Nga đã kiếm được 85 tỷ euro từ EU kể từ đầu chiến sự Ukraine

Lê Phương (Express) Thứ ba, ngày 11/10/2022 12:27 PM (GMT+7)
Liên minh châu Âu (EU) đã cắt giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga trong một nỗ lực nhằm cản trở chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine, nhưng động thái này lại dẫn đến tình trạng giá cả tăng cao.
Bình luận 0
Nga đã kiếm được 85 tỷ euro từ EU kể từ đầu chiến sự Ukraine - Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: Getty

EU đã chuyển cho Nga khoảng 85 tỷ euro trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng diễn ra trầm trọng, bất chấp những khúc mắc trong mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo của khối với Tổng thống Vladimir Putin. 

Trong sáu tháng đầu tiên của cuộc xung đột, Điện Kremlin đã thu được 158 tỷ euro từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch. Theo ước tính từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (Crea), một nhóm nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Helsinki, EU đã nhập khẩu 54% trong số này, trị giá khoảng 85 tỷ euro. Và mặc dù nhận được ít khí đốt hơn từ Nga so với năm 2021, khối vẫn phải chuyển cho Điện Kremlin lượng tiền mặt tương đương khi giá cả tăng vọt.

Bất chấp việc nhập khẩu giảm mạnh, Crea ước tính rằng EU vẫn nhập khoảng 260 triệu euro nhiên liệu hóa thạch của Nga mỗi ngày.

Nhà phân tích tại Crea, bà Lauri Myllyvirta cho biết: "Các nước châu Âu cần đẩy nhanh sự chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch".

Động thái này diễn ra sau khi EU đồng ý áp đặt giá trần đối với dầu của Nga vào tuần trước như một phần của gói trừng phạt mà Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố sẽ "khiến Điện Kremlin phải trả giá".

Trong vòng trừng phạt thứ tám, các bộ trưởng EU được cho là đã đồng ý về biện pháp này sau lời cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân của Tổng thống Nga trong bối cảnh xung đột.

Bà von der Leyen nói: "Chúng tôi đã quyết định nhanh chóng và dứt khoát. Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận kết quả của những cuộc trưng cầu dân ý tại 4 vùng ở Ukraine. Chúng tôi sẽ quyết tâm khiến Điện Kremlin phải trả giá".

Mặc dù cố gắng loại bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga, việc EU cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Moscow có thể dẫn đến nguy cơ thiếu hụt, tăng giá và thậm chí là mất điện. Bên cạnh đó, một số quốc gia trong khối 27 thành viên phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga hơn so với những quốc gia khác.

Khối tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt gần đây nhất đã làm giảm 90% lượng dầu mà họ mua từ Nga, nhưng vẫn còn vài tháng trước khi lệnh cấm vận có hiệu lực. Điều này có nghĩa là EU về cơ bản sẽ tiếp tục cung cấp cho chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine trước khi cắt đứt hoàn toàn quan hệ năng lượng với Moscow.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem