Người đàn ông đào gỗ lạ dưới lòng đất bị xử phạt, xem xét góc độ pháp lý thế nào?

Hoàng Lộc Chủ nhật, ngày 17/07/2022 19:04 PM (GMT+7)
Cơ quan công an vừa ra quyết định xử phạt đối với người đàn ông đã trục vớt gỗ dưới lòng đất lên và buộc người này phải trả lại số gỗ đã trục vớt được cho nhà nước.
Bình luận 0

Xử phạt 4 triệu đồng

Ngày 17/7, theo thông tin từ Công an huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum), đơn vị vừa ra quyết định xử phạt hành chính 4 triệu đồng đối với ông Lê Quang Nam (trú tại thôn 2, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) vì đã có hành vi chiếm giữ tài sản của người khác. 

Tại quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan công an xác định ông Nam vi phạm điểm đ, khoản 2, điều 15, nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Ngoài bị xử phạt, cơ quan công an cũng buộc ông Nam phải trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép là 4 hộp gỗ xẻ có tổng khối lượng hơn 4,3m3 và 6 tấm bìa gỗ tất cả thuộc chủng loại phay, nhóm VI. Số gỗ trên hiện đang được tạm giữ tại cơ quan Công an huyện Sa Thầy.

Người đàn ông đào gỗ lạ dưới lòng đất bị xử phạt: Luật sư nói gì?  - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng kiểm tra số gỗ mà ông Nam đào lên được. Ảnh: CTV

Trước đó, vào ngày 23/3, trong lúc được thuê cải tạo đất ruộng cho người dân ở xã Sa Sơn (huyện Sa Thầy), ông Nam phát hiện một cây gỗ bị vùi lấp dưới lòng đất. Ông Nam đã đến UBND xã Sa Sơn trình báo sự việc và xin phép được đào cây gỗ trên để về làm đồ gia dụng.

Ngay sau đó, UBND xã Sa Sơn đã tổ chức đến hiện trường xác minh. Qua đó, UBND xã Sa Sơn đã lập biên bản xác định nơi phát hiện cây gỗ trên không phải đất rừng và cây gỗ này không xác định được thời gian, khối lượng cũng như nguồn gốc. 

Trong biên bản ghi rõ, ông Nam sau khi trục vớt hoàn thành thì báo cáo về UBND xã để cử lực lượng chức năng xuống kiểm tra cụ thể, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Sau đó, ông Nam đã huy động nhiều phương tiện, nhân công để đào cây gỗ lên với chi phí khoảng 90 triệu đồng. Ngày 8/4, sau khi đào xong, ông Nam có thông báo cho UBND xã Sa Sơn.

Hơn 1 tháng sau, đến ngày 20/5 vẫn không thấy cơ quan chức năng đến xử lý, nghĩ rằng số gỗ không có giá trị nên ông Nam liền vận chuyển về 1 xưởng gỗ để cưa xẻ làm đồ gia dụng.

Tuy nhiên sau đó cơ quan công an huyện Sa Thầy đã tiến hành lập biên bản tạm giữ cây gỗ trên vì hồ sơ, nguồn gốc lâm sản không đầy đủ, chưa rõ ràng.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Quang Nam cho biết: "Tôi không đồng tình với quyết định xử phạt này. Tôi là người phát hiện cây gỗ và sau đó báo cáo với chính quyền địa phương và được họ đồng ý nên tôi bỏ biết bao nhiều tiền ra thuê nhân công, máy móc trục vớt gỗ lên. Nào ngờ đâu sau đó tôi lại bị xử phạt vì chiếm giữ tài sản của người khác. Trong khi đó, tôi đã thỏa thuận với chủ đất để lấy khúc gỗ này thay thế cho công san lấp, vậy thì người khác ở đây là ai?".

Người đàn ông đào gỗ lạ dưới lòng đất bị xử phạt: Luật sư nói gì?  - Ảnh 2.

Khúc gỗ được cắt xẻ sau khi trục vớt dưới lòng đất. Ảnh: CTV

Luật sư nói gì về quyết định xử phạt hành chính?

Theo Luật sư Nguyễn Hoài Vũ, Đoàn Luật sư TP HCM, trong trường hợp này có thể áp dụng Điều 229 Bộ Luật dân sự về xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy.

Cụ thể, nếu người phát hiện tài sản bị chôn giấu, vùi lấp, bị chìm đắm thì phải thông báo hoặc trả lại ngay cho người chủ sở hữu. Nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã, Công an cấp xã hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật

Trong trường hợp, tìm thấy tài sản tài sản bị chôn giấu, vùi lấp, bị chìm đắm được tìm thấy mà không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu thì sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản, quyền sở hữu đối với tài sản được xác định như sau:

Vật được tìm thấy là di tích lịch sử, văn hóa thì thuộc Nhà nước. Người tìm thấy vật đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

Vật được tìm thấy không phải là di tích lịch sử, văn hóa, mà có giá trị đến 10 tháng lương tối thiểu (1.490.000 đồng) do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy. Nếu vật tìm thấy có giá trị lớn hơn 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương; phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước. 

Theo Luật sư Vũ, trong trường hợp này, nếu số tài sản có giá trị cao cơ quan chức năng sẽ thành lập lập hội đồng định giá và bán đấu giá. Sau khi bán đấu giá thành công, sẽ trích một phần tặng thưởng cho người phát hiện, đồng thời hoàn trả chi phí trục vớt cho người tìm thấy.

"Trong quyết định xử phạt, cơ quan công an nêu rõ, ông Nam đã thực hiện hành vi chiếm giữ tài sản của người khác. Hiện tại, các cơ quan chức năng hiện vẫn chưa xác định chủ sở hữu của tài sản mà họ lại ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Nam thì theo tôi cần xem xét lại", luật sư Vũ nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem