Nghề buồn nhất trần gian, nghe tên mà "lạnh sống lưng"

Thứ bảy, ngày 07/09/2019 09:08 AM (GMT+7)
Trần gian có lắm thứ nghề nhưng có những nghề mà chỉ cần nghe đến đã nổi da gà, sởn gai ốc. Câu chuyện sau là tâm sự của một người đàn ông đã gắn bó hàng chục năm với công việc ở nhà xác, còn gọi là “nhà vĩnh biệt”. Với những cơ cực, bạc bẽo đến tận cùng, đó có thể gọi là nghề “buồn nhất trần gian”.
Bình luận 0

Cơ duyên với nghề

Một ngày cuối tháng 7, chúng tôi tìm đến nhà xác của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai để tìm gặp người đàn ông làm cái nghề nghe “lạnh sống lưng” này. Nhà xác nằm heo hút ở một góc sâu của bệnh viện. Nơi bờ tường, đám cỏ dại mọc um tùm sau những cơn mưa khiến khung cảnh nơi đây càng trở nên hoang vắng, thâm u.

Trong khu nhà có khá nhiều căn phòng he hé cửa chỉ có một mình ông Nguyễn Văn Hóa (SN 1963) đang trực. Phòng trực vẻn vẹn xếp vừa chiếc giường 1,2 m, 1 chiếc bàn trà và chiếc ti vi màu 14 inch giải khuây. Ông Hóa khá bất ngờ và có phần cảm kích khi có người đến thăm “phòng làm việc” của mình.

Thường chỉ có gia đình người chết, bác sĩ pháp y và Công an lui tới nơi này. Khoảng thời gian còn lại không khí vắng vẻ, lạnh lẽo bao trùm. Người đàn ông 56 tuổi chỉ biết ra vào thắp nhang ở bàn thờ đầu cổng rồi đánh bạn với chiếc ti vi và ấm trà nóng.  

img

Ông Nguyễn Văn Hóa: “Mình quan niệm sống bằng cái tâm, chỉ cần không làm gì xấu thì chẳng có gì phải lo sợ. Người chết thì cũng đã chết rồi, cái nghề của mình là giúp họ tươm tất, sạch sẽ trước ngày trở về với đất”.

Đã 22 năm rồi ông Hóa cứ thầm lặng như thế. Nhấp chén trà pha đậm vị, ông thả tâm trí mình vào ký ức, nhớ lại cơ duyên éo le đưa ông đến với nghề. Năm 1983, ông xin vào bệnh viện để làm ở căng tin, lo điện nước, bảo vệ… Làm đủ thứ nghề nhưng đồng lương ba cọc ba đồng vẫn không đủ để ông gồng gánh nuôi gia đình với lũ con nhỏ.

Thế rồi ông xin nghỉ việc ở bệnh viện để ra ngoài làm nghề thợ máy. Nhưng do thường xuyên phải xa gia đình, thu nhập không ổn định nên ông quyết tâm xin trở lại bệnh viện. Lúc ấy, lãnh đạo bệnh viện đã ngỏ ý đề nghị ông làm việc tại nhà xác vì không ai dám đảm nhận.

Trước đó, nhiều người đã vào làm nhưng chỉ một thời gian ngắn đều không chịu nổi và xin nghỉ giữa chừng. “Lúc ấy nghe thì cũng hơi sợ, nhưng còn lựa chọn nào nữa đâu, chỉ cần có đồng lương nuôi vợ con thì cái gì cũng có thể làm được nên tôi nhận lời luôn. Mà nếu mình không làm thì cũng đâu có ai làm nữa”-ông Hóa giãi bày.

Năm 1997, ông chính thức đảm nhận công việc mới. Dù đã có sự chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng ông cũng không thể lường được hết những gian truân của cái nghề có một không hai này. Những ngày ở cơ sở cũ, bệnh viện chưa có tủ đông lạnh để chứa thi thể nên ông thường xuyên phải chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng. Có những ca phải chờ 2-3 ngày để bác sĩ pháp y đến mổ tử thi. Trong căn phòng ẩm thấp lợp bằng fibro xi măng, xác chết bắt đầu phân hủy. Khi tiến hành mổ, nhiều người không chịu được mùi hôi tanh nồng nặc nên đã nôn thốc nôn tháo.

Cơ cực, bạc bẽo

Ấy vậy mà đã hơn 20 năm trôi qua. Ông Hóa cũng đã dần quen với những thứ mà nhiều người cho là ghê rợn, kinh hoàng. Ông tâm sự rằng, nhiều người cứ đến gần khu vực nhà xác là sợ, nhưng bản thân ông có lúc đã phải “ăn, ngủ” với xác chết gần nửa năm trời.

Chuyện là, cuối năm 2014, một công nhân người Trung Quốc tên He Mao Xian đã tử vong trong một hầm mỏ tại xã Chư Mố, huyện Ia Pa. Thi thể của công nhân này được đưa lên nhà xác để đợi người nhà ở Trung Quốc đến nhận. Ròng rã suốt hơn 5 tháng trời, ông Hóa phải “sống” chung với xác chết được để trong ngăn đông lạnh của nhà xác. Buổi tối lạnh lẽo, chỉ có mình ông với xác chết trong khu phòng rộng lớn, cả 2 cách nhau chỉ một bức tường.

img

Trong khu nhà xác rộng lớn chỉ có ông Hóa túc trực. Ảnh: L.V.N.

Dù vậy, người đàn ông quắc thước ấy vẫn thừa nhận rằng phải có thần kinh thép mới có thể bám trụ lại nơi nhà xác này. Vừa phải đối mặt với những cái chết, họ vừa chứng kiến muôn vàn cảm xúc đau thương của người nhà, những tiếng khóc ai oán hay sự ân hận dày vò…

Chẳng thế mà hàng chục năm qua, chỉ có ông Hòa bám trụ lâu nhất ở “nhà vĩnh biệt” vì kiếm được người thần kinh thép lại chịu cảnh bạc bẽo của nghề thì còn… khó hơn lên trời.

Ông Hóa cho hay: “Đâu có ai chịu làm vì lương thấp quá, hợp đồng như tôi cũng chưa được 3 triệu đồng/tháng. Ban đầu cũng có một số người vào làm, sau cứ lần lượt xin nghỉ, một phần cũng vì sợ tiếp xúc với người chết. Bởi xác chết thì đa phần là bốc mùi hôi thối, nhất là những ca bệnh nằm lâu ngày một chỗ hoặc những ca tai nạn giao thông. Ai không chịu nổi thì chỉ cần chứng kiến vài ca là đã xin nghỉ ngay”.

Hàng ngày, mỗi khi có ca được đưa xuống nhà xác, thường là vào thời điểm đêm khuya, nếu cần ông Hóa sẽ tiến hành “trang điểm” cho người chết. Ông lau chùi sạch sẽ cho các thi thể rồi thay cho họ bộ quần áo mới. Với những ca có bác sĩ pháp y, ông kiêm luôn nghề phụ giúp mổ tử thi. Sau khi mổ, ông lại hỗ trợ để được nguyên vẹn trước khi bàn giao cho gia đình.

Gia đình nào có nhu cầu thì ông sẽ tiến hành khâm liệm cho người chết ngay trong khu vực nhà xác. Hàng ngày, mỗi khi khu vực nhà vệ sinh của các khoa phòng trong bệnh viện bị tắc, ông Hóa lại kiêm luôn vai trò của nhân viên thông tắc bồn cầu. Bởi thế, khó khăn lắm ông Hóa mới lại tìm được một người “bạn đồng hành” năm nay gần 40 tuổi. Nhưng ông không chắc người hậu bối ấy có thể “nối nghiệp” lâu dài. 

Nói về nhân viên đã gắn bó hàng chục năm với nhà xác, ông Phạm Công An-Trưởng phòng Hành chính Bệnh viện Đa khoa tỉnh-không khỏi cảm phục: “Nghề của anh Hóa là việc không ai muốn làm nhưng anh ấy đã gắn bó, tận tụy hơn 20 năm rồi. Trước kia cũng có nhiều người vào làm cùng, nhưng rồi họ sợ và xin nghỉ hết, giờ chỉ còn ông Hóa và 1 người.

Người ta sợ làm nghề đó không có “hậu”, nhưng anh Hóa thì vẫn luôn tâm niệm làm nghề bằng cái tâm, âu cũng là để mưu sinh. Ngoài công việc ở nhà xác, anh Hóa còn kiêm luôn các công tác vệ sinh trong bệnh viện, nếu không có anh thì đúng là không biết tìm ai thay. Chúng tôi cũng đã đề xuất Công đoàn Bệnh viện xem xét và có cơ chế hỗ trợ những người như anh Hóa để động viên họ tiếp tục gắn bó với nghề”.

“Niềm vui” duy nhất

Xen giữa câu chuyện về cái nghề thầm lặng, mắt ông Hóa lại sáng lên tự hào pha chút bùi ngùi, thương cảm. Ông bảo rằng, ở nghĩa trang thành phố, ông đã tự tay chôn cất, làm mộ cho hàng trăm đứa trẻ “vô danh”. Đó đều là những ca thai chết lưu nhưng nhiều gia đình không nhận về chôn cất mà để lại nhà xác. Mỗi lần như thế, ông lại liên hệ với nhân viên của nghĩa trang thành phố cùng chôn cất để các sinh linh ấy có chốn yên nghỉ.

“Không biết là người ta kiêng kị gì, nhưng nhiều người không mang con họ về chôn cất tử tế. Có lần giữa đêm khuya họ còn đào hố chôn ngay gần gốc thông trước nhà xác. Đến khi trời sáng, tôi thấy có nắm đất với nén nhang mới vội vàng đào lên rồi mang cháu đi chôn cất, lập bia mộ đàng hoàng. Cách đây vài năm, có người mẹ sau khi trở về nhà thấy day dứt lương tâm vì bỏ con nên đã tìm đến tôi. Lúc ấy, tôi phải lục sổ ghi chép để tìm đúng ngôi mộ của cháu cho người mẹ ấy đưa con về an táng”-ông Hóa kể.

Đặc biệt, ở bệnh viện, nhiều trường hợp tử vong nhưng không có người thân đến nhận hoặc gia cảnh quá khó khăn, ông Hóa phải lưu lại ở nhà xác rồi kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp mua quan tài để làm lễ an táng tươm tất. Có lẽ, với ông, trong vô vàn nỗi cay đắng thì niềm vui duy nhất với nghề là được làm việc thiện bằng cái tâm, cái phúc.

Lúc chia tay, ông ngậm ngùi nói rằng, nhiều người biết ông làm nghề này nên có phần xa lánh, nhưng với ông thì đó là cái nghiệp đã vận vào thân tự lúc nào. Ông cảm thấy “yêu” cái nghề ấy khi góp phần nào làm giảm đau thương cho người sống, giúp người chết sang thế giới bên kia một cách an yên...

Lê Văn Ngọc (Báo Gia Lai)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem