Ngân hàng CSXH tiếp sức, nhiều nông dân Điện Biên trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh

Đức Thịnh Thứ năm, ngày 28/03/2024 18:35 PM (GMT+7)
Từ nguồn vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xây dựng được mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững, ổn định cuộc sống, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Bình luận 0

Trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tỉnh Điện Biên

Anh Lò Văn Phóng, bản Mường Luân 2 (xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) xuất thân từ một gia đình nghèo, có nhiều anh chị em. Được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Phóng đã thực hiện mô hình chăn nuôi tổng hợp phát triển kinh tế gia đình. Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", khởi nghiệp với quy mô nhỏ từ 5 - 10 con lợn thịt, mấy chục con gia cầm, sau nhiều năm chăn nuôi hiệu quả, đến nay anh Phóng đã đầu tư mở rộng, nâng cấp từ mô hình gia trại thành trang trại.

Với quy mô trang trại hơn 1.000m2, mỗi năm anh Phóng xuất bán khoảng 3 tấn lợn thịt, cùng hàng nghìn con gia cầm ra thị trường; thu nhập bình quân trên 400 triệu đồng/năm.

Ngân hàng CSXH tiếp sức, nhiều nông dân Điện Biên trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh- Ảnh 1.

Mô hình nuôi bò sinh sản của nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Ảnh: Vinh Duy

Trong quá trình phát triển mô hình kinh tế trang trại, anh Lò Văn Phóng luôn tuân thủ trả tiền lãi, tiền gốc đúng hạn. Sau 3 năm sử dụng vốn vay, anh Phóng đã trả hết nợ ngân hàng và đề xuất nhu cầu tiếp tục vay vốn để phát triển mô hình bền vững hơn.

Nhận thấy anh Lò Văn Phóng sử dụng vốn vay hiệu quả, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Điện Biên Đông đã giải ngân cho anh Phóng vay 100 triệu đồng.

Anh Lò Văn Phóng cho biết: "Nguồn vốn chính sách ưu đãi là đòn bẩy rất quan trọng giúp tôi và gia đình phát triển mô hình chăn nuôi, mở cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi và quầy thuốc thú y từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững".

Cũng được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH, ông Hạng Sua Hù, bản Pu Nhi A, xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông đã tích cực khai hoang ruộng trồng lúa, đầu tư mua trang trại để đào ao thả cá, trồng cây ăn quả, chăn nuôi trâu bò sinh sản, lợn thịt kết hợp với kinh doanh tạp hóa. Nhờ đó, gia đình ông đã có nguồn thu nhập cao lên tới hơn 700 triệu đồng/năm, trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh.

Ủy thác vốn vay Ngân hàng CSXH hiệu quả với 4 tổ chức chính trị - xã hội

Hiện nay, Ngân hàng CSXH tỉnh Điện Biên đang phối hợp với các cấp Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên thực hiện hoạt động ủy thác, hỗ trợ vốn vay đến người dân. Các tổ chức này với mạng lưới từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, thôn bản đảm nhận từ tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi đến thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV); kiểm tra, đôn đốc, giám sát hoạt động của tổ TK&VV; hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; tập huấn nghiệp vụ ủy thác, đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ đúng hạn.

Ngân hàng CSXH tiếp sức, nhiều nông dân Điện Biên trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh- Ảnh 2.

Người dân Điện Biên luôn được tiếp cận nguồn vốn chính sách nhanh chóng. (Ảnh Ngân hàng CSXH Điện Biên)

Trên địa bàn tỉnh, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 129 xã, phường, thị trấn với 2.178 tổ TK&VV. Năm 2023, các hội, đoàn thể nhận ủy thác phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH tổ chức giải ngân nhanh chóng nguồn vốn. Doanh số cho vay đạt 1.478 tỷ đồng, tăng 42,5 tỷ đồng so với năm 2022, với 25.021 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, tăng 2.501 lượt hộ.

Tổng dư nợ tín dụng đến 31/12/2023 là 4.654 tỷ đồng; tỷ lệ tăng trưởng đạt 16%, với 79.191 khách hàng còn dư nợ. Dư nợ ủy thác chiếm tỷ trọng 99,66% trên tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn.

Đặc biệt, hoạt động ủy thác đóng vai trò quan trọng góp phần triển khai thực hiện thành công, hiệu quả Nghị quyết 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã giải ngân được 370,1 tỷ đồng vốn các chương trình Nghị quyết số 11/NQ-CP, đạt 100% kế hoạch giao.

Ông Hoàng Ngọc Thương – Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Điện Biên cho biết: Hoạt động ủy thác nhận được sự đồng thuận của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Thông qua công tác ủy thác cho vay đã góp phần xây dựng, củng cố bộ máy và phong trào hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, thu hút thêm nhiều hội viên, đoàn viên tham gia; tăng cường đoàn kết giữa các hội viên, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh, bền vững. Đồng thời nâng cao năng lực của cán bộ hội, đoàn thể tại cơ sở.

Việc gắn chất lượng hoạt động nhận ủy thác vào các tiêu chí thi đua đã tạo động lực thúc đẩy, nâng cao chất lượng ủy thác của tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện tốt hơn, hướng dẫn, giúp người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả để có nguồn trả nợ, trả lãi ngân hàng. Năm 2023, toàn tỉnh có 2.108/2.178 tổ TK&VV xếp loại tốt và khá, chiếm 96,8%; 70 tổ xếp loại trung bình và yếu, chiếm 3,2%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem