Nghị quyết mới cho TP.HCM – bài 1: Nghị quyết 54 thí điểm 5 năm, chưa tận dụng hết 50% cơ chế

Bạch Dương Thứ năm, ngày 25/05/2023 07:00 AM (GMT+7)
Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM thay thế cho Nghị quyết 54. Nghị quyết này nhắm tới mục tiêu xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho TP.HCM.
Bình luận 0

LTS: Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM thay thế cho Nghị quyết 54. Nghị quyết này nhắm tới mục tiêu xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của TP, góp phần xây dựng và phát triển TP.HCM như mục tiêu mà Bộ Chính trị và Quốc hội đã đặt ra. 

Nghị quyết mới cho TP.HCM – bài 1: Nghị quyết 54 thí điểm 5 năm, TP.HCM vẫn lao đao - Ảnh 1.

TP.HCM đang thí điểm Nghị quyết 54 được 5 năm. Ảnh: P.V

Thí điểm cơ chế đặc thù chưa đến nơi đến chốn

Nghị quyết 54 về cơ chế thí điểm cho TP.HCM có hiệu lực từ 1/2018 đến hết năm 2022 và được kéo dài đến 31/12/2023. Sau gần 5 năm thực hiện, kết quả chưa đạt được như kỳ vọng.

Theo Nghị quyết 54/2017, TP.HCM được trao một số quyền với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lý gồm: Đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế uỷ quyền và thu nhập của cán bộ, công chức. Những chính sách đặc thù này được kỳ vọng tăng cường nguồn lực và tạo ra động lực phát triển mới cho TP.HCM.

Ngay sau đó, thành phố ban hành nhiều chính sách thực hiện nghị quyết này. Trong đó, nội dung đầu tiên được triển khai là chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức tối đa là 1,8 lần mức lương theo ngạch, bậc, tạo động lực, cải thiện đời sống, khuyến khích cán bộ, công chức gắn bó lâu dài.

Cùng với tạo động lực cho cán bộ, cơ chế uỷ quyền từ thành phố cho cấp huyện được cho đã giúp rút ngắn thời gian của một số loại thủ tục hành chính như quá trình duyệt kế hoạch và thực hiện quỹ lương hàng năm của doanh nghiệp nhà nước giảm từ 22 còn 10 ngày sau khi ủy quyền cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội...

HĐND TP được trao quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên, giúp rút gọn quy trình, tiết kiệm thời gian thay vì phải mất khoảng 6 tháng để chờ ý kiến Thủ tướng như trước. Kết quả, từ 2018 đến 2020, HĐND thành phố đã thông qua 32 dự án với tổng diện tích 1.850 ha…

Tuy nhiên, thực tế TP.HCM triển khai cơ chế đặc thù chậm so với kế hoạch. Trong gần 5 năm thực hiện, năm đầu tiên thành phố dành thời gian xây dựng kế hoạch, công tác chuẩn bị. Sau đó, TP.HCM lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trong hai năm (2020-2021), nên không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của nghị quyết này.

Chính phủ nhìn nhận, hầu hết chính sách đặc thù về quản lý tài chính nhằm tăng nguồn thu như cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, nguồn thu từ đấu giá tài sản công, chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt... chưa được TP.HCM tận dụng.

Chẳng hạn, tiến độ thực hiện các công trình, dự án phụ thuộc vào thẩm định, ban hành quyết định của các bộ, ngành có thẩm quyền, cũng như phụ thuộc vào cân đối vốn của chủ đầu tư, trong khi chủ đầu tư lúng túng hoàn thiện các thủ tục để được giao, thuê đất theo quy định... Các khoản thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, sắp xếp nhà đất của các cơ quan Trung ương, chi ứng vốn cho các dự án Trung ương... chưa thực hiện.

Quốc hội cho thành phố hưởng toàn bộ số thu từ cổ phần hoá, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước thay vì phải phân cấp nguồn thu với Trung ương. Tuy nhiên, thực tế sau ba năm, giá trị thu được từ thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố chỉ đạt hơn 391 tỷ đồng.

Nghị quyết mới cho TP.HCM – bài 1: Nghị quyết 54 thí điểm 5 năm, TP.HCM vẫn lao đao - Ảnh 3.

Hạ tầng của TP.HCM vẫn còn nhiều bất cập. Ảnh: P.V

Nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa thể triển khai. Năm 2019, Chính phủ duyệt danh mục 38 doanh nghiệp của thành phố phải cổ phần hoá đến hết năm 2020, song thành phố không thực hiện được do Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa hướng dẫn phương án sử dụng đất khi cổ phần hoá doanh nghiệp.

TP.HCM cũng chưa nhận đồng nào từ chính sách cho phép hưởng 50% tiền bán đấu giá tài sản công của cơ quan Trung ương trên địa bàn. Đến nay, chỉ có hai cơ sở nhà, đất thuộc Trung ương quản lý tại thành phố được duyệt bán tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhưng hiện vẫn chưa thực hiện…

TP.HCM chưa tận dụng hết 50% cơ chế

Sau gần 5 năm TP.HCM áp dụng Nghị quyết 54, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thư ký Bí thư Thành uỷ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đánh giá, bên cạnh một số kết quả, thành phố còn nhiều việc chưa làm được, thậm chí có thể chưa tận dụng hết 50% cơ chế mà nghị quyết này đề ra.

Trong khi đó, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên cho biết quá trình thực hiện Nghị quyết 54, thành phố đã nhìn thấy nhiều vướng mắc trong luật, cơ chế nên "nhiều chuyện đề ra nhưng chưa làm được".

Theo ông Trần Hoàng Ngân, thời gian qua, Bộ Chính trị và Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết để phát triển TP.HCM. Trong đó luôn nhấn mạnh vai trò vị trí đầu tàu của TP.HCM trong thúc đẩy tăng trưởng cả nước và cạnh tranh quốc tế.

Nghị quyết mới cho TP.HCM – bài 1: Nghị quyết 54 thí điểm 5 năm, TP.HCM vẫn lao đao - Ảnh 4.

TP.HCM luôn phải gánh trọng trách đầu tàu kinh tế, xã hội của cả nước. Ảnh: P.V

Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù là quyết sách kịp thời, phát huy tính năng động sáng tạo, tháo gỡ khó khăn cho thành phố. Tuy nhiên sau 5 năm thực hiện, nhiều nội dung triển khai còn chậm so với kế hoạch và hiệu quả chưa cao.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 31 về phát triển TP.HCM đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045 đã nêu ra một số tồn tại như tiềm năng của TP chưa được khai phá, kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh còn thấp.

Bộ Chính trị xác định, TP.HCM phải là đầu tàu về kinh tế số và xã hội số; có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, mục tiêu đến 2045 phải phát triển ngang tầm các đô thị trên thế giới, phải là hạt nhân của vùng.

"Giải pháp trọng tâm và cốt lõi nhất là phải ban hành chính sách pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ TP; thí điểm các chính sách mang tính đột phá, huy động nguồn lực đầu tư, thúc đẩy xã hội hoá", PGS.TS Trần Hoàng Ngân nói và cho biết thêm, TP.HCM còn phải xác định trọng trách nặng nề với vùng Đông Nam Bộ và khu vực.

Bài 2: Vì sao TP.HCM cấp thiết cần nghị quyết mới?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem