Ngành chế biến, xuất khẩu gỗ: Tái cơ cấu sau dịch theo 3 trụ cột

Anh Thơ (thực hiện) Thứ hai, ngày 18/05/2020 15:14 PM (GMT+7)
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, dư địa cho ngành công nghiệp chế biến đồ gỗ còn rất lớn, ngành chuẩn bị sẵn các điều kiện để khai thác tốt các thị trường sau khi dịch Covid-19 lắng xuống.
Bình luận 0

Là một trong những ngành được đánh giá chịu tác động rất lớn do dịch Covid-19, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ đang gặp phải những khó khăn lớn chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây. Theo Bộ trưởng, việc này có tác động đến mục tiêu tăng trưởng ngành đặt ra cho năm 2020 không?

-Trong vài năm trở lại đây, chúng ta chứng kiến sự phát triển vô cùng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến gỗ, từ chỗ rừng chỉ cung cấp một số lâm thổ sản nhất định đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, từ chỗ chỉ có các làng nghề thủ công chế biến gỗ đã phát triển lên thành một ngành công nghiệp với 4.600 doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị.

Ngành chế biến, xuất khẩu gỗ:  Tái cơ cấu sau dịch theo 3 trụ cột  - Ảnh 1.

Ngành chế biến, xuất khẩu gỗ:  Tái cơ cấu sau dịch theo 3 trụ cột  - Ảnh 2.

Chế biến sản phẩm gỗ tại Công ty TNHH MTV Nông lâm nghiệp Sông Hiếu (Nghệ An). Ảnh: K.L

Ngành chế biến gỗ đã nắm bắt, tiếp cận được với công nghệ hiện đại của thế giới, tạo việc làm trực tiếp cho 500.000 lao động và hàng triệu người liên quan đến sinh kế từ rừng. 

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản xác lập kỷ lục mới, 11,3 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành nước lớn thứ tư thế giới về xuất khẩu gỗ và lâm sản, là nước thứ hai ở Đông Nam Á ký hiệp định VPA/FLEGT với EU về thương mại gỗ bền vững, đó là nền tảng, động lực để ngành đặt ra mục tiêu xuất khẩu tới 12,5 tỷ USD trong năm 2020.

Nhưng không ai có thể lường trước được sự xuất hiện của dịch Covid-19, khiến mọi hoạt động giao thương ngừng trệ. 

Tuy nhiên, nếu nhìn vào tăng trưởng của ngành gỗ từ đầu năm đến nay thì chúng tôi tin rằng vẫn có cơ sở để đạt được mục tiêu đề ra. 

Theo đó, 2 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng xuất khẩu vẫn đạt hơn 19%, một con số rất ấn tượng. Quý I/2020, xuất khẩu vẫn tăng 14,8%, tác động của dịch chỉ đến từ cuối tháng 3, tháng 4, kim ngạch xuất khẩu giảm 20% so với cùng kỳ. 

Vì vậy, để đạt được mục tiêu, sau quý II phải quyết tâm cao nhất phấn đấu tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2019; quý IV phải đạt tốc độ tăng trưởng 15%. Năng lực sản xuất của chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng được điều này, quan trọng là phải tiếp cận, giữ bằng được đơn hàng.

"Trong thương mại ngành gỗ cũng cần chú ý đến thị trường trong nước với 100 triệu dân. Đây là thị trường khổng lồ, tiềm năng lợi thế và có tương lai tốt".

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Rất đáng mừng là, trong gian khó, vẫn có những doanh nghiệp xoay chuyển tình thế, kiếm được đơn hàng, dù nhỏ và có những ngành như ván dán vẫn tăng trưởng.

Theo Bộ trưởng, để khai thác tốt tiềm năng của ngành gỗ, cần tập trung vào những nhóm giải pháp nào?

- Để khai thác hiệu quả tiềm năng ngành hàng gỗ, khắc phục những khó khăn hiện nay, cần tập trung 4 nhóm giải pháp lớn.

 Thứ nhất, tháo gỡ ngay những khó khăn cho 4.600 doanh nghiệp cùng các cơ sở sản xuất. Các nhóm chính sách đó bao gồm tín dụng, an sinh, tài chính, thuế sử dụng đất. Tất cả những nhóm chính sách này, các ngành phải đồng bộ tháo gỡ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể phục hồi sản xuất một cách nhanh nhất.

Thứ hai, khác thác tập trung khe hở các thị trường tới đây. Trước tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, thị trường nào, quốc gia nào khống chế được dịch thì cần phải tập trung khai thác được ngay thị trường đó.

Thứ ba, tất cả hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cần rà soát lại chiến lược kinh doanh để có nguồn lực tốt nhất, sẵn sàng bùng nổ vào quý III, IV/2020, nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là "lò xo bật lên" khai thác tốt nhất dư địa còn lại, đạt mục tiêu cao nhất.

Thứ tư, tiếp tục tái cơ cấu ngành hàng theo hướng hiện đại bền vững bằng cả ba trụ cột: Vùng nguyên liệu phải tổ chức lại chiến lược phát triển bền vững đủ sức cung ứng nguyên liệu, đa dạng hóa ngành và đưa ra những giá trị cho những phân khúc của các đối tượng tham gia khu vực nguyên liệu. Về khu vực chế biến, hình thành được những tập đoàn lớn, khu công nghiệp lớn mang tầm cỡ khu vực và toàn cầu, đủ năng lực về công nghệ, tầm quản trị, sản phẩm, thương hiệu để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời rà soát lại, củng cố phát triển hình thức thương mại hiện đại, bao gồm các thiết chế cứng như hội chợ, trung tâm, triển lãm, chợ đầu mối... và thiết chế mềm ứng dụng triệt để các giải pháp công nghệ thông tin để phát triển thương mại điện tử cùng với xây dựng thương hiệu.

Việt Nam có tham vọng trở thành trung tâm đồ gỗ của thế giới, tuy nhiên, chúng ta chưa có một trung tâm chế biến, thương mại gỗ đúng nghĩa. Theo Bộ trưởng, cần khắc phục điều này như thế nào?

- Để làm được điều đó cần có nhiều giải pháp, trong đó có việc phải hình thành những cụm, trung tâm lớn gắn liền với phát triển logistic.

 Vừa qua Nghệ An là địa phương đi đầu trong việc xây dựng một trung tâm chế biến, thương mại gỗ hiện đại, công nghệ cao. 

Ngoài ra, Bình Dương, TP.HCM cũng có nhiều tiềm năng để phát triển, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Tới đây, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tháo gỡ kịp thời những kiến nghị của doanh nghiệp, sớm hình thành các trung tâm công nghiệp chế biến gỗ lớn ở Việt Nam.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem