Ngành hàng không cần 271.364 tỷ đồng đầu tư các công trình thiết yếu sân bay

30/09/2021 14:29 GMT+7
Hệ thống sân bay giai đoạn 2021 - 2030 đang cần khoảng hơn 271.364 tỷ đồng và khoảng 76.500 tỷ đồng cho các công trình dịch vụ hàng không.

Bộ GTVT đang lấy ý kiến các địa phương về đề án định hướng huy động nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng các cảng hàng không. Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không (sân bay) của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 lên đến khoảng 271.364 tỷ đồng cho các công trình thiết yếu của sân bay và khoảng 76.500 tỷ đồng cho các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không.

Để đầu tư các công trình, ngân sách Nhà nước bố trí cho Bộ GTVT chỉ đáp ứng khoảng 65,8% nhu cầu. Khả năng cân đối của TCT Cảng hàng không VN (ACV) rất khó khăn do phải tập trung nguồn lực cho các công trình trọng điểm quốc gia (sân bay quốc tế Long Thành, Tân Sơn Nhất, Nội Bài…) rất cần nghiên cứu giải pháp để huy động thêm nguồn lực.

Việc huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không không phải là vấn đề mới. Thời gian qua, ngành hàng không đã thực hiện huy động thông qua phương thức góp cổ phần, liên doanh liên kết, doanh nghiệp tư nhân để đầu tư các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không.

Ngành không cần 271 tỷ đồng đầu tư các công trình thiết yếu sân bay - Ảnh 1.

Hệ thống đường băng sân bay Nội Bài. Ảnh: VNA

Việc huy động nguồn vốn xã hội đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng sân bay như: Đường cất/hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay; nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa… chưa được thúc đẩy mạnh mẽ cũng như chưa có quan điểm phù hợp dẫn đến việc thực hiện còn nhiều vướng mắc, bất cập.

Đồng thời, do đặc thù kết cấu hạ tầng sân bay có chi phí đầu tư lớn nhưng khả năng thu hồi vốn không cao nên không hấp dẫn nhà đầu tư; nhà đầu tư chỉ tập trung thực hiện đầu tư tại một số công trình có nguồn thu cao, không áp dụng mô hình toàn cảng như sân bay quốc tế Vân Đồn nên chưa phát huy hết hiệu quả và giảm áp lực gánh nặng về vốn cho Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước.

Mục tiêu cụ thể của Đề án huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng sân bay là xác định danh mục dự án và lộ trình huy động nguồn vốn. Năm 2023, hoàn thành cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về nhượng quyền đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng sân bay.

Năm 2026, hoàn thành thí điểm nhượng quyền đầu tư, khai thác sân bay quốc tế Cần Thơ. Đến năm 2030, nâng tỷ trọng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng sân bay theo phương thức PPP, phương thức nhượng quyền đầu tư, khai thác và phương thức đầu tư trực tiếp tại các sân bay của Việt Nam từ 20,5% lên 24,9%.


Thế Anh
Cùng chuyên mục