính xác và đạt được hiệu quả hoạt động tốt".

Có thể nói, SMIC hiện là nhà sản xuất chip xử lý lớn nhất Trung Quốc, chuyên sản xuất chip theo thiết kế của các doanh nghiệp khác. Nhưng đây cũng là công ty lớn nhất và tiên tiến nhất ở Trung Quốc đại lục, một phần nhờ vào sự hỗ trợ từ chính phủ, vốn coi sản xuất chất bán dẫn là chìa khóa cho những nỗ lực thúc đẩy một ngành công nghiệp chip tiên tiến. Công ty này hiện cạnh tranh với các đối thủ như TSMC của Đài Loan, Samsung của Hàn Quốc, dù chưa theo kịp về công nghệ.

Zhou Mi, nhà nghiên cứu cấp cao tại Học viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết: "SMIC đã rất nỗ lực để đối phó với những thay đổi trong môi trường chính sách, cũng như các áp lực từ cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt".

Còn theo Arisa Liu, nghiên cứu viên cao cấp về chất bán dẫn tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, các kế hoạch mở rộng vốn của công ty này phải đối mặt với rủi ro trong năm nay do Mỹ đã đánh dấu ý định "kiềm hãm sự phát triển công nghệ trưởng thành của SMIC".

Những năm qua, khi căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung leo thang, cả hai cường quốc đều chạy đua để thống trị các công nghệ quan trọng và chất bán dẫn là một trong số đó. Trung Quốc hiện tụt hậu đáng kể so với Mỹ trong ngành công nghiệp chip, tuy nhiên SMIC được xem là nhân tố chủ chốt trong tham vọng thúc đẩy tự chủ trong lĩnh vực này, và mong muốn giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, quá trình phát triển của SMIC cũng gặp một số khó khăn. Cuối năm 2020, Washington đưa SMIC vào danh sách thực thể của Bộ Thương mại Mỹ, vì lo ngại họ có quan hệ với quân đội Trung Quốc, yêu cầu các nhà cung cấp có trụ sở tại Mỹ phải có giấy phép để giao dịch với công ty này, tuy nhiên SMIC đã phủ nhận có những ràng buộc như vậy.

Việc bị đưa vào "danh sách đen" khiến SMIC bị hạn chế tiếp cận với những công nghệ quan trọng của Mỹ cần để sản xuất các loại chip cao cấp nhất. Mặc dù vậy, công ty Trung Quốc vẫn có thể sản xuất một số loại con chip dùng cho ô tô, điện thoại thông minh… mà thế giới đang thiếu. Năm ngoái, China Renaissance dự báo SMIC sẽ là một trong những công ty được hưởng lợi lớn từ cuộc khủng hoảng thiếu chip toàn cầu và thực tế đã diễn ra theo đúng như vậy.

Trong bước tiến kế tiếp, SMIC hiện sẽ tiếp tục đầu tư mạnh để mở rộng hoạt động sản xuất. Công ty này có kế hoạch đầu tư 5 tỷ USD để xây dựng 3 nhà máy mới tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến để nâng cao năng lực sản xuất trong thời gian tới.

SMIC của Trung Quốc đạt doanh thu kỷ lục vào năm 2021 được thúc đẩy bởi tình trạng thiếu chip toàn cầu. Ảnh: @AFP.

SMIC của Trung Quốc đạt doanh thu kỷ lục vào năm 2021 được thúc đẩy bởi tình trạng thiếu chip toàn cầu. Ảnh: @AFP.

Tuy nhiên, cũng sẽ có những cơ hội và thách thức trong năm 2022, và có sự chuyển đổi dần dần từ tình trạng thiếu năng lực trên diện rộng sang giai đoạn thiếu hụt cơ cấu. Nền tảng sản phẩm và năng lực tích lũy được của SMIC trong nhiều năm tập trung vào những lỗ hổng cơ cấu của ngành. 

Công ty sẽ nhất quán tuân thủ các hoạt động, tiếp tục quốc tế hóa và hội nhập sâu rộng vào hệ sinh thái toàn cầu để phục vụ khách hàng trên toàn cầu, tìm kiếm tư duy phát triển tiến bộ một cách ổn định, tiếp tục tăng cường hợp tác chiến lược với khách hàng và nhà cung cấp, đồng thời tăng cường mở rộng năng lực một cách đều đặn các dự án. Dưới tác động kép của cơ sở khách hàng đa dạng và nền tảng đa sản phẩm, công ty sẽ đảm bảo khối lượng sản xuất hiện có, mở rộng khối lượng sản xuất gia tăng và xây dựng lợi thế cạnh tranh trong hệ sinh thái vi mạch ở mức cao hơn.

Động thái này cho thấy, SMIC đang đẩy mạnh việc mở rộng bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ đã làm lung lay kế hoạch chuyển sang sản xuất chip cao cấp. Trước mắt, năm 2022 vẫn là giai đoạn đầu tư đỉnh cao của SMIC; chi tiêu vốn dự kiến khoảng 5 tỷ đô la và mức tăng công suất dự kiến sẽ cao hơn so với năm 2021.

Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu đáp ứng 70% nhu cầu về chất bán dẫn vào năm 2025. Họ đã dành hàng tỷ đô la cho việc thiết kế và sản xuất chip. Các tập đoàn internet Trung Quốc, bao gồm Tencent, Alibaba và Baidu cũng đang phát triển các sản phẩm chất bán dẫn của riêng họ, mặc dù chưa có năng lực sản xuất thực sự.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem