Ngày đầu tiên đàm phán Mỹ Trung: "Vô cùng tốt đẹp" nhưng tiềm ẩn rủi ro
Đàm phán Mỹ Trung ngày đầu tiên: "Vô cùng tốt đẹp"
Trả lời giới truyền thông, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 10/10 cho hay: “Mỹ đã có một buổi đàm phán vô cùng tốt đẹp với phái đoàn Trung Quốc”. Ông Trump đồng thời nhắc lại kế hoạch gặp gỡ Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Nhà Trắng vào tối 11/10, sau khi đàm phán Mỹ Trung kết thúc. Giới chuyên gia cho rằng đây là một dấu hiệu tích cực của đàm phán, mở ra triển vọng hoãn thi hành các lệnh trừng phạt thuế quan với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc vào 15/10 tới đây.
Một nguồn tin Reuters dẫn lời quan chức Nhà Trắng giấu tên cũng cho biết đàm phán thương mại đã diễn ra tốt đẹp hơn dự kiến. Hai phái đoàn sẽ tiếp tục gặp nhau vào ngày 11/10 tới (giờ Mỹ) để thảo luận thêm về các tranh chấp thương mại tồn đọng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Myron Brilliant, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề quốc tế từ Phòng Thương mại Mỹ cho hay các nhà đàm phán đang cố gắng tìm kiếm một con đường dẫn tới thỏa thuận thương mại toàn diện bằng cách tiếp cận các vấn đề ít căng thẳng hơn như quyền sở hữu trí tuệ và mở cửa thị trường.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bị cuốn vào một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài hơn một năm nay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Trung Quốc thực hiện một loạt những cải cách cơ bản để quét sạch những hành vi gian lận lợi ích thương mại như trợ cấp Chính phủ, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, chính sách chuyển giao công nghệ bắt buộc… Bắc Kinh sau đó đã tỏ thái độ cứng rắn, lên án Mỹ “bắt nạt kinh tế” và không có ý định thay đổi thể chế pháp lý của mình, điều khiến cho đàm phán thương mại đổ bể và ông Trump giận dữ tuyên bố áp thuế lên 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Sự leo thang của thương chiến trong những tháng qua cùng chiến tranh thuế quan đã khiến thị trường dấy lên mối lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu. Thế nhưng, với triển vọng lạc quan của đàm phán hiện nay, có khả năng cả hai nước sẽ sớm kết thúc cuộc chiến tranh thương mại cay đắng này.
Bắc Kinh đang thể hiện sự “chân thành tuyệt đối”
Hồi đầu tuần, triển vọng đàm phán Mỹ Trung đã trở nên ảm đạm sau khi Bộ Thương mại Mỹ đưa 28 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen, trong đó bao gồm 8 doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực sản xuất thiết bị giám sát an ninh và trí tuệ nhân tạo. Bộ này cáo buộc các thực thể trên đã trực tiếp tham gia vào chiến dịch vi phạm nhân quyền quy mô lớn và có hệ thống mà Bắc Kinh thực hiện với những dân tộc thiểu số Hồi giáo vùng Tân Cương.
Bắc Kinh sau đó gay gắt chỉ trích động thái của Mỹ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng lên tiếng yêu cầu Washington “sửa chữa sai lầm” bằng cách bỏ 28 thực thể trên khỏi danh sách đen và “ngừng nhúng tay vào các vấn đề nội bộ Trung Quốc”.
Chưa dừng lại ở đó, phía Mỹ sau đó hạn chế cấp visa thị thực cho một số quan chức Trung Quốc có tham gia vào hành vi vi phạm nhân quyền kể trên.
Hàng loạt động thái ngay trước thềm đàm phán Mỹ Trung đã khiến phía Trung Quốc tuyên bố hạ thấp triển vọng thỏa thuận thương mại.
Nhưng giờ đây, bầu không khí đã lạc quan trở lại. Tân Hoa Xã, cơ quan truyền thông chính thức của ĐCS Trung Quốc hôm 10/10 dẫn lời Phó Thủ tướng Lưu Hạc rằng Bắc Kinh “rất chân thành và sẵn sàng hợp tác với Mỹ” để giải quyết các vấn đề như thâm hụt cán cân thương mại, mở cửa thị trường chào đón các nhà đầu tư Mỹ.
Còn Bộ Nông nghiệp Mỹ hôm 10/10 cũng báo cáo đã nhận được đơn hàng 398.000 tấn đậu nành từ Trung Quốc, một cử chỉ cho thấy thiện chí giải quyết xung đột thương mại của Bắc Kinh. Văn phòng đại diện thương mại Mỹ thì công bố doanh số xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc kỷ lục với hợp đồng 123.362 tấn thịt lợn trong năm 2020.
Thị trường chưa thể "thở phào"
Thực chất, đàm phán Mỹ Trung ngày đầu tiên chỉ tập trung giải quyết các vấn đề bên lề, ít gây tranh cãi như quyền sở hữu trí tuệ, chấm dứt hành vi gian lận thương mại và ép buộc chuyển giao công nghệ, hạn chế trợ cấp công nghiệp và mở cửa thị trường cho các Doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Các cuộc thảo luận hiện chưa đề cập đến những xung đột cốt lõi và gây tranh cãi nhất, như vấn đề về Huawei chẳng hạn. Các vấn đề này có lẽ sẽ được phái đoàn hai bên để dành lại cho lần đàm phán tiếp theo. Đó là lý do vì sao thị trường chưa thể “thở phào” dù ông Trump tuyên bố đàm phán đang diễn ra vô cùng tốt đẹp.
Ông Craig Allen, chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ Trung nhận định: “Nhiều khả năng hai bên sẽ đạt tới một thỏa thuận trong lĩnh vực tiền tệ có nội dung tuân theo thỏa thuận toàn diện đã được Mỹ và Trung Quốc thông qua từ hồi tháng 2/2019, trong đó cam kết ngăn chặn các nỗ lực thao túng tiền tệ để đạt được lợi ích thương mại không lành mạnh.” Tuy nhiên, có vẻ như sẽ không có bất kỳ thỏa thuận thương mại toàn diện nào được ký kết.