Nga phản ứng gắt khi bị Mỹ, Anh, Canada đồng loạt tố hack thông tin vaccine Covid-19

17/07/2020 06:08 GMT+7
Các quan chức an ninh nhiều quốc gia mới đây cáo buộc tin tặc Nga có liên kết với các tổ chức tình báo đang cố gắng đánh cắp thông tin về những nghiên cứu vaccine chống Covid-19 ở Mỹ, Anh và Canada.
Nga phản ứng gắt khi bị Mỹ, Anh, Canada đồng loạt tố hack thông tin vaccine Covid-19 - Ảnh 1.

Mỹ, Anh, Canada đồng loạt tố Nga âm mưu hack và trộm cắp dữ liệu vaccine Covid-19

Cụ thể, nhóm tin tặc APT29 (còn được biết đến với cái tên Cozy Bear) bị cáo buộc chịu trách nhiệm cho vụ tấn công mạng nhằm vào các nghiên cứu vaccine chống Covid-19 ở Mỹ, Anh và Canada. Cụ thể, APT29 bị nghi sử dụng phần mềm hack trực tuyến và các phần mềm độc hại nhằm vào các nhà nghiên cứu vaccine ở 3 quốc gia kể trên. Đáng chú ý, APT29 bị cho là có mối liên hệ với Tình báo Nga.

Các quan chức an ninh đa quốc gia bao gồm Bộ An ninh Nội địa Mỹ, Cơ quan an ninh cơ sở hạ tầng và an ninh mạng quốc gia Mỹ, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, Cơ quan An ninh Quốc gia Canada và Trung tâm An ninh Mạng quốc gia Anh đã cùng cáo buộc Nga đứng sau chiến dịch hack nhằm vào nghiên cứu vaccine Covid-19 tại các nước này. 

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab thậm chí còn dùng những lời lẽ nặng nề để chỉ trích hành động tấn công mạng nói trên. “Một điều hoàn toàn không thể chấp nhận được là cơ quan Tình báo Nga đang nhắm mục tiêu tấn công mạng vào những nhà khoa học đang làm việc miệt mài để chống lại đại dịch Covid-19. Trong khi Vương quốc Anh và các đồng minh đang nỗ lực tìm kiếm vaccine chống Covid-19 vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe toàn cầu thì những kẻ khác lại theo đuổi lợi ích ích kỷ của riêng họ bằng hành vi (tấn công mạng) liều lĩnh”.

Paul Chichester, giám đốc Trung tâm an ninh mạng quốc gia Anh (NCSC) cho hay: “Chúng tôi lên án những cuộc tấn công mạng đáng khinh bỉ nhằm vào các cá nhân đang giữ vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19... NCSC cam kết sẽ bảo vệ các tài sản quan trọng nhất của chúng tôi và các đồng minh. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi tại thời điểm này là bảo vệ ngành y tế”.

John Hultquist, giám đốc phân tích tình báo của Mandiant Threat Intelligence thì nhận định đại dịch Covid-19 hiện là mối đe dọa hiện hữu khổng lồ với mọi chính phủ trên toàn cầu. Do đó không có gì ngạc nhiên khi các gián điệp mạng đang tìm cách thu thập mọi thông tin tình báo về phương pháp phòng chống, điều trị dịch bệnh.

Trước làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ nhiều nước, Điện Kremlin nhanh chóng có phản ứng. Hãng Thông tấn Quốc gia Nga TASS dẫn lời phát ngôn viên Moscow Dmitry Peskov cho biết Nga hoàn toàn bác bỏ mọi cáo buộc đứng sau vụ tấn công mạng nhằm vào nghiên cứu vaccine Covid-19. “Nga không liên quan gì đến các vụ tấn công mạng được cho là nhằm vào các công ty dược phẩm và tổ chức nghiên cứu” - ông Dmitry Peskov nhấn mạnh, đồng thời cáo buộc ngược trở lại rằng các bên đã không đưa ra được bằng chứng xác thực cho những phát ngôn nhằm vào Nga.

APT29 còn bị cáo buộc liên quan đến một nhóm tin tặc khác có tên là Fancy Bear trong cuộc tấn công mạng nhằm vào Ủy ban Quốc gia Dân chủ Mỹ hồi năm 2016. Fancy Bear được cho là có mối liên hệ với cơ quan tình báo quân sự GRU của Nga. 

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cũng cáo buộc gần như chắc chắn Nga đã cố can thiệp vào cuộc Tổng tuyển cử Anh hồi năm 2019. Từ lâu, Điện Kremlin cũng bị nghi ngờ can thiệp vào cuộc bầu cử tại Mỹ hồi năm 2016. 

Đáp lại các nghi vấn này, phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã nhận định đây là những cáo buộc “mù mờ và đầy mâu thuẫn”.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục