Người dùng "than trời" vì internet quá chậm: Nhà mạng ứng phó sự cố ra sao?

Khải Phạm Thứ ba, ngày 07/02/2023 06:01 AM (GMT+7)
4/5 tuyến cáp quang biển đã bị đứt khiến mạng internet đi quốc tế từ Việt Nam và ngược lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng tác động tiêu cực đến người dùng, vậy các nhà mạng đã làm gì?
Bình luận 0

Người dân "than trời" vì mạng quá chậm

Tốc độ mạng ở Việt Nam đi quốc tế và ngược lại đang gặp những vấn đề nghiêm trọng khi có 5 tuyến cáp quang thì đã có đến 4 tuyến bị đứt, thậm chí đứt từ tháng 6/2022 đến nay vẫn chưa khắc phục được.

Nhà mạng làm gì khi người dùng thiệt hại lớn vì mạng quá chậm? - Ảnh 1.

Các ứng dụng quốc tế bị ảnh hưởng nặng nề. Ảnh Khải Phạm.

"Tôi làm nhà hàng, nhưng tốc độ mạng bây giờ thực sự tệ khi khách vào ăn phàn nàn rất nhiều. Dù đã có giải thích, nhưng nhiều người vẫn tỏ ra rất khó chịu vì wifi bây giờ là một phần không thể thiếu ở bất cứ đâu, đặc biệt là những quán ăn, nhà hàng. Mặc dù gói mạng vẫn đóng hàng tháng cao, nhưng với tốc độ mạng như hiện tại chưa đảm bảo", anh Nguyễn Huy, chủ một nhà hàng ở Quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.

Không chỉ tốc độ wifi truyền tải cáp quang mà ngay cả mạng di động 4G hiện nay cũng chậm hơn trước đáng kể.

Chị Thu Hương, Long Biên, Hà Nội chia sẻ: "Nhà tôi dùng gói mạng wifi kết hợp truyền hình cơ bản nên dạo gần đây mạng quá chậm không sử dụng được nhiều. Thậm chí, tôi thường xuyên phải dùng 4G, nhưng khi vào những chỗ khuất đều báo "E" hoặc không thể kết nối được. Kể cả khi đủ sóng cũng không được nhanh như trước".

Đối với người dùng cơ bản, việc tốc độ internet để truy cập vào những ứng dụng quốc tế đã bị ảnh hưởng lớn. Trong khi đó, tình trạng này còn gây khó chịu gấp đôi với những người kinh doanh, phải làm việc, họp với những đối tác quốc tế.

Nhà mạng làm gì khi người dùng thiệt hại lớn vì mạng quá chậm? - Ảnh 2.

Ứng dụng công việc kết nối quốc tế của nhiều công ty hiện nay. Ảnh Khải Phạm.

Anh Hoàng Trường Thành - Trưởng phòng một công ty Xuất nhập khẩu cho biết: "Công ty tôi mọi hoạt động trao đổi thông tin hàng hóa, khách hàng đều thông qua ứng dụng Wechat với đối tác Trung Quốc. Do đó, hiện nay tốc độ mạng quá tệ khiến cả 2 bên đều thấy phiền phức khi trao đổi công việc. Thậm chí việc gửi hóa đơn, giấy tờ online mất rất nhiều thời gian ảnh hưởng đến tiến độ công việc".

Những người bán hàng online thời gian gần đây phải giảm tần xuất livestream bởi mạng quá chậm, ảnh hưởng đến doanh số bán hàng bởi đều sử dụng Facebook, TikTok, những ứng dụng kết nối internet quốc tế.

"Năm ngoái, tôi livestream thường xuyên trên cả Facebook và TikTok, nhưng hiện nay đã giảm tần xuất từ 5 buổi/tuần xuống còn 3 bởi mạng rất chậm. Nhiều khi khách hàng đặt câu hỏi, mình đã trả lời rồi nhưng họ không nghe thấy vì mạng lag nên tỏ ra khó chịu và nhiều người còn nói khó nghe trên livestream. Mạng thế này ảnh hưởng quá nhiều đến công việc bán hàng của shop tôi", chị Vân Anh, Mỹ Đình, Hà Nội chia sẻ.

Có thể thấy, từ người dùng cơ bản đến những người sử dụng mạng để bán hàng đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự cố đứt cáp quang biển hiện nay. 

Các nhà mạng lên tiếng về vấn đề internet

Chia sẻ với Dân Việt, nhiều người dùng cho rằng, các nhà mạng cần tính đến những phương án bù đáp thiệt hại cho người dùng khi tiền vẫn thu đủ hàng tháng mà mạng chất lượng không đảm bảo.

Trao đổi với Dân Việt, các nhà mạng hiện nay đều đang đưa ra những phương án tối ưu nhất nhằm đảm bảo quyền lợi truy cập internet bình thường cho người dùng.

Đại diện Tập đoàn Viettel cho biết, khi xảy ra sự cố, Viettel đã nhanh chóng lên các phương án định tuyến, điều tiết dung lượng trên các hướng cáp biển còn lại và cáp đất liền. Đồng thời, đơn vị cũng mua bổ sung dung lượng ứng cứu nhằm đảm bảo tốt nhất chất lượng dịch vụ cấp cho khách hàng. 

"Đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố đồng thời trên cả 4 tuyến cáp quang biển chính kết nối từ Việt Nam đi và vào đúng dịp nghỉ lễ nên Viettel đã triển khai tất cả các giải pháp tối ưu nhất. Cho đến hiện tại Viettel vẫn đang là nhà mạng đảm bảo dung lượng kết nối quốc tế tốt nhất cho khách hàng. 

Mặt khác, Viettel chủ động, tích cực làm việc với hệ thống cáp biển, nhà khai thác tàu để xác định nguyên nhân, vị trí xảy ra sự cố và kế hoạch sửa chữa các sự cố cáp biển trong thời gian sớm nhất".

Trong khi đó, đại diện Tập đoàn VNPT cho hay, đơn vị này cũng đã có những phương án làm việc với các đơn vị quản lý cáp quang biển quốc tế để nhanh chóng xử lý các sự cố:

"Cùng với đó, VNPT đã chủ động thực hiện các phương án ứng cứu để đảm bảo kết nối internet quốc tế cho các khách hàng của mình, bao gồm việc chia sẻ tải giữa các link quốc tế, chủ động làm việc với các đối tác Facebook, Tiktok, Youtube, tối ưu lưu lượng theo các hướng cáp, mở ứng cứu bổ sung tài nguyên cáp đất. 

Nhờ đó, khách hàng có thể sử dụng và trải nghiệm gần như bình thường các nền tảng Facebook, Tiktok, Youtube cũng như các giao dịch chứng khoán tài chính, bảo hiểm, ngân hàng. Đặc biệt, chất lượng dịch vụ data di động hoàn toàn đảm bảo".

Các nhà mạng đang cố gắng tập trung vào những nền tảng, ứng dụng có kết nối internet đi quốc tế nhằm đảm bảo người dân có thể sử dụng mạng tốt nhất có thể.

Về ý kiến người dùng yêu cầu được đền bù do thiệt hại mạng gây ra, một nhà mạng cho rằng cả 2 bên đang chịu thiệt hại và khó có thể đong đếm: "Việc đứt cáp quang ảnh hưởng đến tốc độ mạng là việc bất khả kháng. Cả nhà mạng và người dùng đều chịu thiệt hại và hiện các nhà mạng cũng đang nỗ lực làm việc với đơn vị cung cấp để khắc phục sớm nhất sự cố này, mong khách hàng thông cảm".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem