Nghề lạ ở Hà Nội: Ngồi vỉa hè phố cổ khâu, vá balo túi xách mà kiếm chỉ vàng mỗi tháng

Nguyễn Vân Thứ ba, ngày 05/04/2022 07:14 AM (GMT+7)
Ông Nguyễn Hữu Khang ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) bắt đầu công việc sửa chữa khóa ba lô, túi xách từ năm 20 tuổi, mỗi tháng kiếm cả chỉ vàng nuôi sống gia đình. Đến nay, ông đã gắn bó với nghề này được 60 năm và chưa có ý định giải nghệ.
Bình luận 0

Phố Hàng Đường (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một trong 36 phố phường ở Hà Nội. Đây cũng là tuyến phố sầm uất, đông người qua lại, chủ yếu bán các mặt bánh kẹo làm từ mật ong, đường mía.

Trải qua thời gian, con phố này ngày càng thay đổi, sầm uất hơn. Tuy nhiên, tại vỉa hè của con phố này có một gian hàng sữa chữa khóa túi xách, balo vẫn giữ nguyên, không thay đổi. Đó chính là gian hàng của ông Nguyễn Hữu Khang ở quận Hoàn Kiếm. 

Người hành nghề sửa khóa ở phố cổ

Chúng tôi gặp ông Khang vào buổi chiều đầu tháng 4, khi ông Khang đang bận rộn với công việc sửa khóa cho khách. Ở tuổi 80 nhưng ông Khang vẫn còn nhanh thoăn thoát, từng động tác dứt khoát trong công việc của ông khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Gọi tiệm sửa khóa cho "sang" chứ thực chất khu vực ông Khang ngồi làm công việc chỉ vỏn vẹn vài mét vuông và kèm theo một chiếc tủ đồ nghề nhỏ.

Nghề lạ ở Hà Nội: Ngồi vỉa hè phố cổ chỉ khâu, vá balo túi xách mà kiếm cả chỉ vàng mỗi tháng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hữu Khang( 80 tuổi) người sửa khóa túi xách, balo ở phố cổ Hà Nội. Ảnh Nguyễn Vân

Ông Khang kể rằng, ông bắt đầu làm công việc này từ năm 20 tuổi. Thời điểm ấy, kinh tế chưa phát triển nên nhiều người dân có xu hướng tận dụng những vật dụng còn dùng được, vật dụng nào hỏng còn dùng được họ đều mang đi sửa.

Cũng chính vì xuất phát từ nhu cầu này nên ông Khang nảy sinh ra ý tưởng sửa chữa những chiếc balo, túi xách, quần áo của khách hàng. Sau đó ông Khang mày mò học cách sửa chữa từ những người đi trước và mở một tiệm sửa chữa nhỏ ở số 61 phố Hàng Đường.

"Thời điểm đầu mới mở tiệm sửa nhưng khách hàng đến với tôi khá đông, sau đó những vị khách này lại trở thành những khách hàng thân quen. Những chiếc ba lô, áo khoác, quần áo… trong nhà hỏng mọi người lại đem ra chỗ tôi sửa chữa", ông Khang bộc bạch.

Với nghề sửa khóa, thông thường các tiệm may khi sửa khóa sẽ tháo khóa hỏng ra và thay bằng một chiếc khóa mới nhưng ông Khang lại không làm thế. Người được mệnh danh là "sư phụ nghề sửa khóa" lại chọn phương pháp thủ công tự tay mình sửa, không cần thay khóa mới.

Nghề lạ ở Hà Nội: Ngồi vỉa hè phố cổ chỉ khâu, vá balo túi xách mà kiếm cả chỉ vàng mỗi tháng - Ảnh 3.

Khách hàng mang túi xách, balo đến chỗ ông Khang để sửa chữa. Ảnh: Nguyễn Vân

"Tôi thường chọn cách làm thủ công, một số đồ vật chỉ sửa phần hỏng, giữ nguyên được chiếc khóa ban đầu. Cũng bởi vậy mà nhiều người ưa chuộng, tìm đến quán tôi sửa ngày một đông hơn", ông Khang nói.

Với nghề sửa khóa, ông Khang cho rằng không có gì khó khăn cả. Với những chiếc túi rách thì ông vá, cái hỏng không sửa được thì ông sẽ thay mới.

"Vì tôi yêu thích công việc này nên không có gì có thể làm khó được tôi. Càng khó tôi lại càng thích, mày mò, khám phá và sửa bằng được mới thôi", ông Khang nở một nụ cười tươi khi chia sẻ với chúng tôi.

Bà Hà Thị Hoa (quận Hoàn Kiếm) - một khách hàng thường xuyên đến sửa khóa ở tiệm ông Khang - cho hay, gần 5 năm nay, cứ mỗi lần trong nhà bà có vật dụng gì hỏng khóa bà lại mang ra tiệm ông Khang sửa.

"Có nhiều đồ vật như chiếc balo tôi sửa ở tiệm ông Khang xong dùng mãi vẫn chưa thấy hỏng. Tùy thuộc mức độ hỏng và loại khóa thay, thông thường ông Khang chỉ lấy công từ 20.000 - 30.000 đồng. Cũng vì ông Khang cẩn thận, giá cả phải chăng nên nhiều người dân như chúng tôi thường xuyên ghé qua đây sửa chữa ủng hộ ông", bà Hoa chia sẻ.

Nuôi các con khôn lớn thành tài nhờ nghề sửa khóa

Mỗi lần có khách hàng mang đồ đến sửa, ông Khang xem qua và rất nhanh sau đó chỉ ra lỗi của chiếc khóa, hướng dẫn khách kéo khóa đúng cách để lần sau không bị hỏng.

Nghề lạ ở Hà Nội: Ngồi vỉa hè phố cổ chỉ khâu, vá balo túi xách mà kiếm cả chỉ vàng mỗi tháng - Ảnh 5.

Tủ đồ nghề của ông Nguyễn Hữu Khang. Ảnh: Nguyễn Vân

Ở thời nay người dân thay quần áo như cơm bữa, áo hỏng người ta bỏ nhưng với ông Khang thì lại nghĩ khác. Ông quan niệm rằng, việc sửa những món đồ cũ chính là việc làm giúp người dân lưu lại những kỷ niệm đã qua.

Ông Khang cho biết thêm, hiện tại việc sửa khóa đem lại cho ông khoản thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày. 

"Thời điểm những năm 1960, nghề sửa khóa có thể đem lại cho gia đình tôi hơn 100.000 đồng mỗi ngày. Với số tiền này ở thời điểm đó là rất cao. Cũng chính vì vậy mà tôi có thu nhập ổn định, nuôi các con ăn học đầy đủ và thành tài.

Nghề lạ ở Hà Nội: Ngồi vỉa hè phố cổ chỉ khâu, vá balo túi xách mà kiếm cả chỉ vàng mỗi tháng - Ảnh 6.

Ông Khang vui vẻ trò chuyện với khách đến sửa chữa túi xách, balo. Ảnh: Nguyễn Vân

Đến thời điểm hiện tại tôi rất mãn nguyện với cuộc sống của mình. Cái tôi quan tâm nhất là mong muốn được phục vụ cho nhiều khách hàng và làm cho khách hàng hài lòng", ông Khang tâm sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem