Ngô Bảo Châu - Hiện tượng thế kỷ

Thứ sáu, ngày 20/08/2010 15:34 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chúng ta cũng không quá “bốc”, đến mức cho rằng rồi đây sẽ xuất hiện... “hàng loạt Ngô Bảo Châu”! Trong cả trăm năm, số người đạt đến đỉnh cao khoa học như vậy không hề nhiều!
Bình luận 0

Thời thuộc Pháp, một số học giả phương Tây cố gắng truyền bá “luận thuyết” cho rằng “dân An Nam” chỉ “giỏi bắt chước”, chứ không có năng lực khám phá, sáng tạo cái mới...

Những năm ngồi trên ghế nhà trường trung học, rồi đại học, bao nhiêu định lý, định luật, công thức về Toán học, Vật lý, Hóa học, bao nhiêu học thuyết về Triết học, Kinh tế học, Tâm lý học mà mỗi người chúng ta được học qua đều mang họ tên người nước ngoài, phần lớn là người phương Tây. Nào là nguyên lý Archimedes, nào là định lý Pythagore, nào là Triết học Descartes, Triết học Kant...

img
GS Ngô Bảo Châu tại Đại hội Toán học Thế giới 2010

Sau Cách mạng Tháng Tám, nhất là sau ngày Thủ đô giải phóng, trên các tạp chí khoa học quốc tế chuyên ngành, mới lác đác xuất hiện một số tên tuổi người Việt ta. Thế giới bắt đầu biết tới phương pháp Tôn Thất Tùng (Ton That Tung Method) trong phẫu thuật gan; lát cắt tụy (Tuys cut), thuật toán kiểu Tụy (Tuy- Type Algorithm) trong lý thuyết tối ưu toàn cục...

GS Nguyễn Văn Hiệu từng được chia sẻ Giải thưởng Lenin về khoa học với một số nhà vật lý Liên Xô (trước đây) vì đã tham gia khám phá quy luật bất biến kích thước các quá trình sinh hạt trong vật lý năng lượng cao.

Một số nhà sinh học và cố sinh học nước ta như Đào Văn Tiến, Võ Quý, Đặng Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Lê, Đặng Vũ Khúc, Tống Duy Thanh... lần đầu tiên tìm ra một số giống mới, loài mới trong sinh vật và cố sinh vật, do đó, có quyền đặt tên Latin cho những giống mới, loài mới ấy và, vì thế, “lưu danh” trong văn liệu sinh học và cổ sinh học thế giới.

Chúng ta hết sức trân trọng ghi nhận những thành tựu của các thế hệ nhà khoa học lớp trước. Tuy nhiên, để đạt được một giải thưởng cỡ “Nobel” thì đúng là chưa ai làm được.

Việc GS Ngô Bảo Châu liên tiếp giành những giải thưởng danh giá như Giải thưởng Clay của Mỹ, Giải thưởng Oberwolfach của châu Âu, Giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp và, giờ đây, là Huy chương Fields - vinh dự cao quý nhất trong ngành Toán, được coi như Giải thưởng Nobel của Toán học - đang gây chấn động lớn trong cộng đồng khoa học thế giới.

Hiện tượng Ngô Bảo Châu chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến cộng đồng khoa học nước ta, nhất là đối với thế hệ trẻ, làm cho mọi người tin chắc hơn vào năng lực sáng tạo của người Việt Nam ngay cả trong những lĩnh vực “cao siêu”, tinh tế nhất. Chúng ta có thể gửi gắm nhiều hy vọng hơn vào lớp trẻ. Tuy nhiên, chúng ta cũng không quá “bốc”, đến mức cho rằng rồi đây sẽ xuất hiện... “hàng loạt Ngô Bảo Châu”! Trong cả trăm năm, số người đạt đến đỉnh cao khoa học như vậy không hề nhiều!

Ở châu Á, ngay cả CHND Trung Hoa, với gần 1,4 tỷ dân vẫn chưa có ai giành được Huy chương Fields, mặc dù nước bạn rất “khát” loại huy chương cao quý này, cũng như “khát” giải thưởng Nobel (không kể số người gốc Hoa mang quốc tịch Mỹ). Hàn Quốc, Singapore và nhiều nước châu Á khác cũng chưa có ai được như thế cả.

Quả vậy, “tuấn kiệt như sao buổi sớm”! Có thể coi trường hợp Ngô Bảo Châu là một “hiện tượng thế kỷ”...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem