Nghệ An: Trồng thứ quả có cái tên nữ hoàng, đến khi thu hoạch người dân không vui vì giá thấp

Cảnh Thắng Thứ năm, ngày 24/03/2022 18:00 PM (GMT+7)
Giá dứa nguyên liệu tại Quỳnh Lưu (Nghệ An) đang giảm mạnh, người trồng dứa đứng trước nguy cơ thua lỗ, dù dứa năm nay được mùa.
Bình luận 0

Dứa nữ hoàng mất giá

Bà Nguyễn Thị Giang, trú tại thôn 26/3, xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho hay: "Gia đình tôi đầu tư trồng được hơn 3ha dứa Queen, trước Tết gia đình triển khai thu hoạch được hơn 1ha để bán cho thương lái phục vụ thị trường Tết.

Nghệ An: Trồng loài dứa "nữ hoàng", đến khi thu hoạch người dân không vui vì giá thấp, lo lắng tìm đầu ra   - Ảnh 1.

Nông dân xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu, Nghệ An) thu hoạch dứa để bán cho thương lái. Ảnh: Cảnh Thắng

Thời điểm đó, thương lái thu mua tại ruộng giá từ 6.000 – 7.000 đồng/kg, nhưng từ cuối tháng 2 trở lại đây, khi gia đình tiếp tục thu hoạch 2ha nữa để bán thì giá chỉ còn 3.000 – 3.500 đồng/kg. Với giá đó, chúng tôi không có lời".

"Từ cuối tháng 2 đến nay, giá phân bón tăng cao, chi phí thuê lao động chăm sóc, làm cỏ, thu hoạch dứa cũng tăng lên. Nếu mức giá này kéo dài đến hết vụ thì xem như vụ dứa này, người dân chúng tôi làm không công rồi", bà Giang buồn bã nói.

Theo tính toán của người dân, trồng 1 ha dứa đến khi thu hoạch sẽ mất khoảng 76 triệu đồng tiền chi phí. Nếu dứa cho năng suất 33 – 34 tấn/ha, được bán với giá 4.500 đồng/kg sẽ đem lại doanh thu 153 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt 77 triệu đồng/ha. 

Tuy nhiên, hiện giá dứa chỉ còn 3.200 - 3.500 đồng; sau khi trừ chi phí, bà con gần như chỉ hòa vốn.

Nghệ An: Trồng loài dứa "nữ hoàng", đến khi thu hoạch người dân không vui vì giá thấp, lo lắng tìm đầu ra   - Ảnh 2.

Thương lái thu mua dứa cho bà con nông dân xã Tân Thắng rồi vận chuyển đi tiêu thụ cho các nhà máy dứa các tỉnh phía Bắc. Ảnh: Cảnh Thắng

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh - UBND xã Tân Thắng, nguyên nhân khiến giá dứa xuống thấp như năm nay có một phần nguyên nhân do từ năm 2021 người dân trong xã tự mở rộng diện tích trồng dứa ồ ạt.

Trong khi đó, đầu ra của sản phẩm này lại không ổn định; đặc biệt nhà máy dứa trên địa bàn hoạt động không hiệu quả nên chủ yếu bà con bán tại các chợ truyền thống và bán cho thương lái đi tiêu thụ tại các nhà máy chế biến dứa các tỉnh phía Bắc.

Từ cuối năm 2021 đến nay, thị trường phía Bắc gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, Trung Quốc hạn chế nhập khẩu nông sản làm ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ nên đổ dồn về các nhà máy sản xuất chế biến nước dứa trong nước. Đây cũng là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến giá dứa xuống thấp.

Nghệ An: Trồng loài dứa "nữ hoàng", đến khi thu hoạch người dân không vui vì giá thấp, lo lắng tìm đầu ra   - Ảnh 3.

Dứa từ khi trồng đến lúc thu hoạch phải mất hơn 1 năm trời, nhưng đến khi thu hoạch giá dứa xuống thấp khiến người dân không mặn mà. Ảnh: Cảnh Thắng

Toàn huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) có trên 1.000 ha dứa được trồng chủ yếu ở các xã Tân Thắng, Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu. Dự kiến từ nay đến hết tháng 12/2022, diện tích dứa cho thu hoạch khoảng hơn 600 ha; trong đó chủ yếu tập trung vào khoảng thời gian từ tháng 3 – 6 dương lịch với 250 ha, sản lượng đạt hơn 7.200 tấn.

Nông dân loay hoay tìm đầu ra

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Phong, một thương lái thu mua dứa lâu năm ở xã Tân Thắng cho biết: So với năm ngoái, năm nay giá dứa chỉ còn một nửa. 

Nghệ An: Trồng loài dứa "nữ hoàng", đến khi thu hoạch người dân không vui vì giá thấp, lo lắng tìm đầu ra   - Ảnh 5.

Giá dứa xuống thấp nên quả dứa chín nhiều trên cánh đồng dứa xã Tân Thắng. Ảnh: Cảnh Thắng

Theo quan sát của phóng viên báo Dân Việt, dọc tuyến đường Nghĩa Đàn – cảng Đông Hồi (Quốc lộ 48D), cả một cánh đồng của huyện Quỳnh Lưu, trái dứa đã chín vàng khắp cả triền đồi, nhưng không hề bắt gặp một thương lái nào thu mua. 

Như những năm trước đây, vào thời điểm này các thương lái ồ ạt điều xe vào mua hàng cho nông dân, nhưng do không có đầu ra nên rất nhiều thương lái không thể thu mua cho bà con.

Nghệ An: Trồng loài dứa "nữ hoàng", đến khi thu hoạch người dân không vui vì giá thấp, lo lắng tìm đầu ra   - Ảnh 6.

Giá dứa thu mua 3.000– 3.500 đồng/kg khiến cho nhiều hộ nông dân thất thu hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Cảnh Thắng

Ông Nguyễn Quốc Khánh – Chủ tịch UBND xã Tân Thắng cho biết: "Nhằm giúp đỡ bà con ổn định sản xuất, nhất là trong thời điểm giá dứa xuống thấp, xã cũng đã làm việc với các thương lái về vấn đề thu mua dứa cho bà con nông dân. Xã cũng đang nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ đăng ký chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho dứa Tân Thắng, làm cơ sở cho dứa Tân Thắng phát triển thị trường".

Nghệ An: Trồng loài dứa "nữ hoàng", đến khi thu hoạch người dân không vui vì giá thấp, lo lắng tìm đầu ra   - Ảnh 7.

Giá dứa xuống thấp, người dân không thiết tha thu hoạch để bán cho thương lái. Ảnh: Cảnh Thắng

Ngoài ra, UBND xã Tân Thắng cũng tuyên truyền giúp bà con tăng cường các biện pháp kỹ thuật, làm chủ quy trình sản xuất dứa từ khâu trồng, chăm sóc ra hoa và xử lý dứa chín đúng thời điểm; xã xây dựng kế hoạch làm việc với Nhà máy dứa Đồng Giao để tìm hiểu, khâu nối bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.

Một hướng tiêu thụ khác mà xã khuyến khích các hộ trồng dứa là tận dụng không gian trên các tuyến đường mở các điểm bán dứa; nhằm quảng bá sản phẩm dứa Tân Thắng, vừa tăng giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Được biết, xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu có diện tích trồng dứa lớn nhất tỉnh Nghệ An với 840 ha, năng suất trung bình 33 tấn/ha. Nhiều năm nay, người nông dân nơi đây xem cây dứa là cây trồng chủ lực, giúp người dân xóa đói giám nghèo. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem