Bắt gió Lào thôi bỏng rát, mùa đông ngưng lạnh để giống nho "đỏng đảnh" ra trái trĩu giàn trên "chảo lửa" xứ Nghệ

Cảnh Thắng - Nguyễn Tình Chủ nhật, ngày 28/08/2022 06:15 AM (GMT+7)
Nhà màng, hệ thống tưới nước, giữ ấm giúp khắc chế được loại thời tiết nghiệt ngã với gió Lào bỏng rát vào mùa hè, lạnh đến thấu xương vào mùa đông của xứ Nghệ. Từ đó giúp giống nho ngoại vốn đỏng đảnh "an cư" ra trái trĩu giàn ở "chảo lửa" xứ Nghệ.
Bình luận 0

Công nghệ hiện đại khắc chế "chảo lửa" xứ Nghệ để trồng giống nho "đỏng đảnh"

Với đặc thù thời tiết khắc nghiệt của Nghệ An nơi được mệnh danh là "chảo lửa" miền Trung. Mùa hè thì gió lào bỏng rát như muốn thiêu đốt mọi thứ, đông đến thì lạnh đến thấu xương nhiệt độ chênh lệch giữa các mùa là rất lớn. Bởi thế những giống nho vốn "đỏng đảnh" đặc biệt là các giống nho có giá trị cao rất khó thích nghi với loại thời tiết nghiệt ngã này.

Giống nho mẫu đơn ra trái trĩu giàn, nhìn thôi là đã ở ngay chính trên "chảo lửa" xứ Nghệ (thực hiện: Thắng Tình).

Tuy nhiên với quyết tâm và những ý tưởng táo bạo, niềm tin vào một ngành nông nghiệp công nghệ cao hiện đại sẽ khắc chế mọi loại thời tiết để cây trồng đơm hoa kết trái mang đến những quả ngọt.

Đặc biệt là mong ước hiện thực hóa giấc mơ trồng ra những loại hoa quả vốn được xem chỉ giành cho giới nhà giàu đến với tất cả mọi gia đình, nhà nhà đều được sử dụng những sản phẩm tốt nhất. 

Nhà đầu tư công ty TNHH Nông nghiệp Hùng Cường đã chọn vùng đất xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa, Nghệ An để thử nghiệm trồng những giống nho ngoại như: mẫu đơn (nho sữa – pv), hạ đen, móng tay…

Bắt gió lào thôi bỏng  rát, mùa đông ngưng lạnh để nho ngoại "an cư" ra trái trĩu giàn trên chảo lửa "xứ Nghệ" - Ảnh 2.

Với hệ thống nhà màng, chắn nắng che mưa cùng công nghệ tưới hiện tại, giúp ổn định nhiệt độ để giống nho mẫu đơn "an cư" phát triển mạnh mẽ trên "chảo lửa" xứ Nghệ (ảnh: Thắng Tình).

Hơn 20 tỷ đồng được đầu tư để làm hệ thống nhà màng che nắng, chắn mưa với tổng diện tích 5 ha. Đồng thời hệ thống tưới nước hiện đại với những vòi tưới phun sương phía trên để giảm nhiệt độ, bên dưới là mương dẫn thu gom nước để quay vòng giúp tiết kiệm lượng nước tưới. Đặc biệt để khắc chế những cơn gió lào bỏng rát một thứ "đặc sản" của xứ Nghệ vào mùa hè, nó thiêu đốt mọi loại cây trồng, chủ đầu tư còn tăng cường hệ thống tưới phía trước hướng gió để tăng độ ẩm giảm nhiệt độ đến mức tối đa.

Mùa đông ở Nghệ An cũng là một "chướng ngại" khó vượt qua đối với những loại cây trồng khó tính như nho. Bởi sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn giữa ngày và đêm, có những thời điểm lạnh đến "thấu xương" cây sẽ không phát triển. Bên cạnh đó sương muối nhiều gây tác hại rất lớn đến quá trình phát triển, giữ quả. Vì thế, ngoài nhà màng chắn mưa và sương, chủ đầu tư đã lắp thêm hệ thống đèn sưởi để đảm bảo nhiệt độ.

Bắt gió lào thôi bỏng  rát, mùa đông ngưng lạnh để nho ngoại "an cư" ra trái trĩu giàn trên chảo lửa "xứ Nghệ" - Ảnh 3.

Niềm tin vào nông nghiệp công nghệ cao đã bắt giống nho "đỏng đảnh" phải ra trái trĩu giàn (ảnh: Thắng Tình).

"Thổ nhưỡng ở đây không tốt, thậm chí còn cằn cỗi nhưng đó là những yếu tố có thể khắc phục được nếu mình phân tích kỹ, tìm giải pháp đúng. Tuy nhiên, bù lại nơi đây có địa hình rộng, bằng phẳng phù hợp để xây dựng nhà màng, lắp đặt các thiết bị phục vụ cho quá trình canh tác, chúng tôi tin rằng với khoa học kỹ thuật có thể biến mọi khó khăn thành thuận lợi để mang đến những sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng", anh Nguyễn Kiên Trung – cán bộ kỹ thuật tại trang trại SunSmat+ chia sẻ.

Thành công trồng giống nho "đỏng đảnh" qua nhiều lần thử nghiệm

Nho mẫu đơn vốn được biết đến là loại nho nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc với giá thành đắt đỏ không dưới 800.000 đồng/1kg. Loại nho này gây ấn tượng với những chùm, trái lớn căng mọng, mùi thơm thoảng thoảng sữa, vị ngọt ngào rất được ưa chuộng. Việc trồng được loại nho này ở Việt Nam đặc biệt là vùng đất xứ Nghệ rất khó.

Bắt gió lào thôi bỏng  rát, mùa đông ngưng lạnh để nho ngoại "an cư" ra trái trĩu giàn trên chảo lửa "xứ Nghệ" - Ảnh 4.

Công nhân thu hoạch nho mẫu đơn tại trang trại SunSmat+ (ảnh: Thắng Tình).

Bắt đầu từ tháng 3 năm 2021, sau khi hoàn thành hệ thống nhà màng, những cây nho đầu tiên được đưa về trên vùng đất xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa. Với mức thử nghiệm đầu tiên trên diện tích 1ha nho mẫu đơn với hơn 3.000 gốc, 3ha nho hạ đen với khoảng 10.000 gốc. Nhờ được chăm sóc tốt, đặc biệt các yếu tố thời tiết được khắc phục triệt để nên nho yên tâm "an cư" phát triển khá đều và tỷ lệ sống đến 98%. Tuy nhiên từng quá trình cũng được theo dõi sát sao, có những tác động kỹ thuật phù hợp để cây khỏe, phân nhành, ra tán đều.

Bắt gió lào thôi bỏng  rát, mùa đông ngưng lạnh để nho ngoại "an cư" ra trái trĩu giàn trên chảo lửa "xứ Nghệ" - Ảnh 5.

Chị Trần Thị Thanh Tân "tuyển" rất kỹ các chùm nho trước khi thu hoạch (ảnh Thắng Tình).

Để thích hợp với thời tiết của xứ Nghệ, đầu tiên các cán bộ kỹ thuật nơi đây chọn thời điểm điểm để cho nho kết trái là vào mùa xuân. Thời điểm này nhiệt độ, độ ẩm phù hợp. Những chùm nho nhỏ bị loại bỏ, mỗi gốc chỉ để lại khoảng 15 – 16 chùm để đảm bảo cây cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho quả phát triển.

"Tất cả các quá trình đều phải theo dõi sát, nhất là từ khi cây bắt đầu kết trái bởi quả có thể bị cháy rụng do nắng nóng, độ ẩm cao có thể gây nấm cuống rụng quả, thời tiết quá lạnh sẽ không lên đường tạo độ ngọt, hoặc quá nóng lại xuống đường, cây sẽ ăn hết chất dinh dưỡng trong quả, hay sương muối có thể khiến quả bị cóc không phát triển. Đây là loài cây rất khó tính còn rất nhiều bệnh khác, chưa kể đến các loài côn trùng, sâu hại…" anh Trần Hồng Quân cán bộ quản lý tại vườn nho chia sẻ.

Bắt gió lào thôi bỏng  rát, mùa đông ngưng lạnh để nho ngoại "an cư" ra trái trĩu giàn trên chảo lửa "xứ Nghệ" - Ảnh 6.

Sau khi cắt về nho được lau bằng tay trước khi đóng gói (ảnh: Thắng Tình).

Để giảm thiểu tác động tới chùm quả bởi các yếu tố môi trường và sâu bệnh đã có nhiều biện pháp khắc phục mà tối ưu nhất là bao quả. Tuy nhiên nhằm tạo ra sự khác biệt, một quyết định có phần táo bạo được đưa ra đó là để nho phát triển tự nhiên, tiếp xúc trực tiếp với môi trường mặc dù rất nhiều vấn đề phát sinh nhưng dần dần nho đã thích nghi tốt.

Quyết định để nho "ở trần" sau nhiều lần "thử nghiệm" đến vụ bói thứ 2 những giàn nho đều trĩu quả với những chùm to, đều, trái căng mọng, đảm bảo chất lượng. Nhưng chỉ đến khi những chùm nho được thu hoạch thì tất cả mới thở phào nhẹ nhõm, những công nhân tại đây là những người đầu tiên thưởng thức vị ngọt do thành quả lao động của mình.

Bắt gió lào thôi bỏng  rát, mùa đông ngưng lạnh để nho ngoại "an cư" ra trái trĩu giàn trên chảo lửa "xứ Nghệ" - Ảnh 7.

Khoảng 3ha nho Hạ Đen bắt đầu thu hoạch tại trang trại (ảnh: Thắng Tình).

Giống nho "đỏng đảnh" ra thị trường "cháy hàng"

Theo chân chị Trần Thị Thanh Tân và những nữ công nhân tại đây bước vào khu vực trồng nho chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước những giàn nho với chi chít những chùm quả căng mọng. Cả khu nhà màng rộng mênh mông, với những luống nho đều tăm tắp, chùm nào chùm nấy đều sai trĩu. Điều tưởng chừng như không tưởng, đã được hiện thực hóa ngay tại vùng đất vốn cằn cỗi này, nho mẫu đơn loại nho sang chảnh, khó tính lại phát triển mạnh mẽ đến thế ở xứ Nghệ nơi được mệnh danh là một "chảo lửa".

Quá trình thu hoạch cũng được tuân thủ rất kỹ các yêu cầu, không phải chùm nho nào cũng chín đều như nhau. Phải quan sát kỹ chị Tân và các công nhân mới lựa những chùm nho đạt tiêu chuẩn để hái. Ngay sau đó, sản phẩm được đưa về để một tốp công nhân khác phân loại, mỗi chùm nho có trọng lượng trung bình từ 600 – 700g. Cá biệt có những chùm "ngoại cỡ" với trọng lượng khoảng 1,4kg, sai quả vượt 10g, độ ngọt trên 20 brix với hương vị thật sự khác biệt.

Bắt gió lào thôi bỏng  rát, mùa đông ngưng lạnh để nho ngoại "an cư" ra trái trĩu giàn trên chảo lửa "xứ Nghệ" - Ảnh 8.

Những chùm nho hạ đen căng mọng (ảnh: Thắng Tình).

Sau đó, nho được phân làm loại 1 và loại 2, phụ thuộc vào trọng lượng, kích thước và chất lượng quả. Sau đó, công nhân sẽ làm sạch bằng cách lau kỹ từng chùm quả một. Bởi để tự nhiên nên quả nho khá dễ rụng, nên khi thao tác, đóng gói, vận chuyển cần rất cẩn thận.

Với vụ đầu tiên, trang trại SunSmat+ thu được khoảng 7 tấn nho mẫu đơn và 7 tấn nho hạ đen. Các mặt hàng được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị SunSmart+ và một số siêu thị lớn ở Hà Nội. Với nho mẫu đơn loại 1 ngay tại trang trại được bán với giá 450.000 đồng/kg, nho loại 2 giá khoảng 250.000 đồng/kg. Trong khi đó, nho hạ đen sẽ được bán với giá khoảng 120.000 đồng/kg. Hầu như sản phẩm thu hoạch đến đâu đều "cháy hàng" đến đó.

Bắt gió lào thôi bỏng  rát, mùa đông ngưng lạnh để nho ngoại "an cư" ra trái trĩu giàn trên chảo lửa "xứ Nghệ" - Ảnh 9.

Nho mẫu đơn thu hoạch đến đâu "cháy hàng" đến đó (ảnh: Thắng Tình).

Ở nước ngoài thời tiết khắc nghiệt vào mùa đông nên cây nho ra trái được một vụ, trong khi đó các cán bộ kỹ thuật nơi đây tin chắc rằng tại Việt Nam có thể bắt nho phải ra trái trong 2 vụ, vào mùa xuân và mùa thu, hai mùa có thời tiết tương đồng vào đảm bảo chu kỳ nghỉ để dưỡng cây.

Nho hạ đen trĩu quả chuẩn bị đến ngày thu hoạch tại trang trại SunSmat+ (thực hiện: Thắng Tình).

Từ những thành công bước đầu, trang trại SunSmart+ sẽ mở rộng thêm quy mô, trồng thêm những giống nho mới để hiện thực hóa giấc mơ mang những sản phẩm tốt nhất đến cho người tiêu dùng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem