Năng suất tăng hơn 200% nhưng tiền lương chỉ tăng 15%, Chủ tịch Vietcombank kiến nghị gì?

29/12/2022 08:14 GMT+7
Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng đề xuất, Ngân hàng Nhà nước cho phép được áp dụng cơ chế tiền lương theo nguyên tắc thị trường, gắn với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh để VCB giữ chân, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao.

VCB đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu, định hướng tại Phương án cơ cấu lại giai đoạn 2016-2020

Ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT Vietcombank (mã: VCB) cho biết, quy mô tổng tài sản, huy động vốn và tín dụng của ngân hàng đã tăng tương ứng trên 2 55%, 65% và 99% so với năm trước khi thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu theo kế hoạch chung của ngành ngân hàng (năm 2017).

Dự kiến đến hết năm 2022, tổng tài sản của VCB ước đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng; huy động vốn từ thị trường 1 đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng; Tín dụng ước đạt trên 1,1 triệu tỷ đồng.

Vốn điều lệ của VCB đã tăng thêm 11.000 tỷ đồng sau 5 năm, đạt mức trên 47.000 tỷ đồng; Vốn CSH tăng gần 53.000 tỷ đồng, đạt 136.000 tỷ đồng.

Năng suất tăng hơn 200% nhưng tiền lương chỉ tăng 15%: Chủ tịch Vietcombank kiến nghị gì? - Ảnh 1.

Ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT Vietcombank.

Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu của VCB liên tục giảm qua các năm. Năm 2022, tỷ lệ nợ xấu dự kiến ở mức 0,62%, giảm mạnh so với mốc 1,12% năm 2017.

Tổng lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2018-2022 đạt gần 130.000 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống ngân hàng, gấp 3,3 lần so với giai đoạn 2013 - 2017.

Tổng nộp NSNN trong 5 năm gần đây đạt hơn 50.000 tỷ đồng, riêng năm 2022 là hơn 11.200 tỷ đồng, liên tục nằm trong top đầu các doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất và là Ngân hàng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Theo Chủ tịch Phạm Quang Dũng, VCB đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu, định hướng được đề ra tại Phương án cơ cấu lại giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, một nội dung quan trọng VCB chưa hoàn thành so với Phương án đã đề ra là việc tăng vốn điều lệ, là vấn đề nằm ngoài khả năng tự chủ của các ngân hàng thương mại Nhà nước.

Cũng theo Chủ tịch Vietcombank, nhà băng này đang hoàn thiện Phương án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025 mà bản chất nội hàm chính là Chiến lược phát triển của Ngân hàng đến 2025, định hướng 2030 đã được Vietcombank xây dựng với tầm nhìn giữ vững vị trí là ngân hàng số 1 tại Việt Nam, đứng trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á. Theo đó, các nhóm giải pháp trọng yếu được Vietcombank xác định như sau:

Thứ nhất, tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính; kiểm soát chặt chẽ chất lượng danh mục tín dụng. Phấn đấu đến năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn đạt mức tối thiểu 10%, đến năm 2025 đạt mức tối thiểu 11%.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả kinh doanh và chuyển đổi mô hình kinh doanh. Phấn đấu đến năm 2025 tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng (không bao gồm kinh doanh ngoại tệ) trong tổng thu nhập lên 16% - 17%.

Thứ ba, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 để hiện đại hóa ngân hàng. Phấn đấu đạt mức độ trưởng thành số trong nhóm các ngân hàng hàng đầu tại ASEAN.

Thứ tư, đầu tư mạnh mẽ cho phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực thích ứng với chuyển đổi số. Nâng cao năng lực quản trị điều hành, tiếp tục hướng đến các tiêu chuẩn quản trị rủi ro cao hơn, đạt trình độ phát triển của Nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN.

Thứ năm, tích cực đóng góp cho nền kinh tế và ngành Ngân hàng thông qua định hướng phát triển bền vững, phát triển ngân hàng xanh.

Thứ sáu, tiếp tục tiên phong trong việc góp phần đảm bảo an ninh tiền tệ, đảm bảo an toàn và ổn định của hệ thống. Thực hiện nhận chuyển giao bắt buộc và phục hồi thành công một TCTD yếu kém theo phê duyệt của Chính phủ và NHNN.

Năng suất tăng hơn 200% nhưng tiền lương chỉ tăng 15%: Chủ tịch Vietcombank kiến nghị gì? - Ảnh 3.

Tổng lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2018-2022 đạt gần 130.000 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống ngân hàng, gấp 3,3 lần so với giai đoạn 2013 - 2017.

Bốn kiến nghị, đề xuất của Chủ tịch Vietcombank

Về đề xuất kiến nghị, Chủ tịch Vietcombank đã đưa ra 4 nội dung.

Thứ nhất, NHNN xem xét cho phép các ngân hàng thương mại Nhà nước được chủ động quy mô tăng trưởng tín dụng hàng năm trên cơ sở đáp ứng các quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo chuẩn mực quốc gia và quốc tế.

"Việc này chắc chắn không ảnh hưởng đến công tác điều hành của NHNN do các ngân hàng thương mại Nhà nước đều bị hạn chế bởi quy mô", ông Dũng nhấn mạnh.

Hai là, NHNN cho phép được áp dụng cơ chế tiền lương theo nguyên tắc thị trường, gắn với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh để VCB nói riêng và các ngân hàng thương mại nhà nước nói chung giữ chân, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong 5 năm qua (2016-2021), năng suất lao động bình quân của VCB tăng hơn 200% nhưng tiền lương bình quân chỉ tăng 15%.

VCB cũng xin kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan cho phép có cơ chế lương riêng, không thuộc quỹ lương chung của ngân hàng, dành cho các vị trí công việc đặc thù, đòi hỏi trình độ chuyên môn 5 cao.

Trước mắt có thể cho phép triển khai thí điểm với các điều kiện ràng buộc về hiệu quả kinh doanh và năng suất lao động.

Ba là, tiếp tục ưu tiên tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước trong bối cảnh quy mô vốn điều lệ, hệ số an toàn vốn của các ngân hàng này còn ở mức rất khiêm tốn so với nhu cầu phát triển cũng như chuẩn mực quốc tế.

Cụ thể: VCB mong sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại của các năm 2019 & 2020 sau khi trích lập các quỹ.

Trong năm 2023, VCB dự kiến xin ý kiến NHNN để trình ĐHĐCĐ tiếp tục tăng vốn điều lệ sử dụng toàn bộ lợi nhuận tích lũy còn lại của năm 2021 và các năm trước (là nội dung đã được Thủ tướng Chính Phủ, NHNN và BTC đồng ý về chủ trương).

Bốn là, các ngân hàng thương mại Nhà nước có vai trò trọng yếu đối với hệ thống, có quy mô tài sản và số lượng cán bộ nhân viên rất lớn.

VCB kiến nghị Chính phủ và NHNN cho phép VCB nói riêng và các ngân hàng thương mại Nha nước nói chung được tăng thêm số lượng Phó Tổng Giám đốc để đảm bảo chất lượng hoạt động.

"Tính từ năm 2012 đến nay, quy mô của VCB đã tăng gần 5 lần, trong khi định mức tối đa về số lượng Phó Tổng Giám đốc (được áp dụng từ năm 20122 ) là không thay đổi. Chưa kể đến thực tế có 1 Phó Tổng Giám đốc người nước ngoài đại diện của cổ đông chiến lược Mizuho không tham gia điều hành", Chủ tịch Vietcombank cho hay.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục