Ngày 20/11: Làm gì để nâng cao năng lực chuyển đổi số cho nhà giáo trong cơ sở GDNN?

Thùy Anh Thứ bảy, ngày 19/11/2022 06:00 AM (GMT+7)
Để nâng cao hiệu quả chất lượng đào tạo nghề, việc đầu tiên là cần nâng cao chất lượng nhà giáo, trong đó tập trung bồi dưỡng giúp nhà giáo thích ứng với chuyển đổi số.
Bình luận 0

Nhà giáo tự thích ứng với chuyển đổi số

Để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đòi hỏi người thầy không chỉ cần kiến thức, kỹ năng mà còn phải thích ứng được với việc giảng dạy trong kỷ nguyên số. Đây được xem là điều kiện quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong bối cảnh mới.

Theo báo cáo của Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, hiện cả nước có 1.909 cơ sở GDNN, trong đó có 399 trường cao đẳng, 458 trường trung cấp và 1.052 trung tâm với gần 84.000 giảng viên, giáo viên dạy nghề.

Trong đó, có 37.235 giảng viên cao đẳng, 13.295 giáo viên trung cấp và 33.429 nhà giáo tại các trung tâm GDNN và các cơ sở khác có tham gia hoạt động GDNN. Hầu hết, đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm, trình độ đào tạo, chức danh nghề theo quy định (trong đó 31,7% có trình độ trên đại học, 60,1% có trình độ đại học, cao đẳng hoặc cao đẳng nghề và 8,2% có trình độ trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề). Khoảng 70% nhà giáo đạt chuẩn trình độ kỹ năng nghề để dạy thực hành.

chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Nâng cao kỹ năng chuyển đổi số cho nhà giáo trong cơ sở GDNN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng GDNN. Ảnh: N.N (Trường CĐ Nghề công nghiệp Hà Nội)

Mặc dù vậy, mới chỉ có một bộ phận đội ngũ nhà giáo thích ứng được với chuyển đổi số trong GDNN. Để nâng cao chất lượng dạy và học, mới đây các nhà giáo tại trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc đã thiết kế ra chiếc vali thực hành sử dụng công nghệ IOT sau 3 năm dài nghiên cứu. Đây là mô hình sử dụng Internet kết nối vạn vật, đáp ứng được việc dạy và học công nghệ. Đây cũng là 1 trong 30 thiết bị nhận được giải trong cuộc thi sáng tạo thiết bị đào tạo tự làm của các cơ sở GDNN.

Thiết bị này là minh chứng, chứng minh khả năng thích ứng của các thầy cô với quá trình dạy và học nhằm đáp ứng quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Đức Lưu - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh  cho rằng chuyển đổi là một cuộc cách mạng. Theo đó, các thầy cô trong các cơ sở GDNN cần chuyển đổi từ cách làm cũ sang cách làm mới trên cơ sở ứng dụng công nghệ số. Vì thế nó sẽ làm xáo trộn thói quen giảng dạy cũ, việc thích ứng là không đơn giản.

"Trong chiến lược phát triển GDNN với 9 giải pháp, thì giải pháp phát triển đội ngũ nhà giáo đóng vai trò trọng tâm. Theo đó, đội ngũ nhà giáo GDNN cần được sắp xếp lại theo hướng tăng quy mô, có cơ cấu cân đối và đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo".

Ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN

"Sẽ có một bộ phận nhà giáo không thích nghi được, vì thế chúng tôi xác định thành lập nhóm tiên phong trong chuyển đổi số, rồi dần lan tỏa đến nhóm cán bộ chủ chốt. Sau 3 năm thực hiện cán bộ giảng viên đã hình thành một thói quen làm việc mới rất hiệu quả theo hình thức chuyển đổi số", ông Lưu nói.

Nhiều giải pháp nâng cao năng lực thích ứng chuyển đổi số cho nhà giáo

Theo Tổng Cục GDNN, mục tiêu chuyển đổi số trong chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025 đề ra sẽ có 100% nhà giáo và cán bộ quản lý được đào tạo bổ sung; 100% nhà giáo cơ sở GDNN được đào tạo phát triển học liệu số...

Để thực hiện mục tiêu này, Tổng cục GDNN đang đưa ra nhiều giải pháp thực hiện. Bà Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết đây là mục tiêu cao, đòi hỏi sự cố gắng của chính các nhà giáo, nhà trường và nhiều đơn vị khác.

ngày 20/11 GDNN

Tổng cục GDNN hướng tới việc xây dựng một khung năng lực số cho nhà giáo trong các cơ sở GDNN. Ảnh: NN (Trường CĐ Nghề công nghệ Hà Nội)

Theo bà Hương để thực hiện nhiệm vụ này, việc đầu tiên cần xây dựng một khung năng lực số. Đây là công cụ để các cơ sở GDNN có khung dựa vào để xác định năng lực cần có của các nhà giáo.

Từ khung năng lực ấy, các cơ sở GDNN sẽ xác định được những điều cần để bổ sung năng lực số cho các nhà giáo cũng như cán bộ quản lý. Trên cơ sở đó, tổ chức các lớp thí điểm định hướng để bồi dưỡng cho các nhà giáo.

"Chúng tôi sẽ tổ chức các lớp, khóa bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, đặc biệt là năng lực số. Chúng tôi muốn tổ chức đào tạo để phát triển các ứng dụng số, học liệu số trong giảng dạy và thực hiện các bước chuyển đổi số sâu hơn", bà Hương nói.

Vừa qua Tổng cục tổ chức các kỳ thi, cuộc thi liên quan đến kỷ năng số trong giảng dạy... nhằm nâng cao chuyển đổi số.

"Thời gian tới Tổng cục sẽ điều chỉnh, rà soát hành lang pháp luật liên quan tới chính sách giảng dạy nói chung trong đó có giảng dạy chuyển đổi số sẽ là ưu tiên trong thời gian tới", bà Việt Hương nói.

Bà Hương cũng cho rằng ngoài giải pháp trên thì các cơ sở GDNN cũng chú ý tới việc hoàn thiện các chuẩn và chuẩn hóa nhà giáo, chú trọng kinh nghiệm thực tiễn và năng lực nghề nghiệp trong kỷ nguyên số. Chú ý tới các phương pháp dạy học hiện đại, tích hợp các kỹ năng cốt lõi mà thế kỷ 21 đòi hỏi cùng kỹ năng mềm, kỹ năng số, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem