Ngoại trưởng Nga - Mỹ gặp nhau lần đầu kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra

Lê Phương (Reuters) Thứ sáu, ngày 03/03/2023 07:39 AM (GMT+7)
Hôm 2/3, bên lề cuộc họp G20, các nhà ngoại giao hàng đầu của Nga và Mỹ đã nói chuyện trực tiếp lần đầu tiên kể từ khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Bình luận 0
Ngoại trưởng Mỹ Blinken và người đồng cấp Lavrov gặp nhau lần đầu kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken. Ảnh: The Times of Israel

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã yêu cầu Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chấm dứt chiến sự và hối thúc Moscow hủy bỏ việc đình chỉ hiệp ước hạt nhân New START.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết ông Lavrov và ông Blinken đã nói chuyện trong chưa đầy 10 phút vào cuối phiên họp kín và không tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào, các hãng thông tấn Nga đưa tin.

"Tôi đã nói với Ngoại trưởng Lavrov rằng dù bất kể điều gì khác đang xảy ra trên thế giới hay trong mối quan hệ giữa hai nước, Mỹ sẽ luôn sẵn sàng tham gia và hành động để kiểm soát vũ khí chiến lược, giống như Mỹ và Liên Xô đã làm ngay cả tại thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh", ông Blinken phát biểu.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này không mong đợi có thêm cuộc đối thoại cấp cao chính thức với Nga trong thời gian tới và họ không tin rằng "cuộc gặp ngắn ngủi" của ông Blinken và ông Lavrov sẽ thay đổi thái độ của Moscow.

Trước đó trong cuộc họp của các ngoại trưởng, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã kêu gọi các quốc gia G20 tiếp tục gây áp lực lên Moscow để chấm dứt cuộc xung đột, hiện đã bước sang năm thứ hai.

Gây áp lực lên Nga

"Chúng ta phải tiếp tục kêu gọi Nga chấm dứt chiến dịch quân sự và rút quân khỏi Ukraine vì hòa bình quốc tế và ổn định kinh tế", ông Blinken nói sau bài phát biểu trong cuộc họp kín.

Ông được hỗ trợ bởi các đồng minh từ Đức, Pháp và Hà Lan.

"Thật không may, một thành viên G20 đã ngăn cản tất cả 19 thành viên còn lại tập trung những nỗ lực của họ vào các vấn đề quan trọng", Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu tại cuộc họp, theo phái đoàn Đức.

Phát biểu trước ông Lavrov, bà Baerbock kêu gọi Điện Kremlin quay trở lại thực hiện đầy đủ hiệp ước vũ khí hạt nhân New START và nối lại đối thoại với Mỹ.

Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố quyết định đình chỉ tham gia hiệp ước New START sau khi cáo buộc phương Tây liên quan trực tiếp đến nỗ lực tấn công các căn cứ không quân chiến lược của nước này.

Phát biểu tại một hội nghị của Liên hợp quốc ở Geneva, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Mỹ đang cố gắng "thăm dò an ninh các cơ sở chiến lược của Nga theo Hiệp ước New START và hỗ trợ Kiev tiến hành các cuộc tấn công vũ trang vào những cơ sở này".

Lầu Năm Góc sau đó cho biết thật "vô lý" khi cho rằng Mỹ đang cung cấp cho Ukraine thông tin tình báo về các mục tiêu bên trong Nga.

Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna cho biết chiến sự Ukraine đã gây tổn hại cho "hầu hết mọi quốc gia trên hành tinh, đặc biệt là về lương thực, năng lượng, lạm phát".

Nga đáp trả những chỉ trích

Ngoại trưởng Nga Lavrov cho rằng chính phương Tây phải chịu trách nhiệm về các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị toàn cầu.

"Một số phái đoàn phương Tây đã biến công việc trong chương trình nghị sự G20 thành một trò hề, họ muốn đổ trách nhiệm về những thất bại kinh tế của họ cho Nga", ông Lavrov nói.

Ông cho rằng phương Tây đã tạo ra trở ngại cho việc xuất khẩu nông sản của Nga.

Ông cũng cáo buộc phương Tây "chôn vùi" sáng kiến ngũ cốc Biển Đen vốn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine từ các cảng phía nam của nước này, hãng thông tấn RIA Novosti đưa tin.

Nhóm G20 bao gồm 20 thành viên: Argentina, Australia, Brazil, Anh, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Ấn Độ, quốc gia giữ chức chủ tịch khối năm nay, đã tìm cách nêu bật tác động kinh tế của cuộc chiến cũng như các vấn đề như biến đổi khí hậu và nợ của những nước nghèo.

Mặc dù vậy, những nỗ lực của New Delhi nhằm khắc phục sự khác biệt và đưa ra một tuyên bố hoặc thông cáo chung đã vấp phải những tranh cãi về quan điểm đối với chiến dịch của Nga. 

Ấn Độ từ chối chỉ trích Nga về cuộc xung đột Ukraine và đã tìm kiếm một giải pháp ngoại giao trong khi tăng cường mua dầu của Nga.

Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nói với các phóng viên khi kết thúc cuộc họp: "Có những khác biệt về vấn đề Ukraine mà chúng tôi không thể hòa giải, mỗi bên đều có quan điểm khác nhau".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem