Nghịch lý: Ôm đất “vàng” công sản, doanh nghiệp nhà nước lợi nhuận đì đẹt

An Linh Thứ hai, ngày 26/09/2022 06:49 AM (GMT+7)
Có một nghịch lý tồn tại, đó là rất nhiều doanh nghiệp nhà nước đang quản lý đất công vị trí đẹp nhưng kinh doanh vẫn gặp khó vì không thể bán, cho thuê khiến không có tiền nộp thuế, kết quả kinh doanh đì đẹt.
Bình luận 0

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, 8 tháng qua số thu từ tiền thuê, bán nhà đất công sản trên cả nước mới chỉ đạt trên 375 tỷ đồng, bằng 36% dự toán Quốc hội giao (1.040 tỷ đồng). Số thu rất thấp trong khi đất đai, nhà ở thuộc tài sản nhà nước nằm phần lớn trong tay của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đang rất nhiều. 

Nghịch lý: Ôm đất “vàng” công sản, doanh nghiệp Nhà nước lợi nhuận đì đẹt - Ảnh 1.

Doanh nghiệp nhà nước gặp khó dù ôm đất vàng công sản cho thuê hoặc bán khi cổ phần hoá. (Ảnh NT)

Số thu này chỉ đạt trung bình 47 tỷ đồng/tháng, bằng một nửa so với số thu cùng kỳ năm trước. Để thu đủ dự toán Quốc hội giao 1.040 tỷ đồng, 4 tháng cuối năm, mỗi tháng khoản thu này phải đạt 166 tỷ đồng - một nhiệm vụ bất khả thi. 

Cho thuê đất công vị trí "vàng" giá bèo

Theo lý giải của nhiều chuyên gia, việc không thu đủ dự toán về cho thuê, bán nhà đất công sản không chỉ ảnh hưởng đến tổng thu ngân sách mà còn cho thấy nhà nước thu chưa đúng, chưa đủ khối tài sản lớn hiện đang giao vào tay các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.

Hiện nay nhiều khu đất công bị cho thuê nhưng không có hợp đồng, khiến ngân sách thất thu; cho thuê giá rẻ hơn nhiều so với giá ngoài thị trường; đất công bị xà xẻo; nhà đất công khó cho thuê, hoang hoá, khó bán nên không thu đúng, đủ tiền cho nhà nước.

Bên cạnh đó, việc cổ phần hoá chậm, quá trình thoái vốn phức tạp khiến cho xử lý đất đai của doanh nghiệp nhà nước khó khăn, không thể bán được. Khoản thu từ bán nhà công sản như trụ sở Bộ, ngành, địa phương, biệt thự cũ đang gặp phải khó khăn trong xác định giá, mục đích chuyển nhượng hoặc xử lý vấn đề đa sở hữu.

Về việc quản lý không tốt, thu không đúng, đủ đất, nhà ở công sản cho thuê, ngay tại Hà Nội, tháng 7/2022, Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội đã có báo cáo rất chi tiết về sai phạm, thất thoát ngân sách do việc quản lý đất công, nhà công cho thuê.

Cụ thể theo báo cáo của Đoàn Giám sát thuộc Hội đồng, Hà Nội có gần 400 địa điểm nhà chuyên dùng thuộc phân loại quản lý cho thuê vẫn thực hiện thu nộp tiền thuê nhà do Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội quản lý, thực tế chỉ có 1 địa điểm tại 41 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) còn hạn hợp đồng thuê nhà, đất và 5 địa điểm được UBND TP.Hà Nội chấp thuận cho Bộ Quốc Phòng thuê không phải trả tiền thuê nhà, đất; ngoài ra, toàn bộ các địa điểm đã hết thời hạn thuê, đến nay vẫn chưa thực hiện gia hạn cho thuê.

Tại toà N01, ngõ 84 phố Chùa Láng, toàn bộ khu vực kinh doanh dịch vụ bị các hộ dân chiếm dụng kinh doanh từ năm 2016. Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội không xác định được đối tượng thuê và không thu được tiền thuê từ diện tích này.

Hay như Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội được giao quản lý 5 cơ sở nhà đất đều trên phố lớn của quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa là 45 Hàng Bài và 57 Cửa Nam, 437 Bạch Mai, 88 Lò Đúc và 211 Khâm Thiên; 2 cơ sở nhà đất là thuê của nhà nước, 3 địa điểm được thành phố giao đất.

Theo kết luận của Đoàn Giám sát thuộc Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội, các tài sản công là nhà, đất Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội được giao quản lý, sử dụng dù ở mặt đường lớn, phố kinh doanh đắt đỏ nhưng, hoạt động kinh doanh không hiệu quả, công ty gặp khó khăn, phải nợ tiền thuê nhà, đất. 

Cũng tại Hà Nội, từ năm 2003 đến nay, những sai phạm liên quan đến sử dụng, cho thuê đất công thuộc Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Khu Liên hợp đã tận dụng đất công được giao, cho đơn vị khác thuê hàng nghìn m2 đất để kinh doanh, sai mục đích, sai quy định và  không nộp thuế cho nhà nước. 

Thanh tra Chính phủ khẳng định sai phạm của Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình khiến ngân sách nhà nước thất thu hơn 770 tỷ đồng và vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra.

Bán nhà đất công khó vì cổ phần hoá chậm

Theo nhiều chuyên gia, ngoài các nguyên nhân cố hữu, mang tính "căn bệnh" của việc cho thuê, bán lại nhà đất công kể trên, hai năm qua lĩnh vực cho thuê nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đem tiền về cho nhà nước ít do vướng mắc trong cổ phần hoá.

GS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho biết, quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước liên quan trực tiếp đến xác định giá đất, nhà thuộc sở hữu của doanh nghiệp, sở hữu nhà nước giao, phân. Chính vì thế, quá trình này mất thời gian vì phải xin ý kiến nhiều bên, nhiều vụ xác định đất đai rẻ khi cổ phần, lãnh đạo vướng vòng lao lý nên hiện nay, lãnh đạo doanh nghiệp cổ phần hoá, thoái vốn sợ nhất đất đai, nhà ở.

Ông Thịnh cho rằng: Cách xử lý hiệu quả nhất hiện nay là tách bạch vai trò đất đai ra khỏi danh mục giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hoá, thoái vốn. Giao đất, tài sản gắn liền đất cho nhà nước bán đấu giá thu tiền về cho nhà nước.

Nghịch lý: Ôm đất “vàng” công sản, doanh nghiệp Nhà nước lợi nhuận đì đẹt - Ảnh 2.

Đất vàng, khu biệt thự cổ tại Hà Nội thuộc sở hữu nhà nước nhưng việc bán lại các tài sản này đang gặp khó. (Ảnh NT)

Tại Diễn đàn kinh tế xã hội 2022 vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Khi cổ phần hoá, doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi mục đích sử dụng đất được giao sang đất thương mại, đất ở, bán sang tay khiến nhà nước thất thoát hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, cần thay đổi phương pháp xác định giá trị đất đai đang áp dụng hiện nay. Đồng thời thu hồi đất, nhà ở nhà nước giao cho doanh nghiệp khi cổ phần, thoái vốn mà họ không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, để đẩy nhanh việc bán, cho thuê tài sản nhà nước, đồng thời tránh thất thoát.

Hiện, quy định cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp, nhà nước vẫn xác định giá đất (dù đất đó được giao hoặc đất thuê lâu năm) là giá trị tài sản của doanh nghiệp khi cổ phần. Điều này vừa gây khó cho xác định giá trị doanh nghiệp để thực hiện phương án cổ phần, thoái vốn. Khiến hàng nghìn ha đất vàng, nhà ở công sản thuộc diện sắp xếp, bố trí lại của trung ương vẫn chỉ nằm trên giấy.

Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước thuộc diện cổ phần hoá, thoái vốn rất sợ xác định giá đất không chuẩn, vướng vòng lao lý nên trì hoãn việc xác định giá các khu đất vàng hiện nay.

Hiện chủ trương sắp xếp lại đất đai, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước đã qua 15 năm. Tuy nhiên, việc thống kê, báo cáo và triển khai thực hiện rất khó khăn dù Bộ Tài chính nhiều lần văn bản đôn đốc.

Theo báo cáo của Cục Công sản, Bộ Tài chính, doanh nghiệp thuộc trung ương quản lý đang sử dụng hơn 17.564 cơ sở nhà đất, tương ứng 130 triệu m2. Các kế hoạch sắp xếp lại, bán đi hoặc cổ phần hoá được lên phương án với 15.976 cơ sở nhà đất, tương ứng với 124 triệu m2.

Ở các địa phương, quản lý hơn 87.600 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất là 23,7 triệu m­­2, diện tích đất ở là 21,9 triệu m­­2, diện tích nhà ở là hơn 4,3 triệu m­­2; diện tích đất bỏ hoang là 21,5 triệu m­­2, diện tích nhà hoang là 1,2 m­­2.

Cục Công sản cho biết, hiện quản lý và xử lý khối tài sản liên quan đến đất đai, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước nằm trong doanh nghiệp rất khó khăn do các đơn vị không báo cáo về Bộ để tổng hợp. Số liệu được Cục này đưa ra chưa sát thực tế và chưa kiểm đếm hết. Vì thiếu dữ liệu đầu vào, khiến cho hoạt động quản lý, bán tài sản nhà nước gặp khó khăn lớn.

(Còn tiếp...)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem