Người nhà bệnh nhân vật vã giữa cái nóng như "chảo lửa" ở Hà Nội

Gia Khiêm Chủ nhật, ngày 21/05/2023 14:03 PM (GMT+7)
Thời tiết Hà Nội những ngày qua oi bức, ngột ngạt như thiêu đốt khiến cuộc sống của những người nhà bệnh nhân thêm cực khổ.
Bình luận 0

Những ngày này, cái nóng như chảo rang cứ thế chiếu thẳng qua từng khu phố, con ngõ ở Hà Nội. Mỗi khi bước ra đường, ai ai đều chung cảm nhận sức nóng khiến nền đường nhựa hầm hập bốc lên. 

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, tại Hà Nội, nhiệt độ trong không khí khoảng 39 - 40 độ C, nhiệt độ dưới mặt đường khoảng hơn 50 độ C khiến người dân ra đường đều cảm thấy khó chịu, ngột ngạt. 

Người nhà bệnh nhân vật vã ngoài bệnh viện giữa cái nóng như "chảo lửa" ở Hà Nội - Ảnh 1.

Trời nắng nóng khiến nhiều người cảm giác ngột ngạt khi đi ngoài đường. Ảnh: Gia Khiêm

Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), mỗi ngày có hàng trăm người nhà bệnh nhân vật vã tìm cách để tránh nắng nóng. Dưới những gốc cây, những bóng ô ở hành lang lối vào bệnh viện đều chật kín người. Mặc dù phía bệnh viện đã lắp đường dây phun sương để làm giảm đi nắng nóng nhưng vẫn chưa đủ để chống lại thời tiết mùa hè. 

Người nhà bệnh nhân vật vã ngoài bệnh viện giữa cái nóng như "chảo lửa" ở Hà Nội - Ảnh 2.

Người nhà bệnh nhân vật vã ngoài bệnh viện giữa cái nóng như "chảo lửa" ở Hà Nội - Ảnh 3.

Cảnh người nhà bệnh nhân vật vã bên ngoài hành lang bệnh viện. Ảnh: Gia Khiêm

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Minh Tuấn (quê Hà Nam) đưa người thân đi khám cho biết, trời nắng nóng, bệnh nhân đã vất vả, người đưa đi chăm nom như anh cũng vật lộn với mệt mỏi không kém.

"Mấy ngày nay trời nóng bức, chúng tôi vật vờ ở hàng ghế của bệnh viện. Bệnh viện cũng bố trí giàn phun sương và có mái che nhưng thời tiết nắng nóng quá nên cũng đành phải ngồi ở đây", anh Tuấn nói.

Kéo xe lăn đưa mẹ già 93 tuổi đến giữa khu vực có dây phun sương, ông Tường Duy Bái (65 tuổi, quê Yên Bái) cho biết, do chưa khám bệnh xong nên trong lúc đang nghỉ trưa, ông đưa mẹ đến khu vực hành lang bệnh viện để ngồi chờ. 

Người nhà bệnh nhân vật vã ngoài bệnh viện giữa cái nóng như "chảo lửa" ở Hà Nội - Ảnh 4.

Nền nhiệt đo được bên ngoài trời lên đến hơn 50 độ C. Ảnh: Gia Khiêm

"Trời này thì tránh đâu cho hết nắng, mẹ tôi tuổi đã cao sức yếu nên tôi tìm chỗ nào được phun sương nhiều cho dịu. Sau khi khám bệnh cho mẹ xong, tôi cũng sắp xếp đưa mẹ về quê chứ nắng nóng lắm", ông Bái nói.

Cùng chung cảnh ngộ trên, chị Mai Thị Loan (quê Thanh Hoá) cho biết, đang điều trị cho người nhà ốm ở viện cả tuần nay. "Trong viện có 1 người nhà của tôi chăm sóc cho mẹ, còn tôi ở ngoài này có gì người nhà, bác sĩ báo cần mua thuốc thang, đồ dùng gì thì mình mua. Nắng nóng chăm sóc người ốm khổ cực nhiều lần nhưng biết làm sao được", chị Loan nói. 

Người nhà bệnh nhân vật vã ngoài bệnh viện giữa cái nóng như "chảo lửa" ở Hà Nội - Ảnh 5.

Bệnh viện lắp giàn phun sương để giảm đi cái nóng như "chảo lửa". Ảnh: Gia Khiêm

Bác sĩ Đặng Hoàng Điệp, khoa Cấp Cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, say nắng, say nóng thường hay xảy ra vào mùa hè, đặc biệt trong những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ tăng cao đột ngột. 

Bị say nắng, say nóng không chỉ khiến chúng ta mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu... mà say nắng, sốc nhiệt còn có khả năng dẫn đến đột quỵ. Nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn tới di chứng thần kinh không hồi phục hoặc tổn thương đa cơ quan và tử vong.

Người nhà bệnh nhân vật vã ngoài bệnh viện giữa cái nóng như "chảo lửa" ở Hà Nội - Ảnh 6.

Người nhà bệnh nhân vật vã ngoài bệnh viện giữa cái nóng như "chảo lửa" ở Hà Nội - Ảnh 7.

Nhiều người nhà bệnh nhân vạ vật dưới gốc cây quanh bệnh viện giữa trưa nắng. Ảnh: Gia Khiêm

Bác sĩ Điệp khuyến cáo, đề phòng say nắng, say nóng, người dân cần: Khi phải ra ngoài khi trời nắng nóng, cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng. Uống đầy đủ nước khi trời nắng nóng hoặc phải lao động nặng dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Thường xuyên uống nước dù chưa cảm thấy khát. Có thể uống nước có pha một chút muối hoặc uống dung dịch oresol, nước trái cây, tránh xa nước ngọt có ga, đồ uống năng lượng.

"Không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên nghỉ ngơi định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10 - 15 phút. 

Luôn trang bị đầy đủ các thiết bị chống nắng, chống nóng khi lao động, làm việc dưới trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ bảo hộ, nón rộng vành, kính râm... Tạo không gian thoáng mát trong môi trường làm việc, đặc biệt ở các công xưởng, hầm, lò... rất có ý nghĩa trong việc phòng chống bị say nắng, say nóng", bác sĩ Điệp khuyên.

Cũng theo bác sĩ, khi vừa đi nắng về, đây là thời điểm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nhiệt cơ thể độ cao, nếu tắm ngay sẽ làm thay đổi thân nhiệt đột ngột, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ. Vào mùa nắng nóng, chúng ta cần uống nhiều nước, ăn các loại thức ăn mát, rau củ quả chứa nhiều kali như: rau đay, mồng tơi, rau má, cà chua..., mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, dễ thoát mồ hôi. Không được để trẻ em hoặc bất kỳ ai trong xe hơi đỗ, tắt máy, trong thời tiết nắng nóng dù chỉ để trong thời gian ngắn, do nhiệt độ trong xe hơi có thể tăng hơn 11 độ C chỉ trong 10 phút.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem