Ngày lễ độc lập 75 năm về trước được bảo vệ như thế nào?

Quỳnh Nguyễn Thứ tư, ngày 02/09/2020 06:35 AM (GMT+7)
Sở Liêm phóng Bắc Bộ (tổ chức đầu tiên của Công an nhân dân), cảnh sát cùng với quân đội và tự vệ Cứu quốc Hoàng Diệu được vinh dự giao nhiệm vụ đặc biệt: Bảo vệ an toàn cho ngày lễ Quốc khánh 2/9/1945.
Bình luận 0

Ngày 19/8, sau khi Hà Nội giành được chính quyền, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định nhanh chóng trở về Hà Nội. Ông Nguyễn Lương Bằng nhận nhiệm vụ về trước phối hợp với Thành ủy Hà Nội chuẩn bị nơi ăn nghỉ, làm việc để đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên trong Chính phủ về thủ đô, chuẩn bị cho ngày lễ độc lập, tuyên bố với cả thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sáng sớm 22/8/1945, đoàn từ Tân Trào đến Đại Từ (Thái Nguyên), rồi theo Quốc lộ 3 rời thị xã Thái Nguyên về Hà Nội. Thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh bị bệnh sốt rét đeo đẳng, sức khỏe không được tốt. Dù không phải ngụy trang quá cẩn thận như trước, nhưng vị Chủ tịch vẫn mặc bộ quần áo nâu và mang theo chiếc túi vải thường dùng. Đến Phúc Yên, đoàn đi bộ dọc theo đê sông Hồng, sau đó nghỉ ngơi ở một ngôi nhà ven sông.

Hàng ngày, nghe tin tức từ các nơi báo cáo về, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cần phải tranh thủ khi các lực lượng đoàn kết, tinh thần cách mạng còn ở đỉnh cao nên quyết định vào nội thành sớm hơn so với kế hoạch. Chiều 25/8/1945 các ông Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh từ nội thành ra đón Hồ Chủ tịch về ngôi nhà 48 ở phố Hàng Ngang. Người làm việc tại một phòng trên tầng hai, trong khi tầng một vẫn buôn bán tơ lụa bình thường, khách ra vào mua hàng rất đông.

Ngày lễ độc lập 75 năm về trước được bảo vệ như thế nào? - Ảnh 1.

Các lực lượng bảo vệ trong ngày lễ độc lập cách đây 75 năm. (Ảnh tư liệu)

Ngày 26/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng để bàn những chủ trương đối nội, đối ngoại trong tình hình mới, sớm công bố thành viên của Chính phủ lâm thời. Cuộc họp cũng ra quyết định về việc tuyên bố bản Tuyên ngôn độc lập và chuẩn bị mít tinh lớn ở Hà Nội vào ngày 2/9 để Chính phủ lâm thời chính thức công bố quyền độc lập và chính thể Dân chủ Cộng hòa với toàn thế giới. Đây là việc rất quan trọng cần làm ngay trước khi quân đội Tưởng vào Đông Dương tước vũ khí của quân đội Nhật.

Cuộc họp cũng đánh giá các địa điểm để tổ chức sự kiện quan trọng này. Các nơi được cân nhắc là khu Quần Ngựa, Đông Dương học xá (nay là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), Quảng trường Nhà hát lớn đều không phù hợp. Sau khi cân nhắc kỹ, Trung ương quyết định chọn Vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình). Dù địa điểm này gần Phủ toàn quyền, Ty Cảnh binh là những nơi còn khá nhiều lực lượng thù địch nhưng chúng đều đang rệu rã. Chính vì vậy, công tác bảo vệ cho ngày lễ độc lập càng được thắt chặt.

Vừa mới ra đời trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, Sở Liêm phóng Bắc Bộ (Công an nhân dân Bắc Bộ lúc đó) được vinh dự giao nhiệm vụ đặc biệt là: Bảo vệ an toàn cho ngày lễ Quốc khánh 2/9/1945. Ngay trong đêm 1/9/1945, lực lượng bảo vệ đã triển khai tại khu vực Vườn hoa Ba Đình và các điểm chốt dọc đường Phan Đình Phùng đến Bắc Bộ Phủ (nay là Nhà khách Chính phủ), tăng cường nắm tình hình hoạt động của đối phương để đảm bảo cho Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào đúng ngày dự kiến.

Ông Chu Đình Xương, Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ là người trực tiếp chỉ đạo lập kế hoạch thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn cho lãnh tụ và các thành viên của Chính phủ, đồng thời đảm bảo an ninh trật tự cho buổi mít tinh chống sự phá hoại của kẻ thù. Nhiệm vụ bảo vệ Lễ đài do tổ của ông Hoàng Mai (sau này là Thứ trưởng Bộ Công an) và ông Chu Đức Minh đảm nhiệm. Đơn vị Giải phóng quân của ông Đàm Quang Trung từ chiến khu về được giao phối hợp với tự vệ cứu quốc Hoàng Diệu, lực lượng vũ trang bảo vệ thủ đô để đảm bảo cho cuộc mít tinh tại quảng trường diễn ra an toàn. Một số cảnh sát Cứu quốc được giao nhiệm vụ giữ gìn trật tự đường phố.

Ngày lễ độc lập 75 năm về trước được bảo vệ như thế nào? - Ảnh 2.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. (Ảnh tư liệu)

Các chiến sĩ cảnh sát xếp thành hàng rào rải suốt từ vườn hoa Paul Bert (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ) đến tận trung tâm Vườn hoa Ba Đình. Hộ tống xe của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ có 2 tiểu đội được chọn trong Cảnh sát cứu quốc và Thanh niên cứu quốc ưu tú.

Ngày 2/9, ngay từ sáng sớm, hàng chục nghìn nhân dân thủ đô cùng các tỉnh ven đô theo nhiều ngả đường kéo về tập trung ở khu vực quảng trường. Lực lượng bảo vệ hướng dẫn nhân dân đứng thành từng khối như quy định. Buổi lễ Độc lập không có tuyên bố lý do như thường lệ mà đi thẳng ngay vào giới thiệu các thành viên Chính phủ. Trên lễ đài, các thành viên của Chính phủ lâm thời ra mắt nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với cả thế giới sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. 

75 năm đã trôi qua, mỗi khi nhớ lại thời khắc thiêng liêng ấy, ông Phạm Gia Đốc (96 tuổi, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) - Đội trưởng Đội Công an năm xưa từng tham gia bảo vệ lễ đài Độc Lập năm 1945 còn vô cùng xúc động. Ông cho biết: "Khi được giao nhiệm vụ, với tôi một mặt thì vui, nhưng một mặt thì lo lắng vì mục tiêu phải bảo vệ an toàn lễ đài, nhất là trên đó sẽ có những người quan trọng và phía dưới là hàng triệu quần chúng nhân dân".

Ngày lễ độc lập 75 năm về trước được bảo vệ như thế nào? - Ảnh 5.

Dù tuổi đã cao nhưng với người Đội trưởng năm xưa, ký ức về những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc vẫn như còn nguyên vẹn. Ảnh: Lan Nhi

Thực hiện nhiệm vụ nhưng ông cũng háo hức muốn biết ai ở trên đó, và nhất là giây phút nghe giọng Bác cất lên, đọc những câu đầu tiên trong Tuyên ngôn độc lập: "Hỡi đồng bào cả nước!"… ông đã cố kìm nén niềm hạnh phúc vô cùng, để giữ thái độ bình tĩnh, tập trung, nghiêm trang thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời bao quát tầm mắt đề phòng về phía trước, phát hiện những biểu hiện không bình thường của những kẻ có thể trà trộn trong biển người ở Quảng trường để gây rối.

"Lúc xe của Bác đến, chạy từ đường Quán Thánh vào. Chỗ chúng tôi đứng là ở cạnh, xe vào đằng sau. Tôi chỉ biết xe đến chứ mình cũng không biết những ai cả, vì không được nhìn lên, chỉ biết đứng im như tượng gỗ. Về sau Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập hỏi "Đồng bào nghe rõ không", đồng bào trả lời rõ. Trong bụng tôi vui vẻ nhưng không dám hô gì, chỉ đứng nguyên, nhìn thẳng", ông Đốc kể lại.

Chiều 2/9/1945, Lễ Tuyên ngôn độc lập kết thúc trong không khí vui mừng, phấn khởi. Buổi lễ với quy mô cả triệu người đã được bảo vệ an toàn tuyệt đối, biển người tại quảng trường Ba Đình lại cuồn cuộn đổ về các con phố với hoa, cờ đỏ sao vàng. Muôn người như một cùng hô vang khẩu hiệu: Ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh, Việt Nam độc lập muôn năm.

Nắng mùa thu ngày lễ độc lập rất đẹp, hoà trong kí ức không thể quên của nhân dân cả nước. Và khi nhớ về thời khắc lịch sử ấy, hình ảnh các cán bộ chiến sỹ, những người bảo vệ lễ đài lại hiện lên thiêng liêng, đầy tự hào.

* Tài liệu tham khảo:

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp, "Tổng tập Hồi ký", Nxb Quân đội nhân dân. Hà Nội, 2006.

- "Đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng những ngày đầu thành lập", Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2010.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem