Nghệ nhân làng lụa Vạn Phúc không quan tâm đến bê bối của Khải Silk

Thu Hà Thứ bảy, ngày 28/10/2017 06:01 AM (GMT+7)
Gắn bó cả đời với lụa, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm - chủ cơ sở dệt lụa tơ tằm Triệu Văn Mão nổi tiếng ở làng nghề Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) khẳng định để dệt được vuông lụa đẹp cần phải có cái tâm, cái tình với nghề, trung thực với sản phẩm mình làm và giữ uy tín với khách hàng.
Bình luận 0

Được ông Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề lụa Vạn Phúc Phạm Khắc Hà giới thiệu, chúng tôi tìm đến xưởng dệt lụa tơ tằm Triệu Văn Mão do nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm làm chủ là một trong những địa chỉ uy tín nổi tiếng ở nơi đây.

img

Hơn 40 năm làm nghề,  đến nay, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm đã sáng tạo ra hơn 20 mẫu sản phẩm lụa vân độc đáo. Bà cho biết, ở đây không ai quan tâm và cũng chẳng biết đến Khải Silk là ai cả.

Nằm giữa trung tâm làng nghề Vạn Phúc nhưng trong xưởng dệt lụa tơ tằm Triệu Văn Mão có sân, nhà xưởng rộng rãi. Bên cạnh xưởng dệt lụa vẫn hoạt động để sản xuất và cho du khách tới tham quan thì cửa hàng lụa Mão Silk là nơi giới thiệu và bán các sản phẩm của gia đình.

img

Theo Nghệ nhân Tâm đặc trưng để phân biệt lụa Vạn Phúc, Hà Đông với lụa Trung Quốc thương hiệu “Made in China” lụa Vạn Phúc là lụa Vạn Phúc làm ra được dệt tất cả các hoa văn truyền thống có tên “Lụa Hà Đông” ở sản phẩm. Bên cạnh đó, hoa văn được dệt nổi và sử dụng được cả 2 mặt trên lụa Vạn Phúc, còn hàng Trung Quốc là in hoa văn nên chỉ dụng được một mặt. ..

Tất bật giới thiệu với khách những vuông lụa mang thương hiệu “Mao Silk” mềm mịn và óng mượt bà Tâm tự hào nói: Nét đặc biệt của lụa vân nói riêng và lụa Vạn Phúc nói chung là bền đẹp, ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Hoa văn trang trí đối xứng, đường nét mềm mại, đa dạng mẫu mã. Bởi vậy, lụa Vạn Phúc không chỉ được ưa chuộng ở trong nước mà đã vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, đến các nước Đông Âu, Tây Âu…

img

Khách hàng nước ngoài thích thú với các mẫu áo dài với chất liệu lụa ở Việt Nam.

Cơ sở dệt lụa nhà nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm được hình thành sau năm 1986 – thời điểm chuyển đổi kinh tế từ mô hình cũ sang kinh tế thị trường. Khi đó, cụ Triệu Văn Mão là người đầu tiên gây dựng nên cơ sở và thương hiệu của “Mao Silk” hiện nay (cụ Mão đã mất, bà Tâm là con dâu của cụ).

img

Bà Tâm kể, nhiều năm tiếp quản cơ sở nhưng bà vẫn giữ nguyên tên Triệu Văn Mão với thương hiệu Mão Silk. “Nhìn tấm biển đề tên ông, tôi tự nhủ, dù bố tôi đã mất nhưng lúc nào ông cũng đồng hành bên các con. Còn sống, ông luôn trăn trở giữ gìn lụa truyền thống. Chính điều đó đã hun đúc ý thức và tình yêu nghề trong tôi”.

“Hiện nay, xưởng chúng tôi có 10 máy dệt. Hàng dệt đến đâu, chúng tôi trưng bày bán tại ngay cửa hàng của nhà với thương hiệu “Mao Silk”. Cái tinh túy nhất của lụa Hà Đông nằm ở kỹ thuật dệt trải bao đời nay của người Vạn Phúc. Vì thế, muốn dệt được lụa đẹp phải đặt cả cái tâm vào đó”, nghệ nhân Tâm cho biết.

img

Hiện cơ sở dệt  Triệu Văn Mão do nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm làm chủ có 10 máy dệt.

 Nối tiếp nghề truyền thống gia đình, đến nay hơn 40 năm làm nghề, bằng cái tâm, cái tình của người thợ dệt, cho đến nay, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm đã sáng tạo ra hơn 20 mẫu sản phẩm lụa độc nhất vô nhị gắn liền với tên tuổi của bà như lụa vân “Lưỡng long”, lụa vân “Lưỡng long song hạc”, “Lưỡng long song thọ”, “Vân triện thọ”, “Vân thọ đỉnh”…

img

Theo bà Tâm, muốn dệt được lụa đẹp ngoài đôi tay khéo léo thì người thợ phải đặt cả cái tâm vào đó.

Trước câu chuyện nhập lụa Trung Quốc rồi dán mác “Made in Vietnam” của hãng Khaisilk đang nóng lên bà Tâm bày tỏ: “Công việc bận rộn tôi cũng chả để ý đến ai hay Khải Silk thế nào đâu. Đối với bản thân tôi là hội viên trong làng nghề, lại là một nghệ nhân thì đầu tiên phải giữ được uy tín của truyền thống nghề lụa của tổ tiên, gia đình mình, sau là của làng nghề lụa Vạn Phúc.

img

Nhiều khách hàng nhí thích thú khi tham quan nong tằm kéo sợi tơ ở xưởng dệt của nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm.

Dòng sản phẩm của mình dù ai nói thế nào đi chăng nữa, hàng tốt vẫn là hàng tốt, mình sản xuất nghiêm túc, chân thật, thì “hữu xạ tự nhiên hương”. Khách hàng dùng sản phẩm của mình thấy tốt thì họ vẫn cứ tìm đến mình. Hàng nào thì mình bán hàng đấy. Như hàng 100% tơ tằm thì giá đắt hơn, còn hàng pha tơ bóng thì bán giá hàng pha rẻ hơn. Đối với hàng pha tơ bóng, chúng tôi niêm yết rõ ràng trên mác sản phẩm, tỷ lệ pha bao nhiêu % tơ bóng, bao nhiêu % tơ tằm để khách so sánh và lựa chọn” - bà Tâm cho biết.

Hiện Hiệp hội Làng nghề lụa Vạn Phúc đang có 401 hội viên với 264 máy dệt đang hoạt động và 110 cửa hàng bày bán sản phẩm lụa. Hiệp hội luôn nhắc nhở các cửa hàng kinh doanh phải minh bạch về nguồn gốc sản phẩm. Nếu lụa là hàng ngoại nhập thì phải ghi rõ là hàng nhập, hàng Việt Nam ghi rõ là Việt Nam và lụa của Vạn Phúc phải có in tên tuổi đàng hoàng.

img

Về nguyên liệu tơ tằm, Vạn Phúc chỗ chúng tôi không trồng dâu, nuôi tằm nữa rồi, vì quy trình đó đòi hỏi phải có diện tích lớn, khí hậu phù hợp. Chúng tôi chủ yếu nhập nguồn nguyên liệu từ Lập Thạch (Vĩnh Phúc), Bảo Lộc (Lâm Đồng) hay Duy Xuyên (Quảng Nam). Năm 2016, tổng sản lượng lụa mà các hội viên của hiệp hội lụa Vạn Phúc làm ra là 1,8 triệu mét. Nghị quyết của HĐND phường Vạn Phúc đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt 2 triệu mét/năm. 

Ông Phạm Khắc Hà - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề lụa Vạn Phúc Phạm Khắc Hà


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem