Người nông dân phía sau “siêu” dự án đường Vành đai 4: Rời xa xóm làng, mong được đền bù xứng đáng hơn (Bài 2)

Tố Loan - Minh Ngọc Thứ bảy, ngày 20/04/2024 06:31 AM (GMT+7)
Theo bản đồ phóng tuyến và quy hoạch đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, có những đoạn con đường "xẻ" đôi những ngôi làng, thôn, xóm. Không chỉ mất ruộng, có nhiều hộ còn phải rời nhà đến nơi tái định cư mới...
Bình luận 0

Sẽ có nhiều ngôi làng, nhiều thôn, xóm từng là nơi quần tụ sinh sống lâu đời của cộng đồng dân cư, hàng xóm láng giềng, họ hàng với nhau bỗng bị chia tách bởi con đường vành đai 4 "xẻ" ngang qua và  sẽ có những hộ được ở lại, có những hộ phải ra đi nhường mặt bằng cho dự án. Nắm được chủ trương của nhà nước trong việc phát triển giao thông, phục vụ kinh tế- xã hội, nhiều người đã sẵn sàng rời đi, nhưng vẫn mong muốn được chính quyền xem xét hỗ trợ bồi thường xứng đáng hơn với sự hi sinh của mình.

Người nông dân phía sau “siêu” dự án đường Vành đai 4: Rời xa xóm làng, mong được đền bù xứng đáng hơn (Bài 2)- Ảnh 1.

Bà Lê Thị Suốt, thôn Khê Ngoại 2, Văn Khê, huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết, nhiều đêm mất ngủ vì sắp phải di dời và lo lắng cho cuộc sống trong tương lai. Ảnh: Minh Ngọc

Lo nhận tiền đền bù nơi ở cũ không đủ để mua suất tái định cư nơi ở mới

Xã Văn Khê nằm nép mình bên con sông Hồng, từ trước khi huyện Mê Linh còn thuộc tỉnh Vĩnh Phúc đến sau khi nhập về Hà Nội (năm 2008) vẫn được coi là mảnh đất thuần nông, người dân cứ sống quây quần với nhau quanh làng, quanh xóm như vậy, chẳng ai nghĩ đến một xã xa xôi như thế, có ngày lại được chứng kiến cảnh "dự án về làng", đó là dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô. Theo quy hoạch và phóng tuyến, đường vành đai 4 sẽ chạy ngang qua xã Văn Khê và "ăn" cả vào đất nông nghiệp, lẫn đất ở của người dân ở đây. Một phần diện tích đất sẽ được thu hồi để làm đường song hành, tạo quỹ đất dự trữ để làm đường cao tốc trong tương lai và đường dẫn lên cầu Hồng Hà.

Ngày dự án được khởi công, người dân xen giữa tâm trạng mừng- vui lẫn lộn, mà bà Nguyễn Thị Huệ, thôn Khê Ngoại 2, Văn Khê (huyện Mê Linh) là một trong số đó. Về nhà sau gần 2 tuần nằm viện, dù chưa khỏe hẳn nhưng bà Huệ vẫn gượng dậy quét dọn trước sân vườn, bởi chẳng bao lâu nữa căn nhà của bà sẽ được giải phóng để làm đường. Căn nhà của bà Huệ khá khang trang, to đẹp trong khuôn viên gần 600m2 đất. Bà Huệ kể, ngôi nhà bà đang ở là nơi sinh sống của mấy thế hệ, con cháu cha mẹ quây quần trên đất cha, ông để lại với đầy ắp những kỉ niệm vui, buồn.

Đến nay, gia đình bà đã nhận được thông báo trong diện phải thu hồi, giải phóng mặt bằng, nhưng điều bà lo lắng, trăn trở, đó là, sắp tới chuyển ra khu ở mới, thì ở đâu, liệu nơi ở mới có đảm bảo không gian sống cho cả nhà hay không? Rồi số tiền đền bù cho căn nhà và khuôn viên cũ có đủ để mua căn nhà mới, có phải bù thêm vào hay không? Nói chuyện với chúng tôi, bà Huệ cứ bồn chồn, lo lắng mãi.

Người dân đều đồng thuận di dời để bàn giao mặt bằng phục vụ Dự án Vành đai 4 nhưng vẫn băn khoăn, lo lắng do chưa thống nhất được mức bồi thường. Clip: Minh Ngọc

Ngay sát nhà bà Huệ là khu đất hơn 300m2 của gia đình bà Lê Thị Suốt, biết mình trong diện phải di dời bà cũng nhiều đêm mất ngủ vì lo lắng. "Làng xóm ở đây quần tụ với nhau bao đời, quen nếp ăn ở, nếp nghĩ cùng nhau, giờ sang khu tái định cư có khi lại mỗi người một hướng"- bà Suốt giãi bày tâm sự. Rồi nhà bà chỉ là nhà cấp 4, mức đền bù đương nhiên sẽ thấp hơn, đồng nghĩa với số tiền chênh lệch khi ra khu tái định cư cũng sẽ nhiều hơn. "Bây giờ tôi già cả, chỉ biết trông vào con cháu nên dù biết lo không giải quyết được gì mà vẫn nghĩ ngợi cô chú ạ"- bà Suốt nói tiếp.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Bằng (52 tuổi) cũng ở thôn Khê Ngoại 2 đã sinh sống trên mảnh đất rộng 226m2 (72m2 diện tích đất ở, 152m2 là đất vườn) vốn là đất ông cha để lại từ nhiều đời nay. Theo phương án đền bù, gia đình ông Bằng được trả khoảng 18 triệu đồng/m2 đất ở, còn giá đất vườn là 1 triệu đồng/m2. "Với phương án bồi thường này, dự kiến gia đình tôi vẫn phải bù thêm tiền để mua một suất tái định cư, chưa tính đến việc phải bỏ ra cả trăm triệu, thậm chí tiền tỉ để xây lại nhà mới", ông Bằng nói.

Người nông dân phía sau “siêu” dự án đường Vành đai 4: Rời xa xóm làng, mong được đền bù xứng đáng hơn (Bài 2)- Ảnh 3.

Dự án đường Vành đai 4 (đoạn tuyến qua huyện Mê Linh) có chiều dài khoảng 11,2km, chiếm 19% đoạn tuyến của toàn thành phố Hà Nội, đi qua 5 xã: Văn Khê, Chu Phan, Đại Thịnh, Thanh Lâm, Kim Hoa. Ảnh: HNM

Thiệt thòi vì nhà đang ở được xác định nguồn gốc là đất vườn

Ngõ 12 của thôn Hạ, xã Cự Khê (huyện Thanh Oai) mang đặc trưng những con ngõ ở Hà Nội. Dài, hẹp và sâu hun hút. Chỉ có điều khác biệt là diện tích các nhà ở đây đều rất rộng, trung bình từ 300-700m2, đa phần là đất nông nghiệp, trồng cây lâu năm. Đó cũng chính là lý do khi con ngõ nhỏ này nằm trọn trong phạm vi thu hồi đất để xây dựng đường Vành đai 4, người dân vướng vào không ít lo âu, trăn trở.

Nhà bà Lê Thị Ngân ở cuối ngõ. Diện tích đất từ đời cha ông để lại cho bà là 316m2, hiện có 3 hộ đang sinh sống trên mảnh đất này. Tuy nhiên, cũng giống đa phần các hộ trong ngõ, diện tích này của gia đình bà chỉ được cấp giấy chứng nhận là đất trồng cây lâu năm, đồng nghĩa với  mức giá bồi thường 1 triệu đồng/m2, tính cả tài sản trên đất thì số tiền bà nhận được chỉ khoảng 870 triệu đồng. Và với những hộ không có diện tích đất ở bị thu hồi như gia đình bà sẽ không được bố trí suất tái định cư.

Người nông dân phía sau “siêu” dự án đường Vành đai 4: Rời xa xóm làng, mong được đền bù xứng đáng hơn (Bài 2)- Ảnh 4.

Bà Lê Thị Ngân, thôn Hạ, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai (Hà Nội) chỉ trực khóc khi chia sẻ với Dân Việt về mức bồi thường hơn 1 triệu đồng/m2 cho 316m2 đất vườn của gia đình bà. Ảnh: Minh Ngọc

Tương tự bà Ngân, bà Phạm Thị Đạo khi nhận được thông tin về dự án đường Vành đai 4, bà đã rất đồng thuận bàn giao mặt bằng, hoàn toàn nhất trí với chủ trương thực hiện xây dựng tuyến đường này. Thế nhưng, theo thông báo dự thảo phương án bồi thường, gia đình bà được bồi thường theo giá đất vườn chỉ hơn 1 triệu đồng/m2, không có suất tái định cư. Với mức đền bù hiện tại là 1,1 tỉ đồng cho mảnh đất 700m2, gia đình bà Đạo hoang mang không biết thời gian tới sẽ sinh sống tại đâu.

Bà Đạo cho hay, mảnh đất 700m2 là đất ông cha để lại từ nhiều đời nay. Đây hiện là nơi sinh sống của 3 hộ gia đình (gồm gia đình bà, gia đình con trai cả, gia đình con trai thứ). Năm 2017, gia đình bà được UBND huyện Thanh Oai cấp sổ đất vườn (mục đích sử dụng trên giấy tờ pháp lý là đất trồng cây lâu năm). 

"Mức đền bù với đất trồng cây lâu năm với những trường hợp như nhà tôi là hơn 1 triệu đồng/m2 cũng không sát với thực tế, bởi giá đất hiện tại đối với thửa đất khác cùng vị trí, cùng nguồn gốc là hơn 20 triệu đồng/m2. Như vậy, mảnh đất trồng cây lâu năm 700m2 nhà tôi, sẽ có giá khoảng 14 tỉ đồng", bà Đạo phân trần.

Người nông dân phía sau “siêu” dự án đường Vành đai 4: Rời xa xóm làng, mong được đền bù xứng đáng hơn (Bài 2)- Ảnh 5.

Bà Phạm Thị Đạo, thôn Hạ, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai (Hà Nội) cho rằng mức đến bù giá đất vườn hơn 1 triệu đồng/m2 là không sát với thực tế. Ảnh: Minh Ngọc

Nghịch lý: Giá nhà tái định cư quá cao, tiền đền bù không đủ mua

Cũng là cư dân trong ngõ 12, nhưng nhà ông Phạm Văn Tôn lại có chút khác biệt. Gia đình ông đang sinh sống trong ngôi nhà mái bằng 30m2. "Theo bản đồ cắm mốc, dự án chỉ lấy vào đất của gia đình tôi 3m2, nhưng với 27m2 còn lại tôi không đủ điều kiện để cấp sổ đỏ". Trong trường hợp Dự án thu hồi cả 30m2 đất ông Tôn vẫn không khỏi lo lắng khi chuyển đến khu tái định cư, ông sẽ phải bỏ tiền túi để mua thêm 20m2 đất… vì lý do thửa đất ở khu tái định cư có diện tích nhỏ nhất 50m2. Trong khi giá bồi thường đất giữa "nơi đi – nơi đến" đang có sự chênh lệch quá lớn.

Ông Tôn phân tích, theo mức giá bồi thường mà UBND huyện Thanh Oai dự kiến áp dụng đang là 29,5 triệu đồng/m2. Với 30m2, tổng số tiền ông được nhận bồi thường là 885 triệu đồng. Tuy nhiên, giá đất tại khu tái định cư đang được UBND huyện Thanh Oai phê duyệt dao động từ 52,3-61,3 triệu đồng/m2, chênh gấp đôi so với đền bù, "như thế thì quá thiệt thòi cho người dân chúng tôi".

"Chúng tôi vẫn biết sẽ không có bất cứ sự công bằng tuyệt đối nào, nhưng ngoài an cư chúng tôi mong muốn được an lòng để tiếp tục tin tưởng, chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, mong muốn ấy chúng tôi thiết nghĩ không hề lớn lao, to tát gì", ông Tôn chia sẻ.

Ông Đặng Anh Phương, Chủ tịch UBND xã Cự Khê cho biết, xã đang tổ chức đối thoại với người dân, tìm hướng đề xuất với các cấp để làm tháo gỡ vướng mắc. "Chúng tôi đang thực hiện để làm sao quyền lợi của người dân được đảm bảo, đúng theo quy định của pháp luật. Chúng tôi sẽ giải quyết theo đúng trình tự. Những gì đúng thẩm quyền của xã, đúng thẩm quyền của cấp trên, chúng tôi sẽ giải quyết để đảm bảo đúng quyền lợi của người dân", ông Phương nói.

(còn tiếp)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem