Người Afghanistan và tiền điện tử (P1): kênh "phòng vệ" vững chãi nhất khi nhà băng tê liệt, lạm phát tăng nóng

22/08/2021 16:01 GMT+7
Dữ liệu Google Trend tại Afghanistan cho thấy các cụm từ tìm kiếm về bitcoin và tiền điện tử đã tăng vọt vào tháng 7, ngay trước cuộc đảo chính ở Kabul.

Farhan Hotak không phải một người trẻ Afghanistan điển hình.

Tuần trước, chàng trai 22 tuổi này đã đưa cả gia đình 10 người chạy khỏi tỉnh Zabul, miền nam Afghanistan đến một thành phố biên giới Pakistan cách đó 97 dặm. Nhưng khi người thân đã an toàn, Hotak lập tức quay trở lại. Ở căn nhà cũ, hàng ngày, anh vừa quay vlog cho hàng nghìn người theo dõi trên kênh Instagram cá nhân về tình hình hiện tại ở Afghanistan vừa theo dõi danh mục đầu tư tiền điện tử trên Binance trong bối cảnh đồng nội tệ mất giá chưa từng có, tiền mặt tại các ngân hàng cạn kiệt khiến người dân không thể rút tiền mặt trên toàn quốc.

“Ở Afghanistan, chúng tôi không có các nền tảng như PayPal, Venmo hay Zelle, vì vậy tôi phải tìm đến các kênh khác” - Hotak cho hay. Afghanistan hiện vẫn là một nền kinh tế sử dụng tiền mặt là chủ yếu. Do đó, Hotak không thể dùng tiền trong ví điện tử để thanh toán bữa ăn tối nay. Tuy nhiên, việc đổ tiền vào các ví điện tử giúp chàng trai 22 tuổi cảm thấy an tâm hơn về tài sản của mình khi đồng nội tệ trượt giá kỷ lục và bất ổn kinh tế tiếp tục leo thang ở Afghanistan.  “Tôi không có nhiều lựa chọn. Tôi quan tâm đến thị trường tiền điện tử bởi tôi đã kiếm được nhiều và tôi thấy tiềm năng tiến xa hơn từ đó”. 

Người Afghanistan và tiền điện tử (P1): kênh "phòng vệ" vững chãi nhất khi nhà băng tê liệt, lạm phát tăng nóng - Ảnh 1.

Farhan Hotak, người đã chuyển một phần tài sản vào các ví tiền điện tử khi tình hình bất ổn kinh tế ở Afghanistan leo thang (Ảnh: CNBC)

Ngân hàng tê liệt, lạm phát tăng và bất ổn kinh tế thúc đẩy người dân Afghanistan tìm đến tiền điện tử

Hotak chỉ là một trong số hàng triệu người Afghanistan đang bất an khi quốc gia này tiến vào một kịch bản hỗn loạn trong tuần qua: biên giới đóng cửa, nội tệ mất giá, thiếu tiền mặt trên cả nước và giá hàng hóa cơ bản tăng nhanh. Nhiều ngân hàng buộc phải đóng cửa trong tuần qua do hết tiền mặt. Mạng xã hội lan truyền mạnh mẽ những tấm ảnh cho thấy hàng dài người dân ở Kabul tập trung bên ngoài các chi nhánh giao dịch ngân hàng trong nỗ lực rút tiền mặt ra khỏi tài khoản nhưng vô ích.

Ali Latifi, một nhà báo sinh ra và hiện đang sống ở Kabul cho biết: “Chẳng có ngân hàng nào khả quan để tìm đến lúc này. Tôi sống cạnh 2 ngân hàng và 3 máy ATM, nhưng tất cả đều ngừng hoạt động từ thứ Năm”. 

Không có cơ quan điều hành ngân hàng Trung ương, nghĩa là trong ngắn hạn, việc in thêm tiền mặt để xoa dịu tình trạng thiếu tiền mặt trầm trọng trong nền kinh tế không phải lựa chọn khả thi. 

Người Afghanistan và tiền điện tử (P1): kênh "phòng vệ" vững chãi nhất khi nhà băng tê liệt, lạm phát tăng nóng - Ảnh 2.

Người dân Afghanistan xếp hàng dài bên ngoài một chi nhánh Ngân hàng AZIZI để rút tiền mặt hôm 15/8 (Ảnh: Getty Images)

Western Union đã đình chỉ mọi dịch vụ ở Afghanistan. Ngay cả hệ thống “hawala” (một kênh chuyển tiền hoạt động bên ngoài hệ thống ngân hàng truyền thống) đã vận hành hàng thế kỷ tạo điều kiện cho các giao dịch tài chính xuyên biên giới thông qua mạng lưới trao đổi tiền và chợ đen phức tạp cũng rơi vào tình trạng tê liệt. 

Sangar Paykhar, một người gốc Kabul hiện đang sống ở Hà Lan đã thường xuyên liên lạc với họ hàng ở đó trong những tuần gần đây. Ông cho biết nhiều người ở Afghanistan trong những tuần qua chủ yếu sống bằng số tiền vay mượn. Nhưng giờ đây, những người có khả năng cho vay tiền mặt cũng bắt đầu thắt chặt hầu bao khi bất ổn kinh tế leo thang. “Họ nhận ra chế độ đã sụp đổ và những người mà họ cho vay có thể sẽ mất việc ngay ngày mai”.

Vài ngày trước khi Taliban tiến vào Kabul, Musa Ramin là một trong số những người xếp hàng bên ngoài ngân hàng chờ rút tiền nhưng thất bại. Nhưng không giống như những người Afghanistan khác cũng xếp hàng trong ngày hôm đó, vài tháng trước, Ramin đã đầu tư một phần tài sản vào tiền điện tử. Điều này là nhờ một trải nghiệm trong quá khứ, vào năm 2020, khi Ramin di chuyển từ London đến Kabul và bị mắc kẹt tại Thổ Nhĩ Kỳ 6 tháng trời do thời gian cách ly Covid-19. 

Người Afghanistan và tiền điện tử (P1): kênh "phòng vệ" vững chãi nhất khi nhà băng tê liệt, lạm phát tăng nóng - Ảnh 3.

Musa Ramin trong chuyến đi London ngay trước khi bị mắc kẹt tại Thổ Nhĩ Kỳ và tiếp xúc với giao dịch tiền điện tử (Ảnh: CNBC)

“Tôi đã chuyển đổi tất cả tiền của mình sang đồng lira”, nhưng đồng lira bắt đầu mất giá khiến Ramin mất đi số tiền lớn. ″Đó là khi tôi phát hiện ra bitcoin.” Do tất cả các chuyến bay bị hủy và không thể khởi hành về nước, Ramin bắt đầu tìm đến giao dịch tiền điện tử. “Lúc đầu, tôi mất rất nhiều tiền,” anh nói. Nhưng kể từ đó, Ramin dần tìm hiểu về thị trường tiền ảo và học được cách quản lý, đầu tư số tài sản kỹ thuật số của mình.

Dù sau đó được trở lại Kabul, chàng trai 27 tuổi vẫn tập trung vào các giao dịch tiền điện tử. 80% tài sản tiền điện tử mà Ramin nắm giữ nằm ở dạng giao ngay, 20% còn lại là các hợp đồng tương lai. “Số tiền tôi kiếm được từ giao dịch tiền điện tử trong vòng 1 tháng còn nhiều hơn số tiền làm lụng và tích góp trong cả năm”. Dù vậy, Ramin thừa nhận: “Kiếm từ tiền điện tử thì dễ nhưng duy trì được số tài sản đó mới là điều khó khăn”.

Dù thị trường tiền điện tử vẫn còn nhiều biến động, Ramin cho rằng ở thời điểm hiện tại, đây là kênh giá trị an toàn nhất để bảo vệ tài sản của mình trong bối cảnh biến động chính trị và kinh tế ở Afghanistan. 

Những người Afghanistan có quan điểm tương tự Ramin ngày càng nhiều. Dữ liệu Google Trend tại Afghanistan cho thấy các cụm từ tìm kiếm về bitcoin và tiền điện tử đã tăng vọt vào tháng 7, ngay trước cuộc đảo chính ở Kabul. 

Nhưng tại một quốc gia mà giao dịch tiền mặt vẫn là chủ yếu như Afghanistan, không nhiều người được tiếp xúc với tài khoản ngân hàng chứ đừng nói đến ví điện tử. Chẳng hạn, quay trở lại trường hợp của chàng trai 22 tuổi Hotak, anh sống ở một vùng hẻo lánh của Afghanistan, nơi chẳng có lấy một cây ATM hay chi nhánh ngân hàng nào. Điều này đồng nghĩa anh phải nắm lượng tiền mặt rất lớn để trang trải cho các chi phí hàng ngày khi giá hàng hóa liên tục tăng lên. “Afghanistan không phải “miền đất hứa”, bạn phải sẵn sàng cho bất cứ biến động nào”.

Mặc dù Hotak cho rằng tiền điện tử là tương lai của anh ấy, nhưng hiện tại, phần lớn thu nhập của anh đến từ các công việc lao động hàng ngày như quản lý một cửa hàng may quần áo, thậm chí cả các công việc tay chân như làm gạch, đào giếng. “Zabul không phải một thành phố phát triển, mà là một ngôi làng. Và đó là cách tôi kiếm tiền”.


NTTD
Cùng chuyên mục