Ngôi nhà đặc biệt trên phố Hàng Buồm

Nguyễn Văn Ất Thứ hai, ngày 19/12/2022 14:59 PM (GMT+7)
Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, 22 Hàng Buồm vẫn đang đặt tấm biển đá ghi hai thứ tiếng Việt, Hoa với nội dung: "Cụ Tôn Trung Sơn người đi trước trong cuộc cách mạng dân chủ vĩ đại của Trung Quốc, năm 1904 đã từng ở đây".
Bình luận 0

Phố Hàng Buồm có 2 ngôi nhà mà tôi khá thân thiết và gắn bó. Ngôi nhà 22 Hàng Buồm, xưa là "Hội quán Quảng Đông" của người Hoa sinh sống ở Việt Nam. Ngôi nhà này có phong cách kiến trúc kết hợp cả Hoa - Việt - Pháp.

Chuyện ít biết về hội quán người Hoa ở phố cổ Hà Nội - Ảnh 1.

Ngôi nhà 22 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NVA.

Có một chi tiết thú vị về ngôi nhà này đó là: trước khi lãnh đạo cuộc Cách mạng Tân Hợi 1911 thành công để lập nên "Trung Hoa dân quốc", thì lãnh tụ của cách mạng Tân Hợi là Tôn Trung Sơn đã từng tá túc trong ngôi nhà 22 Hàng Buồm này.

Sau năm 1978 thì ngôi nhà này trở thành Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ của quận Hoàn Kiếm. Trong suốt mấy năm giữa thập niên 80 của thế kỷ XX, ngày nào tôi cũng ngày hai lần có mặt ở ngôi nhà này để đưa, đón con học mẫu giáo ở đây. 

Nhiều hôm thậm chí còn xin nghỉ buổi làm ở Cơ quan để giúp các cô trang trí lớp học, góp ý với nhà trường về việc sắp đặt, bố trí nhà bếp… 

Những việc làm đó để bày tỏ đáp lại sự biết ơn các cô giáo và Trường Tuổi thơ đã quan tâm đến con trai của mình vì cháu… biếng ăn!

Sau hơn 40 năm Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ tọa lạc ở đây, thì đến cuối năm 2019 thì chính quyền thành phố Hà Nội chuyển Trường Tuổi Thơ sang địa điểm khác, thu hồi ngôi nhà này và sau hơn 2 năm tu bổ phục hồi, đến cuối năm 2021 nhà 22 Hàng Buồm trở thành Trung tâm văn hóa Nghệ thuật.

Trường Tuổi Thơ sau khi dời nhà 22 Hàng Buồm thì cũng chẳng đi đâu xa mà dời ngay về ngôi nhà số 88 cùng phố. Số nhà 22 và số nhà 88 cách nhau quãng hơn trăm mét. 

Nhà số 88 Hàng Buồm thực chất là Rạp chiếu bóng Kim Môn. Rạp này thông từ phố Hàng Buồm sang phố Ngõ Gạch. Mặt phố Hàng Buồm đánh số 88, mặt Ngõ Gạch đánh số 5.

Nửa bên Hàng Buồm đánh số 88 trước đây là Nhà văn hóa thành phố Hà Nội. Nửa bên phố Ngõ Gạch đánh số 5 vẫn là rạp chiếu phim Kim Môn, cho đến những năm đầu 2000 vẫn thế.

Tôi nhớ nhất là vào cuối thập niên 80, khi bắt đầu "đổi mới" nhà 88 Hàng Buồm là nơi sinh hoạt Câu lạc bộ. Khi "nhẩy đầm" không còn bị cấm đoán thì Câu lạc bộ mở các lớp dạy "nhẩy đầm" trên gác 2. Câu lạc bộ "nhẩy đầm" khi đó thường sinh hoạt tuần 3 buổi tối: thứ 4, thứ 7 và chủ nhật.

Khi đó nhà tôi ở phố Hàng Đường gần đấy. Thỉnh thoảng 2 vợ chồng cũng dắt nhau ra đấy nhẩy vài bài, nhưng chủ yếu ra đấy là để ghi tên, đăng ký hộ cho một số bạn bè muốn tham gia các lớp học nhẩy. 

Vì người nhờ đăng ký thì đông mà địa điểm hẹp, nên họ hạn chế tiếp nhận. Cũng phải cần "hơi quen quen" thì mới đăng ký nhanh được. 

Những năm gần đây, Cả chiếu phim và "nhẩy đầm" ở ngôi nhà này không còn nữa, ngôi nhà tối om, là nơi cho dân buôn bán quanh đấy làm kho chứa hàng…

Nay khu nhà 88 Hàng Buồm và số 5 Ngõ Gạch trở thành Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ. Cổng chính của trường Tuổi Thơ ở bên số 5 Ngõ Gạch, Cổng 88 Hàng Buồm là cổng phụ. Kỷ niệm với tôi về hai ngôi nhà trên phố Hàng Buồm là như thế…



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem