Nên tạm ngừng sản xuất lúa vụ 3

Thứ sáu, ngày 07/06/2013 06:37 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Về việc nông dân khó tiêu thụ lúa hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSC), nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết bài toán này cần chủ động giảm sản lượng lương thực trong nước; tạm ngừng sản xuất vụ 3.
Bình luận 0

Sẽ không còn là thế mạnh xuất khẩu

Thực tế cho thấy, trước tình hình quan trọng của an ninh lương thực, đặc biệt là lúa gạo, nên trong những năm gần đây, rất nhiều nước trên thế giới đã chủ động gia tăng mở rộng diện tích lúa. Nhiều nước từ chỗ không xuất khẩu gạo, nay cũng tham gia vào thị trường, còn những nước vốn phải nhập khẩu gạo, thì đang chuyển dần sang chủ động nguồn lương thực sản xuất trong nước.

img
Không tiêu thụ được lúa gạo, khiến sản xuất và đời sống của nông dân gặp nhiều khó khăn.

Số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cung cấp cho thấy, cả Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan… đều đang có lượng tồn kho lớn. Trong đó, tồn kho gạo của Thái Lan đã lên mức kỷ lục từ khi thực hiện chính sách hỗ trợ mua lúa giá cao cho nông dân từ cuối năm 2011. Hiện tại, tồn kho thực tế của Thái Lan dự đoán ở mức 17 triệu tấn và chỉ dành riêng cho xuất khẩu. Còn tại Ấn Độ, lượng gạo tồn kho cũng đã tăng lên mức 36 triệu tấn, trong khi nhu cầu sử dụng trong nước chỉ khoảng 12 – 14 triệu tấn.

Ông Phạm Văn Bảy – Phó Chủ tịch VFA cho biết thêm, bên cạnh lượng tồn kho lớn, nhiều quốc gia nhập khẩu gạo như Campuchia, Myanmar, Indonesia... cũng đang đẩy mạnh hoạt động phát triển sản xuất lúa cho nhu cầu sử dụng trong nước, tiến tới xuất khẩu gạo. Đặc biệt, trong vài năm tới, Myanmar sẽ trở thành cường quốc về xuất khẩu gạo. Hiện tại, Myanmar đang có 8 triệu ha đất sản xuất lúa, năng suất từ 1,2 – 2 tấn/ha. Khi hệ thống thủy lợi được xây dựng hoàn chỉnh, Myanmar còn có thể đưa vào trồng lúa thêm 3 triệu ha nữa.

Ngừng sản xuất lúa vụ 3

Theo VFA, lượng gạo doanh nghiệp mua vào đết hết tháng 5 khoảng 4,5 triệu tấn, xuất khẩu được 2,8 triệu tấn nên lượng tồn kho còn khá lớn (khoảng 1,7 triệu tấn). Tại ĐBSCL, nhiều doanh nghiệp chuyên xuất khẩu lúa gạo đang bí đầu ra nên thương lái và các đoanh nghiệp nhỏ cũng “án binh bất động”. Ông Nguyễn Văn Hồng, thương lái chuyên thu mua lúa ở chợ lúa gạo Bà Đắc (Cái Bè, Tiền Giang) cho biết: “Nông dân kêu lúa ế là đúng, vì chúng tôi không có đơn hàng thì không thể mua được. Vụ đông xuân vừa rồi, thấy giá lúa thấp nhiều thương lái “ôm” lúa chờ giá. Giờ giá lúa xuống thấp hơn, không lo bán tháo thu hồi vốn thì cũng chết”.

Đừng mơ nông dân lãi 30%

“Ngay trong ngày 7.6, chúng tôi sẽ có báo cáo chi tiết tình hình tiêu thụ lúa gạo gửi Chính phủ, đề xuất thu mua tạm trữ ngay chứ không thể chờ nữa. Chúng tôi đang khảo sát kỹ giá thành sản xuất lúa hè thu tại Đồng Tháp để có cơ sở kiến nghị giá thu mua. Trong tình hình hiện nay, chúng tôi không dám mơ nông dân có lãi 30%, chỉ mong sao nông dân bán cao hơn giá thành để khỏi phải thua lỗ”.

Ông Lâm Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Lương thực Thịnh Phát cho rằng, các doanh nghiệp đang gặp khó không chỉ vì khủng hoảng thừa, điều đáng lo nữa là chất lượng lúa vụ hè thu rất thấp, ảnh hưởng của thời tiết, nắng nóng và thiếu nước khiến hạt gạo đục, xám nên khó chế biến thành gạo xuất khẩu. “Nếu trách doanh nghiệp mua lúa giá thấp lúc này là không đúng. Hạt lúa chất lượng kém không đủ điều kiện chế biến gạo thành phẩm xuất khẩu thì không thể mua giá cao được, có mua vào cũng không bán được” – ông Tuấn nói.

Về dài hạn, để hạn chế tình trạng thừa gạo, giá xuống thấp, ông Nguyễn Hùng Linh - Giám đốc Công ty Du lịch Thương mại Kiên Giang cho rằng, nên giảm bớt lượng lúa trong nước bằng cách chuyển diện tích sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế hơn. “Thậm chí, 2 năm qua, ĐBSCL đã làm lúa vụ 3 rồi, năm nay nên tạm ngừng sản xuất vụ 3 vừa để cho đất nghỉ ngơi, vừa giúp giảm tồn kho trong nước”- ông Linh đề xuất.

Theo VFA, trong thời điểm này Việt Nam chỉ nên định hướng xuất khẩu gạo ở mức từ 6 – 6,5 triệu tấn mỗi năm, nhưng chất lượng sản phẩm phải tăng dần. Bằng cách này, Việt Nam từng bước nâng giá xuất khẩu lên, từ đó, giá gạo trong nước cũng sẽ tăng theo. 

Không có hợp đồng đặt mua

“Các công ty chuyên xuất khẩu gạo thường đặt hàng tôi một lần 500 – 1.000 tấn gạo, tôi sẽ thu mua lúa rồi xay xát, đóng gói gạo cung ứng cho họ. Song từ đầu năm đến giờ, lượng đặt hàng rất ít, không có hợp đồng, nên chúng tôi không thể thu mua của dân. Trong tình hình như hiện nay, các doanh nghiệp được giao chỉ tiêu thu mua tạm trữ dù được hưởng lãi suất ưu đãi, nhưng đang tắc đầu ra nên vẫn thiệt hại, bởi họ được hưởng ưu đãi lãi suất 3 tháng nhưng lúa tồn trong kho dài hơn 3 tháng thì coi như… hết ưu đãi. Kinh doanh tự do như tôi, không bị áp lực chỉ tiêu, thành ra không có tồn kho”.

Doanh nghiệp cũng đang thua lỗ

“Tại Long An, toàn bộ 15 doanh nghiệp được giao chỉ tiêu thu mua tạm trữ trong vụ đông xuân vừa rồi đang tồn kho rất lớn vì lượng gạo xuất khẩu quá thấp. Trong số này, Công ty Lương thực Long An được giao chỉ tiêu thu mua 24.000 tấn và Công ty Lương thực Thịnh Phát được giao chỉ tiêu thu mua 12.000 tấn là 2 đơn vị còn tồn kho lớn nhất. Các doanh nghiệp trong tỉnh đã cố gắng bán ra để xoay vòng vốn, nhưng đầu ra quá khó. Không có hợp đồng lớn, nhiều doanh nghiệp đang phải tự xoay xở và thua lỗ”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem