Mỹ đưa 28 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen ngay trước thềm đàm phán

08/10/2019 10:33 GMT+7
Bộ Thương mại Mỹ hôm 7/10 đã đưa 28 thực thể khác của Trung Quốc bao gồm cả gã khổng lồ sản xuất camera giám sát Hikvision vào danh sách đen ngay trước thềm đàm phán thương mại diễn ra vào cuối tuần này.
Mỹ đưa 28 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen ngay trước thềm đàm phán  - Ảnh 1.

Trước thềm đàm phán thương mại, Chính quyền Trump tiếp tục giáng đòn xuống Trung Quốc

Theo báo cáo của Bộ Thương mại, 28 thực thể được bổ sung vào danh sách đen bao gồm Phòng Cảnh sát Nhân dân Duy Ngô Nhĩ (khu tự trị Tân Cương), 19 cơ quan Chính phủ và 8 công ty thương mại.

8 công ty lọt vào danh sách đen gồm có 2 tập đoàn trí tuệ nhân tạo AI hàng đầu Trung Quốc có Alibaba nắm giữ lượng lớn cổ phần là SenseTime Group và Megvii Technology. Ngoài ra, Công ty Công nghệ Kỹ thuật số Hàng Châu Hikvision, nhà sản xuất camera giám sát video hàng đầu thế giới hay tập đoàn sản xuất thiết bị an ninh Dahua Technology (Chiết Giang). Một số công ty khác bao gồm IFLYTEK,  Tập đoàn thông tin Meiya Pico (Hạ Môn) và Công ty Khoa học & Công nghệ Yixin.

Danh sách cũng bao gồm các cơ quan an ninh công cộng trực thuộc Chính phủ, Trường Cao đẳng Cảnh sát Tân Cương và Văn phòng Cảnh sát Nhân dân, nơi chịu trách nhiệm thực thi pháp luật, kiểm soát các hoạt động nhập cư và an ninh công cộng. 

Mỹ đưa 28 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen ngay trước thềm đàm phán  - Ảnh 2.

Hikvision, tập đoàn sản xuất phân phối camera giám sát lớn nhất hành tinh cũng bị đưa vào danh sách đen

Cũng như Huawei, 28 thực thể bị đưa vào danh sách đen sẽ bị cưỡng chế chấm dứt hợp tác với mọi công ty Mỹ, hạn chế nhập khẩu các thiết bị, linh kiện từ Mỹ mà không có sự chấp thuận của Chính phủ. Hồi tháng 5 năm nay, Mỹ đã đưa gã khổng lồ công nghệ Huawei và hơn 100 chi nhánh của nó vào danh sách đen, điều khiến Huawei bị ảnh hưởng nghiêm trọng. CEO Huawei Nhậm Chính Phi sau đó đã tuyên bố tập đoàn đang ở trong một "hoàn cảnh sống còn".

Lý giải về nguyên nhân đưa 28 thực thể này vào danh sách đen, Bộ Thương mại Mỹ đã viện dẫn những vấn đề nhân quyền của người Tân Cương, đồng thời cáo buộc Trung Quốc sử dụng các biện pháp giám sát công nghệ cao cho hoạt động kiểm soát cộng đồng dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ. Bộ Trưởng Thương mại Wilbur Ross cho hay chính phủ Mỹ không thể làm ngơ trước sự vi phạm nhân quyền "tàn bạo" này.

Việc Mỹ đưa 28 thực thể của Trung Quốc vào danh sách đen ngay trước thềm đàm phán thương mại Mỹ Trung tại Washington vào 10/10 tới đã thể hiện lập trường cứng rắn của quan chức Nhà Trắng. Chỉ trước đó vài ngày, Trung Quốc cũng có dấu hiệu thu hẹp nội dung thỏa thuận thương mại khi Phó Thủ tướng Lưu Hạc tuyên bố ông sẽ mang đến Washington một bản dự thảo thỏa thuận không bao gồm các vấn đề trợ cấp chính phủ và chính sách công nghiệp. Điều này đi ngược lại tuyên bố của ông Trump rằng Mỹ sẽ chỉ chấp nhận một thỏa thuận toàn diện mà thôi.

Hành động của Bộ Thương mại nhận được nhiều lời tán đồng của Đảng Cộng Hòa. Thượng nghị sĩ Marco Rubio nhận định: "Đây là thông điệp mạnh mẽ mà chính quyền Donald Trump gửi tới Trung Quốc, rằng Mỹ sẽ buộc các quan chức Bắc Kinh và chính quyền Tập Cận BÌnh chịu trách nhiệm cho những hành vi vi phạm nhân quyền có hệ thống và nghiêm trọng đối với người Duy Ngô Nhĩ nói riêng và các dân tộc thiểu số ở Tân Cương nói chung".

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington hiện chưa đưa ra bình luận cụ thể về danh sách đen này.

Phát ngôn viên của Hikvision - nhà sản xuất và phân phối camera giám sát lớn nhất thế giới (giá trị thị trường 42 tỷ USD) sau đó lập tức lên tiếng phản đối động thái của Bộ Thương mại Mỹ. Tập đoàn này cho rằng việc trừng phạt Hikvision sẽ làm tổn thương nghiêm trọng các đối tác của Hikvision ở Mỹ, đồng thời tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ vốn đang lao đao.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục