Nếu thu hồi dự án 29 ha Khu đô thị quốc tế Đa Phước sẽ gặp nhiều khó khăn

07/05/2020 00:49 GMT+7
Tại phiên tòa phúc thẩm xét đơn kháng cáo của 20/21 bị cáo trong vụ án vi phạm quy định quản lý tài sản, đất đai gây thiệt hại hơn 22.047 tỷ đồng cho TP Đà Nẵng, đại diện UBND TP Đà Nẵng cho rằng, nếu thu hồi khu 29 ha trong dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước sẽ gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn đền bù giá trị tài sản trên đất

Tòa án đã triệu tập UBND TP Đà Nẵng tới phiên tòa. Nhận ủy quyền từ Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng đã có mặt tại phiên tòa.

Ngoài ra, ông Thái Ngọc Trung, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng có mặt.

Trả lời HĐXX, ông Tô Văn Hùng cho biết, nếu thu hồi khu 29 ha theo quyết định của Tòa án nhân dân TP Hà Nội tại bản án sơ thẩm thì sẽ gặp nhiều khó khăn, khó thực hiện.

Công ty TNHH MTV Nhà Đa Phước là chủ đầu tư thực hiện dự án và đã đầu tư các tài sản trên đất bao gồm nhà liền kề, biệt thự, nhà thương mại, chung cư và đang tiếp tục triển khai đầu tư.

Nếu thu hồi dự án 29 ha Khu đô thị quốc tế Đa Phước sẽ gặp nhiều khó khăn - Ảnh 1.

Chủ đầu tư đã đầu tư xây dựng có giá trị lớn. Nếu thu hồi thì về nguyên tắc phải tính toán đền bù công trình trên đất, việc này có khó khăn.

Ông Tô Văn Hùng cho biết, bản thân ông đã đến kiểm tra thực tế tại dự án, đã có khoảng 200 hộ dân vào sinh sống tại dự án. Nếu thu hồi, vấn đề quyền lợi của họ cũng được đặt ra và đối diện vấn đề mất an ninh.

Hiện các hộ dân này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, Công ty Nhà Đa Phước đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho toàn khu đất dự án.

UBND TP Đà Nẵng cũng có đơn kiến nghị gửi tới Tòa án, trong đó nêu rõ việc chuyển nhượng mua bán giữa các hộ dân và Công ty đã hoàn tất, chỉ còn thủ tục pháp lý để cấp sổ cho người dân chưa thực hiện.

Chủ đầu tư kháng cáo nội dung thu hồi dự án

Hiện tại, Công ty Nhà Đa Phước đã triển khai xây dựng nhà liền kề thương mại và chung cư cao tầng, đã chuyển nhượng 189 lô đất biện thự với diện tích 16.630 m2 cho 189 khách hàng. Tổng giá trị giao dịch là 1.280 tỷ đồng.

Tại Tòa, ông Võ Ngọc Châu (là người mua lại Công ty Nhà Đa Phước) trình bày nội dung kháng cáo.

Theo đó, khách hàng mua nhà của Công ty đã chuyển vào ở, có đường điện, nước sinh hoạt, chỉ còn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà thì chưa cấp thì xảy ra vụ án.

Công ty có bộ máy để vận hành khu đô thị như bảo vệ, ban quản lý...

Ông Châu cho biết thêm, nếu thu hồi dự án thì quyền lợi của ông và các ngân hàng cho vay chịu ảnh hưởng rất lớn. Ông đã mua lại phần vốn góp trong Công ty một cách bình thường, không có gì khuất tất, giao dịch đã xong và công ty tiến hành đầu tư dự án.

Theo chủ tọa, Tòa án nhận được văn bản của 2 ngân hàng đã cho vay hàng trăm tỷ đồng ở dự án là Vietinbank và Agribank. Văn bản đề nghị Tòa án xem xét nội dung thu hồi dự án vì quyền lợi của ngân hàng bị ảnh hưởng.

Vấn đề thu hồi hay không thu hồi Khu 29 ha trong dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước đã được trở đi trở lại nhiều lần trong vụ án này.

Bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội tuyên yêu cầu UBND TP Đà Nẵng và các bên liên quan thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi cho công dân tại Khu đất 29 ha...

Nhưng sau đó Tòa có thông báo sửa chữa bổ sung bản án, sửa nội dung thành: Giao UBND TP Đà Nẵng thu hồi và cùng các bên liên quan thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho công dân tại Khu đất 29 ha Dự án Khu đô thị mới Quốc tế Đa Phước.

Công ty Nhà Đa Phước đã kháng cáo cho rằng Công ty là bên thứ 3 ngay tình, cần được công nhận quyền sử dụng đối với khu đất 29 ha nêu trên dù cho việc chuyển dịch tài sản giữa UBND thành phố Đà Nẵng với Công ty Xây dựng 79 có hợp pháp hay không. Do đó, Công ty đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm hủy Thông báo số 01/2020/TB-TA về việc sửa chữa, bổ sung bản án sơ thẩm số 20/2020/HS-ST.

Bùi Trang - Đỗ Mến/ĐTCK
Cùng chuyên mục