Người đàn bà Việt mơ đi khắp thế giới

Thứ tư, ngày 16/10/2013 06:33 AM (GMT+7)
Tôi gặp chị trong buổi trưa đầy nắng và gió tại làng chài một thời vắng vẻ. Chị bình dị với nụ cười rạng rỡ, xua tan đi bao nỗi ưu phiền. Có lẽ nụ cười ấy đã giúp chị gặt hái thành công trong công việc, biến khu làng chài hoang vu thành nơi du lịch bề thế.
Bình luận 0
Hạnh phúc khi được hy sinh

Chị Ngô Thanh Loan - bà chủ khu nghĩ dưỡng Bamboo Village - bắt đầu câu chuyện bằng những giây phút trầm tư về tuổi thơ khốn khó. Sinh ra và lớn lên ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM, nơi xưa kia toàn những ao rau muống và đầm lầy, ba là công chức, mẹ làm nội trợ nên chị quen cảnh thiếu trước hụt sau của cả gia đình có tới 6 anh chị em. Những bữa cơm độn toàn khoai và rau cũng phải nhường hết cho những đứa em. Mảnh áo sờn vai và đôi dép mòn gót không dám thay, chỉ mong các em được đủ đầy là hạnh phúc lắm rồi.
Chị Ngô Thanh Loan và NTK Võ Việt Chung trong sự kiện Blue Ocean World
Chị Ngô Thanh Loan và NTK Võ Việt Chung trong sự kiện Blue Ocean World
Trong ký ức tuổi thơ của mình, chị còn nhớ như in những chiều hai chị em đi khiêng nước. Khu nhà chị ở là khu dân cư lao động nghèo, không điện, không nước. Tất cả mọi người phải lấy nước ở bể công cộng. Hai chị em chị ốm yếu nên mỗi đứa gánh một đầu, lếch thếch cả một quãng đường dài mới mang được một thùng nước về.

Tối tối mấy chị em nằm chung một giường, đùa nhau cười rúc rích rồi ngủ lúc nào không hay. Búp bê hay những chiếc xe bằng nhựa là món đồ chơi xa xỉ mà mấy chị em chị không bao giờ dám mơ ước. Còn hương vị món vịt quay mà ba chiêu đãi cả nhà sau mỗi tháng lương luôn là hương vị ngon nhất ngự trị trong tâm trí chị đến bây giờ.

Dù mấy chị em chị đều học rất giỏi, không phải đóng tiền học phí nhưng cảnh nghèo của gia đình khiến chị ray rứt. Nhìn bạn bè được ba mẹ đưa đến trường bằng xe hơi, khát vọng làm giàu trong chị trỗi dậy. Chị đắn đo giữa đi học hay nghỉ ở nhà phụ giúp ba mẹ. Chị kể: “Hồi đó, biết tôi có ý định nghỉ học, cô giáo chủ nhiệm đã khuyên nhủ, động viên tôi phải cố gắng. Vì chỉ có học mới thay đổi cuộc đời. Đến bây giờ tôi hiểu lời khuyên của cô luôn đúng. Tôi vừa học vừa làm thêm, không thể bỏ cuộc chỉ vì cảnh nghèo khó”.

Tốt nghiệp phổ thông, vì phải mưu sinh nên chị chọn học tại chức tại trường Đại học Văn Khoa (nay là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân Văn TP.HCM), khoa ngữ văn Anh. Chị tâm sự về lý do chị chọn học ngành tiếng Anh: “Với tôi, Anh văn không phải là một môn học, mà nó là phương tiện giúp tôi mở mang kiến thức, tiến gần hơn đến những điều mà tôi chưa khám phá được.

Chỉ có ngoại ngữ mới giúp ta tiếp cận với thế giới. Tôi học một cách say mê, với ngành mình đã chọn”. Chị học giỏi cả tiếng Anh lẫn tiếng Nga (ngoại ngữ phụ), ước mơ lớn nhất là mở toang cánh cửa của thế giới, tiếp xúc với tri thức. Dựa vào đức tính hy sinh sẵn có, chị miệt mài với hành trình chông gai của mình, im lặng, nỗ lực và hướng đến mục tiêu đã định.
img
"Khó khăn lớn nhất trong cuộc đời làm kinh doanh của tôi là làm sao thành công nhưng không làm tổn thương người khác" - Chị Ngô Thanh Loan nói.
Những ngày đi làm thêm hay đi học không có chút tiền dằn túi, những ngày phải nhường nhịn từng miếng cơm manh áo cho đàn em là thời gian để chị rèn luyện và ước mơ. Chị tâm sự: “Hồi làm bên Đoàn Thanh niên, tôi chỉ sợ nhất một điều là xe đạp bể bánh dọc đường, vì tôi không có đủ tiền vá xe”.

Chị xác định chỉ có học mới thoát nghèo, nên sau khi tốt nghiệp đại học, chị tiếp tục đăng ký học quản trị kinh doanh, học thêm tiếng Pháp… dù học ở ngành nào, chị cũng đạt được thành tích học tập đáng nể. Tuy nhiên, với chị học vấn tại trường chỉ là kiến thức nền tảng, còn học ở trường đời mới giúp chị đạt những bước ngoặt thành công như ngày hôm nay.

Chị kể: “Tôi may mắn được làm việc trực tiếp với những nhà quản lý cao cấp của các tập đoàn lớn trên thế giới nên tôi học hỏi ở họ rất nhiều về cách quản lý, quan điểm kinh doanh, chiến lược phát triển… Những nhà quản lý cấp cao luôn có tầm nhìn tuyệt vời. Khi tôi kinh doanh, họ trở thành bạn của tôi, giúp đỡ tôi rất nhiều”.

Tình yêu lãng mạn của Tre & Biển

Vào mùa thu năm 1998, du khách Thanh Loan có dịp dừng chân tại làng chài Mũi Né, Bình Thuận. Vẻ hoang sơ và bình yên của mảnh đất này đã níu kéo chân người lữ khách, đã đánh thức niềm đam mê khám phá trong chị. Trên bãi biển thiên đường, chị cùng các cộng sự bắt tay xây dựng 14 bungalow bằng tre đầu tiên.

Chị nói trong bài phát biểu của mình nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Bamboo Village: “Tôi học được nhiều điều hay lạ ở những nơi đã đi qua, và càng tin vẻ đẹp đặc biệt của tre sẽ là chất liệu chính cho khu nghỉ mát độc đáo của chúng tôi. Tre dịu dàng nhưng vững chãi, hòa cùng sóng biển xanh như gừng cay muối mặn cùng chúng tôi trải qua bao thăng trầm”.

Chị bắt đầu bằng việc tham gia một khóa học quản lý về nhà hàng khách sạn tại Mỹ, rồi chị vừa làm vừa học từ thực tế, cứ sai tới đâu chị sửa tới đó để tự hoàn thiện mình. Thời gian đầu còn khó khăn, cơ sở chưa khang trang, nhân viên chưa chuyên nghiệp, du khách chưa biết đến… thay vì cắt giảm nhân sự, chị dành thời gian huấn luyện hoặc gửi nhân viên đi tham gia các khóa đào tạo ở các trường đại học và trung cấp về nghiệp vụ khách sạn và du lịch để chuẩn bị cho thời gian phát triển.

Cuộc đời con người là một vòng tròn, chị nói: “Khi nghèo người ta nghĩ đến chuyện ăn, chuyện mặc; khi có đủ ăn, mặc người ta nghĩ đến đời sống tinh thần; khi đủ đầy, người ta nghĩ đến chuyện chia sẻ”. Nhưng để chia sẻ được với người khác, bản thân mỗi người phải chịu mở lòng, thấu hiểu. Chị kể cho tôi nghe câu chuyện về những người Nhật phải chịu trận sóng thần lịch sử năm 2011.

Chị cùng tất cả nhân viên và cộng sự của mình đã quyên góp một số tiền nho nhỏ với mong muốn chia sẻ sự mất mát với người Nhật. Nhưng bằng cách nào bây giờ? Vì chính phủ Nhật lo cho cư dân của họ rất chu đáo, thực phẩm hay thuốc men đều không thiếu. Thế là một buổi biểu diễn nghệ thuật Việt – Nhật diễn ra với tất cả tình cảm bạn bè sâu sắc, được những người bạn Nhật đánh giá rất cao.

Chị Ngô Thanh Loan tâm sự: “Với tôi, làm từ thiện không chỉ là sẻ chia cho người ta tấm áo, miếng cơm, mà làm từ thiện còn là cách để tôi tiếp thêm nghị lực, khát khao và niềm tin yêu vào cuộc sống của những mảnh đời chẳng may sinh ra đã bất hạnh”.

Không nhận mình thành công, chị chỉ đơn giản nghĩ rằng đó là kết quả của việc cho và nhận. Chị nghĩ: “Cứ cho đi rồi ắt sẽ nhận về, cho đi nụ cười bạn sẽ nhận về nụ cười”. Chị cứ cho đi, không tính toán.

Hàng loạt đội ngũ nhân viên do chị đào tạo đã tìm một công việc thích hợp hơn, chị mừng cho họ, để chị lại tiếp tục tìm kiếm và huấn luyện những người mới. Với biển, chị nỗ lực làm sạch môi trường, để biển lại mang về cho chị, những người dân làng chài và cả những du khách nguồn cảm hứng để sống và làm việc có ích.

Với những con đường nhỏ rợp bóng tre xanh ở Bamboo Village, vẻ đẹp Việt Nam hòa mình vào tiêu chuẩn quốc tế. Làng tre không còn là quán trọ cho những lữ khách dừng chân mà là nhà, là nơi cho những ai muốn hòa mình vào thiên nhiên và sống cùng với tình yêu lãng mạn của Tre & Biển.
Thanh Mai (Dòng Đời) (Thanh Mai (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem