Diện tích cây ăn quả vượt 1,3 triệu ha, đưa xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục hơn 7 tỷ USD

Hoan Nguyễn
17/07/2025 16:21 GMT +7
Diện tích cây ăn quả cả nước vượt mốc 1,3 triệu ha, đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt mức kỷ lục 7,1 tỷ USD. Ngành nông nghiệp Việt Nam đang chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và hội nhập sâu rộng.

Động lực lớn từ vùng trồng lớn Trung du, miền núi phía Bắc

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2024 tổng diện tích cây ăn quả cả nước đạt hơn 1,3 triệu ha, với các vùng trồng lớn tập trung tại Đồng bằng sông Cửu Long và Trung du, miền núi phía Bắc (TDMNPB).

Sản lượng cây ăn quả đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 7,1 tỷ USD trong năm 2024. So với 10 năm trước, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đã tăng từ 1,47 tỷ USD lên hơn 7 tỷ USD (tăng gần 5 lần).

Phú Thọ hiện có hơn 32.000 ha trồng cây ăn quả. Trong cây chủ lực bưởi, cam, quýt chiếm 16.000 ha; chuối hơn 5.000 ha; nhãn, vải gần 4.000 ha... Ảnh: Hoan Nguyễn

Các chuyên gia nhận định, tiềm năng và dư địa để gia tăng giá trị xuất khẩu cho ngành hàng này rất lớn. Đáng chú ý, khu vực Trung du và miền núi phía Bắc hiện chiếm khoảng 21% tổng diện tích (tương đương gần 275.000 ha), tốc độ tăng trưởng cây ăn quả đạt 5,7%/năm, vượt mức trung bình cả nước (5,3%/năm), cho thấy khu vực này đang nổi lên như một “điểm sáng” trong bản đồ nông nghiệp cả nước.

Sở Nông nghiệp và Môi trường Tỉnh Phú Thọ đánh giá, Phú Thọ là một trong những tỉnh trọng điểm của vùng TDMNPB với gần 32.000 ha cây ăn quả chủ lực (bưởi, cam, chuối, vải, nhãn...). Trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững, cây ăn quả ngày càng thể hiện rõ vai trò là trụ cột trong nâng cao giá trị nông sản, chuyển đổi sinh kế và khai thác lợi thế địa phương.

Đến nay, tỉnh đã cấp hơn 370 mã số vùng trồng và xây dựng hàng chục cơ sở đóng gói, sản phẩm OCOP, một số sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và EU. Các mô hình sản xuất ứng dụng VietGAP, tưới tiết kiệm, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, quản lý dịch hại tổng hợp IPM… đang ngày càng được nhân rộng, góp phần nâng cao chất lượng và năng suất cây trồng.

Mô hình “Thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng bưởi Đoan Hùng” do Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ triển khai. Ảnh: Hoan Nguyễn

Tuy nhiên, sản xuất cây ăn quả hiện vẫn đối mặt với nhiều thách thức khi xuất khẩu sang thị trường quốc tế, nhất là các nước EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... do siết chặt các rào cản kỹ thuật, đòi hỏi sản phẩm trái cây Việt phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn khắt khe về truy xuất nguồn gốc, sản xuất theo quy trình GAP, có mã vùng trồng, cơ sở đóng gói đạt chuẩn...

Trong nước, người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm sạch, rõ nguồn gốc, đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, hay các sản phẩm được xếp hạng OCOP, tạo ra động lực nhưng cũng là áp lực cho các địa phương và nông hộ trong việc thay đổi phương thức canh tác.

Ngoài ra, việc sản xuất cây ăn quả vẫn còn gặp khó khăn do quy mô nhỏ lẻ, thiếu liên kết chuỗi giá trị, chi phí logistics cao và thiếu vốn đầu tư. Những vấn đề này khiến nhiều địa phương chưa khai thác hết tiềm năng kinh tế từ cây ăn quả.

Tổ chức sản xuất theo chuỗi hiện đại

Để nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng cho ngành cây ăn quả, đặc biệt tại khu vực TDMNPB, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh tái tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại, bài bản vào hạ tầng, công nghệ và liên kết thị trường. Chỉ khi đó, những “mỏ vàng xanh” mới thực sự phát huy hết tiềm năng trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Phú Thọ đã cấp 23 mã số vùng trồng trên diện tích hơn 300 ha cây thanh long. Trong đó có 14 mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu, 11 mã vùng trồng phục vụ nội tiêu. Xây dựng được 4 cơ sở sản xuất đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: Hoan Nguyễn

Theo đó, cần quy hoạch và mở rộng vùng trồng tập trung theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Quy hoạch cần dựa trên lợi thế tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, gắn với yêu cầu của thị trường và quy trình sản xuất an toàn thực phẩm. Mở rộng diện tích phải đi cùng với đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm.

Phát triển các mô hình liên kết chuỗi giá trị giữa nông dân – hợp tác xã – doanh nghiệp. Cần khuyến khích các HTX và tổ hợp tác nông nghiệp làm nòng cốt tổ chức sản xuất, hướng đến các mô hình có hợp đồng bao tiêu, chia sẻ lợi ích – rủi ro, tạo nền tảng cho chuỗi cung ứng khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ.

Cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ số vào sản xuất và quản lý. Việc áp dụng giống mới, kỹ thuật thâm canh bền vững, công nghệ sau thu hoạch, cùng với số hóa dữ liệu vùng trồng và truy xuất nguồn gốc, sẽ là chìa khóa giúp nông sản Việt đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và nâng cao giá trị xuất khẩu.

Phát huy thế mạnh từng địa phương, kết hợp sản xuất cây ăn quả với phát triển du lịch nông nghiệp – sinh thái, tận dụng cảnh quan, sản phẩm đặc sản và bản sắc văn hóa địa phương để phát triển các mô hình vườn trải nghiệm. Đây là hướng đi giúp gia tăng giá trị nông sản, đa dạng hóa sinh kế và lan tỏa hình ảnh nông nghiệp xanh, thân thiện và bền vững.

Sáng ngày mai – 18/7, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Phú Thọ (địa chỉ phường Thanh Miếu, tỉnh Phú Thọ), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Phú Thọ tổ chức Diễn đàn “Phát triển sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”, với sự tham gia của 200 đại biểu đến từ toàn quốc.

Diễn đàn tạo không gian để các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và bà con nông dân cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng, sản lượng cũng như năng lực cạnh tranh của ngành hàng cây ăn quả - góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW.