Nhận "loạt đòn" từ Trump, Bắc Kinh giảm kỳ vọng vào đàm phán Mỹ - Trung

11/10/2019 06:30 GMT+7
Hai phái đoàn đàm phán Mỹ Trung chuẩn bị gặp nhau tại Washington vào 10-11/10 (giờ Mỹ) để tái khởi động vòng đàm phán đầu tiên kể từ hồi cuối tháng 7 đến nay. Nhưng có vẻ như triển vọng cho một thỏa thuận thương mại là khá mờ nhạt.

Mỹ đẩy căng thẳng leo thang trước thềm đàm phán

Nhận loạt đòn giáng từ Trump, Bắc Kinh giảm kỳ vọng vào đàm phán Mỹ Trung - Ảnh 1.

Đàm phán Mỹ Trung sẽ tái khởi động vào 10/10 (giờ Mỹ)

Theo kế hoạch, phái đoàn thương mại Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu sẽ trao đổi với phái đoàn Mỹ do Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn dắt về những xung đột cơ bản giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, qua đó sớm chấm dứt những kế hoạch trừng phạt thuế quan tiếp theo mà Trump áp lên 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Nhưng bầu không khí xoay quanh đàm phán thương mại đã bị xáo trộn sau quyết định đưa 28 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ hôm 7/10. Phía Mỹ khẳng định đây là hành động trừng phạt cho các hành vi xâm hại nhân quyền mà Bắc Kinh đang thực hiện với nhóm dân tộc thiểu số vùng Tân Cương, hoàn toàn không liên quan đến đàm phán Mỹ Trung. 

Ngay sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã lên tiếng phủ nhận việc Bắc Kinh có hành vi vi phạm nhân quyền, đồng thời yêu cầu Mỹ ngừng can thiệp vào các vấn đề nội bộ Trung Quốc và nên lập tức “sửa chữa sai lầm” bằng cách đưa 28 thực thể nêu trên khỏi danh sách đen.

Washington không những không phản hồi đề nghị của Trung Quốc, mà còn quyết định hạn chế cấp visa cho quan chức Trung Quốc mà Mỹ cho rằng có liên quan đến các hành vi vi phạm nhân quyền tại Tân Cương. Trong bối cảnh chỉ còn 1 ngày trước khi đàm phán Mỹ Trung diễn ra, đây rõ ràng là đòn giáng mạnh mẽ mà chính quyền Trump với Bắc Kinh nhằm tỏ rõ thái độ cứng rắn đạt đến một thỏa thuận toàn diện thay vì thỏa thuận tạm thời.

Vài ngày trước đó, chứng khoán Mỹ đã giảm mạnh sau khi Phó Thủ tướng Lưu Hạc tuyên bố sẽ mang đến Bắc Kinh những điều khoản thỏa thuận không bao gồm việc can thiệp vào chính sách công nghiệp và trợ cấp Chính phủ của Trung Quốc. Thực chất, đây đều là những mâu thuẫn cơ bản mà ông Trump đã nhiều lần lên án phía Bắc Kinh. Nếu phái đoàn Trung Quốc kiên quyết không thương thảo các vấn đề kể trên, đàm phán nhiều khả năng sẽ tiếp tục sụp đổ như hồi tháng 5.

Nếu đàm phán Mỹ Trung bị phá vỡ thêm lần nữa, các mức thuế mà Trump áp lên tất cả 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ có hiệu lực. Không chỉ gây tổn thương Trung Quốc, mức thuế này còn khiến mỗi hộ gia đình Mỹ thiệt hại thêm 1.000 USD mỗi năm và đưa nền kinh tế toàn cầu tiến gần đến bờ vực suy thoái, theo cảnh báo từ IMF. 

Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross hôm 10/10 (giờ Úc) đã lên tiếng cảnh cáo Trung Quốc rằng thuế quan đang có hiệu lực và Bắc Kinh nên dè chừng nếu không muốn Mỹ nổi giận. “Mỹ không thích trừng phạt thuế quan bất cứ quốc gia này, Mỹ không muốn sử dụng công cụ ấy. Nhưng sau nhiều năm thảo luận suông, đòn giáng thuế quan đã khiến Trung Quốc phải cảnh giác” - ông Ross phát biểu trong một chuyến thăm chính thức đến Australia.

Nhận loạt đòn giáng từ Trump, Bắc Kinh giảm kỳ vọng vào đàm phán Mỹ Trung - Ảnh 3.

Ông Trump muốn đàm phán Mỹ Trung mang về cho Mỹ một thỏa thuận thương mại toàn diện chứ không phải thỏa thuận tạm thời

“Theo tôi, Trung Quốc mới là bên muốn thực hiện một thỏa thuận thương mại” - Donald Trump tuyên bố hôm 9/10.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhiều lần bác bỏ các thông tin cho rằng cả hai nước đang xem xét một thỏa thuận tạm thời, trong đó Trung Quốc sẽ mua nông sản Mỹ để đổi lại việc Mỹ đình chỉ các trừng phạt thuế quan. Hôm 9/10 (giờ Mỹ), tức ngay trước thềm đàm phán, ông Trump lần nữa nhấn mạnh rằng ông muốn một thỏa thuận lớn và toàn diện với Bắc Kinh, một thỏa thuận giải quyết mọi xung đột cốt lõi như vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc, trợ cấp Chính phủ...

Bắc Kinh không lạc quan về đàm phán Mỹ Trung

Phái đoàn thương mại Trung Quốc, những người đang bị chấn động sau danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ, đã trả lời Reuters rằng Bắc Kinh vừa hạ thấp kỳ vọng về tiến trình đàm phán Mỹ Trung tại Washington lần này.

Trong 28 thực thể lọt vào danh sách đen của Mỹ hôm 7/10, có tới 8 Doanh nghiệp sáng giá của Trung Quốc bao gồm nhà sản xuất camera giám sát lớn nhất thế giới Hikvision, công ty tiên phong trong công nghệ giám sát an ninh Dahua Technology, công ty dẫn đầu trong lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giám sát nhân dạng  iFlyTek và SenseTime… Nhìn chung, cả 8 Doanh nghiệp này đều là những nhân tố cốt lõi trong chiến lược Made in China 2025 của Bắc Kinh, chiến lược với tham vọng đưa Trung Quốc thành cường quốc công nghệ thống trị thế giới.

Vậy nên, không quá khó hiểu khi Bắc Kinh hạ thấp triển vọng thỏa thuận thương mại. Trung Quốc chưa bao giờ dễ thỏa hiệp, và sẽ càng không nhượng bộ sau hành động này của Mỹ. Dù rằng tờ NY Times mới đây đã tiết lộ chính phủ Mỹ có vẻ sẽ sớm cấp giấy phép xuất khẩu các linh kiện điện tử, công nghệ không gây rủi ro an ninh quốc gia cho Huawei, thì cơ hội hai bên chấm dứt xung đột thương mại kéo dài hơn một năm nay vẫn rất mong manh.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục