Ngộ nhận về giá thị trường

Thứ tư, ngày 21/08/2013 09:15 AM (GMT+7)
Chuyên gia kinh tế nhận định: Các doanh nghiệp đòi hướng tới giá thị trường trong khi tại Việt Nam, ở các mặt hàng xăng, dầu, điện, than, chưa hề hình thành một thị trường cạnh tranh nào cả.
Bình luận 0
Sáng 20.8, Bộ Tài chính tổ chức tọa đàm khoa học “Hoàn thiện cơ chế quản lý Nhà nước về giá đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho các doanh nghiệp có vị trí độc quyền, thống lĩnh thị trường sản xuất kinh doanh” với sự tham gia của các diễn giả hàng đầu về kinh tế.

Bên lề buổi tọa đàm, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc cho phép Tập đoàn Than - Khoáng sản, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng giá theo lộ trình là điều không hay vì các doanh nghiệp này đang độc quyền, tạo mối lo ngại tăng giá trong dân chúng.

Theo phân tích của ông Phong, các doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng đang bị ngộ nhận về giá thị trường. Các doanh nghiệp đòi hướng tới giá thị trường trong khi tại Việt Nam, ở các mặt hàng xăng, dầu, điện, than, chưa hề hình thành một thị trường cạnh tranh nào cả. Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn chưa chia nhỏ các khâu bán lẻ điện. Thị trường xăng dầu vẫn một tay Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) “che gần nửa bầu trời”. Chắc chắn không thể có giá thị trường được. “Xin đừng ngộ nhận về giá thị trường” - TS Phong nhấn mạnh.

Vẫn theo ông Phong, các tập đoàn nhà nước, doanh nghiệp lúc nào cũng nói tiến tới giá thị trường, đưa giá các mặt hàng thiết yếu bám sát giá thế giới, nhưng làm được điều này rất khó. Khi thị trường cạnh tranh nửa vời, khái niệm thị trường mang tính chất danh nghĩa thì cách quản lý giá, điều hành giá phải kết hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người dân, Nhà nước.

TS Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng: “Mặt hàng xăng dầu, điện đang bị “định hướng” bằng nhiều biện pháp phi thị trường rõ nhất. Trong đó, Quỹ bình ổn xăng dầu, định giá xăng dầu theo Nghị định 84, cho tăng giá điện theo thị trường là những biện pháp “lợi bất cập hại”. Ông nói: “Việc cho phép giá điện tăng giá theo định kỳ cũng tạo ra mối lo ngại nguy cơ tăng giá thường trực trong dân chúng. Vì vậy mà khi giá điện tăng, thì hàng loạt các mặt hàng liên quan như xi măng, sắt, thép, rồi đến mớ rau cũng tăng theo. Mặt hàng xăng dầu cũng được cơ quan liên Bộ Tài chính – Công Thương khẳng định điều hành theo Nghị định 84 nên mới có cảnh xăng dầu tăng nhanh, giảm chậm gây bất bình trong dư luận những ngày qua.
Phương Hà (Phương Hà)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem