Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, đừng để “nước đến chân mới nhảy”

Thanh Phong Thứ ba, ngày 09/11/2021 22:54 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh các nước tăng cường các biện pháp bảo vệ hàng hóa trong nước, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực, nhận thức về phòng vệ thương mại.
Bình luận 0

Trong giai đoạn 2016-2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng bình quân 11,7%, đạt 281,5 tỷ USD năm 2020. Trong 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, hiện nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài. Bộ Công Thương cho biết, đến hết tháng 7-2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 207 vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Trong đó, số vụ việc điều tra từ năm 2011 đến nay là 160, chiếm tỷ lệ 77%.

Theo Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Lê Triệu Dũng, trong bối cảnh nhiều nước tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó có hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ từ việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, thành lập cơ quan chuyên môn đến việc ban hành các chương trình, đề án nhằm nâng cao năng lực thực thi trong lĩnh vực này.

Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, đừng để “nước đến chân mới nhảy” - Ảnh 1.

Doanh nghiệp cần chủ động nâng cao nhận thức về phòng vệ thương mại.

Trong các vụ việc khởi kiện và kháng kiện, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp trên nhiều mặt. Nhờ đó, nhiều mặt hàng của Việt Nam, như cá basa, tôm, tiếp tục được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu… với thuế suất bằng 0% hoặc ở mức thấp. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường cảnh báo sớm, phổ biến kiến thức pháp luật về gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp cho doanh nghiệp và tiến hành kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Bên cạnh vai trò của cơ quan chức năng, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, tránh tình trạng "nước đến chân mới nhảy", mà trước hết là nâng cao hiểu biết về lĩnh vực này, phải nắm rõ vai trò và tác động nhiều chiều của các biện pháp phòng vệ thương mại, những căn cứ cơ bản để có thể sử dụng được biện pháp này.

Còn theo các chuyên gia kinh tế, việc sử dụng hiệu quả biện pháp phòng vệ thương mại, tích cực và chủ động ứng phó với biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, từ đó duy trì và phát triển được thị trường xuất khẩu. Từ thực tế phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại, đại diện Hội Nuôi ong Việt Nam cũng cho hay, đang đẩy mạnh tuyên truyền đến các doanh nghiệp thành viên, một mặt nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, mặt khác để nắm bắt diễn biến thị trường, đồng thời chuyển đổi, đa dạng thị trường xuất khẩu…, nhằm chủ động trước những biện pháp phòng vệ thương mại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem