Ngành nông nghiệp Quảng Nam tìm cách "cứu" rừng ngập mặn bị chết
Ngày 10/4, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, xung quanh việc nhiều diện tích rừng ngập mặn trải dài từ thôn Đông Xuân đến Đông Bình, xã Tam Giang, huyện Núi Thành bị chết chưa rõ nguyên nhân.
Theo ngành nông nghiệp Quảng Nam, trước việc UBND huyện Núi Thành về việc đề nghị hỗ trợ xác định nguyên nhân và có giải pháp phục hồi rừng ngập mặn bị chết. Sở NN&PTNT tỉnh đã có báo cáo gửi Tổng cục Lâm nghiệp và Viện Tài nguyên và Môi trường - Đại học Huế báo cáo và đề nghị hỗ trợ xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục rừng ngập mặn bị chết.
Ngay sau đó, Viện Tài nguyên và Môi trường - Đại học Huế đã tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường, điều tra, thu thập các mẫu vật nước, đất, các bộ phận của cây bị chết và Viện Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản trả lời hiện tượng, nguyên nhân cây chết và đề xuất giải pháp.
"Theo báo cáo kết quả, vị trí cây chết tập trung nhiều tại những khu vực có độ ngập triều cao và thường xuyên, những khu vực ít bị ngập triều và những cây gần bờ ít bị chết có dấu hiệu sinh trưởng bình thường.
Các cây có kích thước lớn ít bị chết hơn so với các cây nhỏ, do những cây lớn có hệ thống rễ khí sinh phát triển ổn định nên có khả năng chịu tác động ngập triều lâu.
Cây chết hàng loạt do có sự thay đổi đồng bộ chất lượng nước hoặc do sự gia tăng bất thường lượng chất hòa tan trong nước, do tác động vật lý trong thời gian dài và liên tục làm thay đổi quá trình hoạt động của hệ thống rễ khí sinh. Những cây ngập triều sâu và kéo dài liên tục bị tác động lên hệ thống rễ khí sinh làm cho ngừng quá trình trao đổi chất trong cây dẫn đến cây bị chết", ông Tích cho biết.
Trước việc rừng ngập mặn chết và về lâu dài, giải pháp khắc phục cứu lấy rừng ngập mặn, ông Phạm Viết Tích cho biết, trên cơ sở đề xuất của Viện Tài nguyên và Môi trường về phục hồi lại rừng ngập mặn tại xã Tam Giang, huyện Núi Thành. Ngày 14/3, Sở đã đề nghị UBND huyện Núi Thành tổ chức rà soát toàn bộ diện tích rừng ngập mặn hiện có trên địa bàn và nghiên cứu áp dụng các giải pháp lâm sinh.
"Để cứu rừng ngập mặn cần phân lô và đánh giá hiện trạng tái sinh và tình trạng tái phục hồi theo lô làm cơ sở thiết kế trồng phục hồi rừng.
Tổ chức thí điểm trồng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên đối với diện tích rừng bị chết. Diện tích tổ chức thí điểm chiếm khoảng 10% diện tích rừng thiệt hại để làm cơ sở tái phục hồi rừng trong những năm tiếp theo. Tiến hành trồng bổ sung các khu vực bị chết mà không có khả năng phục hồi bằng các loài cây đang hiện hữu sinh sống tại rừng ngập mặn.
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; không cho người dân khai thác tận thu cây đã bị chết để tránh tình trạng gây tác động đến hệ thống rễ khí sinh của những cây đang sống và những cây đang có dấu hiệu phục hồi", ông Tích nhấn mạnh.
Và mới đây nhất, theo kết quả kiểm tra ngày 23/3, giữa Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm, Phòng NN&PTNT, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Núi Thành, UBND xã Tam Giang tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường rừng ngập mặn bị chết, kết quả diện tích rừng tự nhiên bị chết đang có dấu hiệu tự phục hồi khoảng 80% và có một số khu vực phục hồi nhưng mức độ chậm.
"Với tình hình thực tế rừng phục hồi như hiện nay, để phục hồi và phát triển rừng ngập mặn tại xã Tam Giang, huyện Núi Thành, Sở đề xuất giải pháp, tổ chức khoanh nuôi có trồng bổ sung đối với những lô rừng có mật độ sống thấp.
Trong đó sử dụng cây Đước làm cây chủ đạo cho việc trồng bổ sung. Khảo sát và xây dựng vườn ươm cây giống tại địa phương (khu vực rừng bị chết) để cây giống thích nghi với điều kiện tự nhiên trước khi đưa vào trồng rừng.
Đối với diện tích rừng đã phục hồi, địa phương sớm rà soát đưa vào quản lý, bảo vệ rừng theo các chương trình, chính sách hiện có. Làm hàng rào bảo vệ diện tích rừng hiện có để hạn chế việc xâm hại đến rừng…", ông Tích cho biết.