Ngân hàng thế giới là nhà tài trợ lớn cho các dự án giao thông
Tại buổi làm việc bà Carolyn Turk cho biết, WB muốn trao đổi với Bộ GTVT nhằm thúc đẩy tiến trình các dự án đang hợp tác hai bên.
Các dự án phát triển gồm có dự án các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam là dự án kết nối quan trọng của khu vực ĐBSCL.
Dự án cần được phê duyệt đầu tháng 11 để gửi Bộ Tài chính làm các thủ tục đàm phán Hiệp định vay vốn với WB trước thời gian nghỉ Tết (ngày 20-26/1/2023), chậm nhất là ngày 10/2/2023 để lãnh đạo WB phê duyệt trong tháng 3/2023.
Vì vậy, WB đề nghị Bộ GTVT làm việc với Bộ Tài chính để báo cáo Chính phủ phê duyệt trong thời gian sớm nhất.
Đối với Dự án Kết nối vùng Mekong, do dự án chưa có trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 nên việc WB xem xét đầu tư gặp khó khăn.
Do đây là dự án nhằm tăng cường kết nối giao thông với Lào, góp phần đẩy mạnh hợp tác chiến lược với Lào, WB đề nghị Bộ GTVT thúc đẩy việc đưa dự án này vào kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 để có thể đàm phán kỹ thuật Hiệp định vay vốn trước Tết âm lịch 2023.
Dự án Hành lang giao thông bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam là dự án đòi hỏi hệ thống giao thông kết nối phải có chất lượng cao nhằm chống chọi với điều kiện biến đổi khí hậu trong tương lai.
Dự án này đã được Bộ GTVT cân đối vốn vay nước ngoài và vốn đối ứng trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025, WB rất ủng hộ dự án. Nhưng khó khăn hiện nay là Bộ Tài chính ít ủng hộ vốn vay IBRD của WB.
Bên cạnh đó, WB cho rằng Bộ GTVT cần trao đổi với Bộ Xây dựng về những chi phí phát sinh hợp lý trong quá trình đầu tư xây dựng dự án để đảm bảo các công trình giao thông khi đưa vào sử dụng có đủ khả năng chống chọi với điều kiện thời tiết khó khăn tại khu vực.
Cảm ơn sự ủng hộ, hỗ trợ của WB gần 30 năm qua đối với ngành GTVT Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định, WB là một trong các nhà tài trợ lớn cho ngành, đã có 13 dự án hoàn thành với tổng giá trị tài trợ là 2,31 tỷ USD và 4 dự án đang thực hiện với tổng giá trị tài trợ gần 864 triệu USD.
"Tôi mong sau cuộc gặp này, những vướng mắc, khó khăn trong hợp tác giữa hai bên sẽ dần được tháo gỡ. Hơn nữa tôi mong muốn thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới trong lĩnh vực GTVT một cách mạnh mẽ và sâu sắc hơn", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng bày tỏ.
Đối với Dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam, Bộ trưởng cho biết, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ TN&MT để đủ điều kiện phê duyệt Dự án trước ngày 15/12/2022, làm cơ sở để Bộ Tài chính tiến hành thủ tục và đàm phán kỹ thuật Hiệp định vay vốn trước Tết.
Bộ trưởng đề nghị WB phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trong quá trình hoàn thiện tài liệu đàm phán sau khi Bộ GTVT phê duyệt dự án.
Về Dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ kết nối với Lào, Bộ trưởng đề nghị WB hỗ trợ, trao đổi với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính ủng hộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề xuất dự án để Bộ GTVT chuẩn bị dự án ngay từ bây giờ, đầu giai đoạn 2025 - 2028 triển khai thi công.
Bộ trưởng Thắng cho biết, do nhu cầu vốn giai đoạn chuẩn bị đầu tư là rất ít nên nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề xuất dự án, Bộ GTVT sẽ xem xét, cân đối bố trí vốn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi.
Với Dự án cải tạo, nâng cấp 3 tuyến quốc lộ (53, 62 và 91B) khu vực đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay, Bộ GTVT đã giải trình, tiếp thu, hoàn thiện Đề xuất dự án sử dụng vốn vay WB và gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính.
Bộ trưởng Thắng đề nghị WB hỗ trợ, thúc đẩy Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề xuất dự án để Bộ GTVT triển khai bước tiếp theo.
Ngoài ra, hai bên đã trao đổi về các dự án mà Việt Nam mong muốn WB hỗ trợ nguồn vốn trong thời gian tới như: Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1, sử dụng vốn dư của Dự án VRAMP vay vốn WB (dài 13,8 km); Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây nguyên (QL19); Giai đoạn 2 Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (Dự án LRAMP)…