Nghẹt thở vụ thủ lĩnh Taliban bị đấm gây xả súng đẫm máu trong dinh tổng thống ở Kabul

Minh Nhật Chủ nhật, ngày 19/09/2021 15:02 PM (GMT+7)
Một thủ lĩnh Taliban được Mỹ và phương Tây hy vọng sẽ là tiếng nói ôn hòa trong chính phủ mới của Afghanistan đã bị "gạt ra ngoài rìa" sau một vụ ẩu đả, xả súng nghẹt thở trong dinh tổng thống ở Kabul, theo Business-standard.
Bình luận 0
Nghẹt thở vụ thủ lĩnh Taliban bị đấm gây xả súng đẫm máu trong dinh tổng thống ở Kabul - Ảnh 1.

Các chiến binh Taliban trong dinh tổng thống ở Kabul. Ảnh India Today.

Cụ thể, Mullah Abdul Ghani Baradar, gương mặt công khai nhất của Taliban - từng dẫn đầu các cuộc đàm phán hòa bình với Mỹ đã bị thủ lĩnh thuộc Mạng lưới Haqqani (bị Mỹ xem là khủng bố) tên là Khalil ul Rahman Haqqani tấn công vào đầu tháng 9 trong cuộc họp tại dinh tổng thống ở Kabul về việc thành lập nội các, những người am hiểu vấn đề chia sẻ với Business-standard.

Baradar đã thúc đẩy một nội các "toàn diện" bao gồm các nhà lãnh đạo không thuộc Taliban và các dân tộc thiểu số - điều cộng đồng quốc tế kỳ vọng. Tuy nhiên, không phải thủ lĩnh Taliban nào cũng ủng hộ việc này. Tại một thời điểm trong cuộc họp bàn về việc thành lập nội các, vì bất đồng với Baradar, Khalil ul Rahman Haqqani đã đứng dậy khỏi ghế và đấm thủ lĩnh Taliban. Trước đó, nhóm Taliban và Haqqani đã hợp nhất vào khoảng năm 2016.

Người thạo tin cho biết, các vệ sĩ của họ sau đó đã bắt đầu nổ súng vào nhau. Một số người đã chết và bị thương. Baradar không bị thương, ông này rời thủ đô Kabul và đến Kandahar - căn cứ của Taliban - để nói chuyện với lãnh tụ tối cao Haibatullah Akhundzada, lãnh đạo tinh thần của Taliban.

Sau đó, đội hình nội các được công bố vào ngày 7/9 không có ai từ bên ngoài Taliban. Các thành viên của Haqqani được đảm nhận 4 vị trí, trong đó Sirajuddin Haqqani - thủ lĩnh của Mạng lưới khủng bố này, người nằm trong danh sách truy nã gắt gao nhất của FBI vì tội khủng bố - trở thành quyền Bộ trưởng Nội vụ. Trong khi đó, Baradar được bổ nhiệm chức phó thủ tướng.

Nghẹt thở vụ thủ lĩnh Taliban bị đấm gây xả súng đẫm máu trong dinh tổng thống ở Kabul - Ảnh 2.

Chân dung Mullah Baradar. Ảnh Reuters.

Người thạo tin cho biết, người đứng đầu cơ quan tình báo Pakistan có mặt ở Kabul trong các cuộc họp đã ủng hộ Haqqanis tấn công Baradar.

Baradar từng ở tù khoảng 8 năm ở Pakistan trước khi chính quyền Trump tạo điều kiện cho ông ta được thả để tham gia các cuộc đàm phán hòa bình. 

Mullah Mohammad Hassan - vốn là gương mặt ít được biết đến - lại được chọn làm thủ tướng trong chính quyền Taliban thay vì Baradar vì ông ta có quan hệ tốt với Islamabad hơn và không phải là mối đe dọa đối với phe Haqqani.

Trong tuần qua, Taliban đã bác bỏ các cáo buộc và tin đồn rạn nứt, đụng độ nội bộ. Baradar đã xuất hiện trên truyền hình nhà nước hôm thứ Năm 16/9 để phủ nhận tin đồn rằng ông ta đã bị thương hoặc thậm chí bị giết. Trước đó, Baradar đã không có mặt vào ngày 12/9 để chào đón Ngoại trưởng Qatar, Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani, và ông này cũng không tham gia cuộc họp nội các đầu tiên của Taliban trong tuần này.

"Ơn trời, tôi vẫn bình an vô sự. Thông tin từ giới truyền thông rằng chúng tôi có tranh chấp nội bộ cũng hoàn toàn không đúng sự thật", ông Baradar tuyên bố, phủ nhận những đồn đoán về mình sau khi vắng mặt trong chuyến thăm của phái đoàn Qatar, nơi các thành viên nội các khác bao gồm một số người thuộc phe Haqqanis có mặt.

Qatar vốn đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán của Taliban do ông Baradar dẫn đầu với Ngoại trưởng Mỹ thời điểm đó là Michael Pompeo để chấm dứt cuộc chiến dài nhất của Mỹ.

“Tôi không biết về chuyến thăm của Ngoại trưởng Qatar. Tôi đang đi du lịch khi Ngoại trưởng Qatar đến Kabul và không thể rút ngắn chuyến đi này để quay trở lại Kabul", ông Baradar giải thích.

Trả lời phỏng vấn qua điện thoại, phát ngôn viên của Taliban, Bilal Karimi cho biết, Baradar “không bị gạt ra ngoài và chúng tôi hy vọng ông ấy sẽ sớm trở lại. Không có mâu thuẫn hay rạn nứt nào giữa các thủ lĩnh của Các Tiểu vương quốc Hồi giáo. Họ không tranh nhau vị trí nào”.

Sự chia rẽ trong Taliban là một dấu hiệu đáng lo ngại đối với các quốc gia phương Tây vốn đang thúc giục nhóm này thực hiện các chính sách ôn hòa hơn bao gồm tôn trọng quyền của phụ nữ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem