Nghịch lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Dân trích 20 tỷ đồng/ngày, Quỹ chỉ xả "nhỏ giọt"

An Linh Thứ tư, ngày 13/09/2023 19:00 PM (GMT+7)
Bộ Tài chính vừa có báo cáo thống kê số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo đó, số dư Quỹ này hết tháng 6/2023 là 7.427 tỷ đồng. Đáng nói, con số trích vào và chi xả của quỹ này trong quý II/2023 có sự chênh lệch lớn.
Bình luận 0

Mỗi ngày, người dân góp vào Quỹ BOG hơn 20 tỷ đồng, nhưng Quỹ chỉ xả bình ổn 65 triệu đồng

Số chi Quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu trong quý II (tháng 4 đến hết tháng 6/2023) chỉ hơn 5,9 tỷ đồng, còn số trích Quỹ BOG đã lên đến gần 1.800 tỷ đồng. Số trích Quỹ BOG cao gấp hơn 300 lần so với số tiền chi của Quỹ này để bình ổn giá xăng dầu trong quý II.

Bình quân trong quý II, mỗi ngày số tiền trích Quỹ BOG khi người dân mua xăng dầu là hơn 20 tỷ đồng, trong khi đó đó số tiền quỹ này chi ra để giảm tác động tăng giá xăng dầu chỉ 65 triệu đồng/ngày.

Mỗi ngày, người dân đóng hơn 20 tỷ đồng cho Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, nhưng Quỹ chỉ xả 65 triệu đồng - Ảnh 1.

Trong quỹ II/2023, dù 4 lần tăng giá xăng dầu, chỉ 1 lần giảm, nhưng Quỹ bình ổn giá vẫn chỉ xả khá ít chỉ hơn 5,9 tỷ đồng (Ảnh: NT).

Số lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG dương trong quý II là hơn 3,23 tỷ đồng, số lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ BOG âm trong quý II tương đương 2,09 tỷ đồng.

Theo thống kê, trong quý II/2023, giá xăng có 4 lần tăng (trong các kỳ điều chỉnh ngày 3/4, 11/4, 22/5 và 1/6), 1 lần giảm (ngày 21/4) và 1 lần giữ nguyên ngày 12/6).

Bộ Tài chính cho biết, hiện Tập đoàn Xăng dầu Việt nam (Petrolimex) có số dư quỹ BOG xăng dầu lớn nhất với gần 3.200 tỷ đồng; thứ 2 là Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà với hơn 612 tỷ đồng; Công ty cổ phần tập đoàn Thiên Minh Đức đang nắm giữ số dư quỹ hơn 468 tỷ đồng; Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp nắm giữ hơn 454 tỷ đồng;...

Đặc biệt, Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil, doanh nghiệp vừa bị cơ quan công an khởi tố, bắt hàng loạt lãnh đạo công ty vẫn ôm hơn 219 tỷ đồng tiền Quỹ BOG.

Cụ thể, theo ông Phạm Văn Bình - Cục phó Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đến thời điểm ngày 10/9, Xuyên Việt Oil chưa có báo cáo về việc nộp lại số tiền trên, dù Bộ Tài chính đã có hai văn bản, gọi điện đôn đốc.

Hiện Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính phối hợp xử lý theo quy định. Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu quy định Quỹ bình ổn xăng dầu được lập tại doanh nghiệp khi được cấp giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp đầu mối.

Ngày 9/9, Cơ quan An ninh điều tra (A09) Bộ Công an cho biết vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với hai bị can trong vụ án hình sự vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan.

Các bị can gồm: Mai Thị Hồng Hạnh (sinh 1979), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil và Nguyễn Thị Như Phương (sinh 1992) Phó giám đốc Công ty. Cả hai lãnh đạo của Xuyên Việt Oil đều bị khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Cơ quan chức năng cũng yêu cầu công ty trên chuyển nộp ngay toàn bộ số tiền Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước và gửi bản sao chứng từ chuyển nộp tiền về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá), Bộ Công thương (Vụ Thị trường trong nước).

Trước đó, Bộ Công Thương có quyết định về việc thu hồi Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đối với Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil. Trụ sở chính của Xuyên Việt Oil đặt tại 465-467 Hai Bà Trưng, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM.

Doanh nghiệp này được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu vào năm 2005 và đăng ký thay đổi lần thứ 21 vào tháng 9/2022. Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu của doanh nghiệp được Bộ Công thương cấp tháng 11/2021.

Đơn vị này được yêu cầu chuyển nộp ngay toàn bộ số tiền Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước và gửi bản sao chứng từ chuyển nộp tiền về Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) và Vụ Thị trường trong nước ( Bộ Công thương). Đồng thời, phải gửi bản chính giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu về Bộ Công Thương.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng, qua sự việc trên cơ quan quản lý Nhà nước cần phải tổng rà soát lại toàn bộ số dư quỹ BOG tại các DN, nên có đoàn thanh tra một cách nghiêm túc về việc gửi tài khoản nào ở ngân hàng và số dư thực tế ra sao.

"Tôi cho rằng, việc này cơ quan quản lý phải thanh tra nghiêm túc, bởi bất cứ một sự ưu ái đặc biệt nào cũng có thể dung túng cho hành vi sai trái, né tránh quy định", ông Doanh nói.

Về vụ việc của Công ty Xuyên Việt Oil, chuyên gia Lê Đăng Doanh yêu cầu phải truy cứu trách nhiệm đến cùng của đơn vị này, sử dụng các công cụ pháp luật để truy thu số tiền chiếm dụng để bảo toàn số tiền mà người dân đóng cho Quỹ BOG.

TS. Lê Đăng Doanh nêu quan điểm, đã đến lúc không nên giữ Quỹ BOG xăng dầu. Giữ Quỹ BOG để tạo ra sự ổn định nhất định, nhưng kết mục đích đó lại không đạt được.

"Vậy sự ổn định do quỹ bình ổn này rất mong manh nên tôi ủng hộ quan điểm là bỏ quỹ, để phản ánh biến động theo thế giới", ông nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem