Tại sao người Sán Chỉ ở Pác Nặm phải mất cả chục năm mới xây xong nhà sàn truyền thống?

Chiến Hoàng Thứ hai, ngày 27/06/2022 13:33 PM (GMT+7)
Để gìn giữ những ngôi nhà sàn truyền thống, người Sán Chỉ trên non cao huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn phải gom gỗ từ những ngôi nhà cũ bỏ đi. Trường kỳ tích trữ 5 năm, 7 năm, thậm chí lâu hơn nữa mới đủ vật liệu để làm một ngôi nhà sàn ưng ý.
Bình luận 0

CLIP: Nhà sàn truyền thống của người Sán Chỉ ở Bắc Kạn.

"Trường kỳ" tích gỗ làm nhà sàn truyền thống

Thôn Khuổi Bẻ là một trong ít thôn người Sán Chỉ ở xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn còn giữ lại được những ngôi nhà sàn truyền thống. Không ít khách đường xa phải trầm trồ bởi vẻ đẹp của những ngôi nhà sàn truyền thống trên non cao Pác Nặm này. 

Người Sán Chỉ trên non cao Pác Nặm (Bắc Kạn) gìn giữ nhà sàn truyền thống như thế nào? - Ảnh 2.

Một ngôi nhà sàn truyền thống của người Sán Chỉ đang được thi công tại thôn Khuổi Bẻ, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

Những ngôi nhà sàn truyền thống ở Khuổi Bẻ khá cầu kỳ, được bố trí men theo sườn non, ẩn hiện sau những tàng cây.

Khi chúng tôi đến, ngôi nhà sàn bốn gian, hai chái của anh Hoàng Văn Ních đang được lên khung. Trên mái, dưới sàn, những người thợ sơn tràng đang tỉ mẩn với từng chi tiết nhỏ. 

Chủ nhân ngôi nhà sàn này cho biết, gia đình đã phải ki cóp vật liệu hơn 6 năm trời để làm ngôi nhà trên.

Người Sán Chỉ trên non cao Pác Nặm gìn giữ nhà sàn truyền thống như thế nào? - Ảnh 3.

Anh Hoàng Văn Ních (thôn Khuổi Bẻ, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) chia sẻ về việc nhiều năm gom gỗ làm nhà sàn truyền thống của gia đình. Ảnh: Chiến Hoàng

"Nhà nước đóng cửa rừng rồi, không được khai thác gỗ đâu, nhà mình toàn gỗ cũ tận dụng lại thôi. Mình phải mua từng cái cột nhà cũ của người ta, cứ đâu có người dỡ nhà mình lại tìm đến hỏi mua. Nhưng những ngôi nhà đó cũng cũ rồi nên dùng lại được rất ít.

Ở đây nhà nào cũng vậy, cũng phải sắm từng tấm ván bưng, từ thanh kèo, cái cột cũ cả. Để có được một ngôi nhà sàn ưng ý, nhanh thì cũng phải chừng 4-5 năm, còn bình thường phải gom vật liệu đến 10 năm, thậm chí lâu hơn nữa cơ", Ních chia sẻ.

Nhà Ních khá rộng, nhiều chi tiết cầu kỳ, đặc biệt là chiếc cầu thang lên nhà. Ních bảo, tổng chi phí cho ngôi nhà sàn này ước chừng hơn 300 triệu đồng.

"Nếu để dồn được số tiền này thì khó lắm, đi làm thuê, có được đồng nào mua vật liệu đồng đấy, để dành bao giờ đủ thì làm thôi," Ních bảo. 

Người Sán Chỉ trên non cao Pác Nặm gìn giữ nhà sàn truyền thống như thế nào? - Ảnh 4.

Một người thợ đang thi công phần mái nhà của gia đình anh Hoàng Văn Ních (thôn Khuổi Bẻ, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn). Ảnh: Chiến Hoàng

Hoàng Văn Tây, thợ thi công nhà của Ních cho biết, để dựng được một ngôi nhà sàn bốn gian, hai chái như nhà Ních, thường chi phí khoán khoảng 40 triệu đồng. Đó chỉ là dựng và lợp xong, còn phần khác chủ nhà tiếp tục hoàn thiện.

Mới ngoài 20 tuổi nhưng Tây cũng đã có kinh nghiệm với hơn 40 ngôi nhà sàn ở khắp làng trên, bản dưới. Tây bảo, cái khó và cầu kỳ nhất ở ngôi nhà sàn của người Sán Chỉ chính là cầu thang và cửa, vì đó là bộ mặt ngôi nhà, đòi hỏi tính thẩm mỹ cao.

Người Sán Chỉ trên non cao Pác Nặm gìn giữ nhà sàn truyền thống như thế nào? - Ảnh 5.

Ngôi nhà sàn bốn gian, hai chái của gia đình anh Hoàng Văn Ních tại thôn Khuổi Bẻ, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

"Cửa và cầu thang phải đẹp… ưng bụng chủ nhà mới thuê nên ngoài việc biết kỹ thuật, tôi còn tìm hiểu thêm về phong tục, rồi tham khảo thêm những mẫu nhà đẹp, không tìm tòi là không có việc để làm đâu", Tây cười.

Cách nhà Hoàng Văn Ních chừng 30m là ngôi nhà sàn khang trang của Tô Văn Lý. 

Lý còn khá trẻ, chỉ chừng 24 tuổi nhưng đã có được ngôi nhà rất đẹp. Lý bảo, lúc biết tán gái bản cũng là khi Lý bắt đầu sắm sanh gỗ lạt để làm nhà.

Theo Tô Văn Lý, dồn đến khi có đủ gỗ làm nhà cũng mất gần chục năm. Cứ có tiền là anh lại tìm mua cột, mua kèo nhà cũ về thả xuống ao ngâm. Lý cũng chẳng thể nào tính được bao giờ thì đủ vật liệu làm nhà.

Người Sán Chỉ trên non cao Pác Nặm gìn giữ nhà sàn truyền thống như thế nào? - Ảnh 6.

Anh Tô Văn Lý trong ngôi nhà sàn truyền thống của gia đình tại thôn Khuổi Bẻ, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

Ngôi nhà sàn của Tô Văn Lý đã được cách tân ít nhiều. Lý bảo, ngày trước, nhà sàn người Sán Chỉ quê anh, bếp để trong nhà và mỗi ngôi nhà sẽ đặt hai bếp lửa. 

"Giờ nhà sàn ở đây đều làm bếp ra ngoài rồi. Như thế phù hợp hơn và không bị mùi khi xào nấu," Lý cười. 

Nhà sàn truyền thống phải làm, nhưng quyết không vi phạm pháp luật về rừng

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lý Văn Leo, Bí thư Chi bộ thôn Khuổi Bẻ cho hay, đa phần nhà dân trong thôn là nhà sàn, chỉ khi không gom được gỗ mới phải làm nhà xây. Dù nhà sàn nhiều như thế nhưng chưa có hộ dân nào vi phạm pháp luật về rừng.

Người Sán Chỉ trên non cao Pác Nặm gìn giữ nhà sàn truyền thống như thế nào? - Ảnh 7.

Ông Lý Văn Leo, Bí thư Chi bộ thôn Khuổi Bẻ, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn khi nói về việc thực hiện pháp luật về rừng của người dân địa phương. Ảnh: Chiến Hoàng

"Trước đó, người dân trong thôn chủ yếu làm ruộng, tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, bà con đã chú trọng nhiều đến công tác trồng rừng. Cũng có nhiều hộ có thu nhập đáng kể từ việc trồng rừng, vậy nên, với bà con thôn Khuổi Bẻ, nhà vẫn phải nhà gỗ nhưng rừng thì vẫn phải giữ.

Được tuyên truyền, bà con trong thôn biết và thực hiện rất tốt pháp luật về rừng. Vật liệu để làm nhà của người dân thôn Khuổi Bẻ ngày nay chủ yếu là cây rừng trồng như cây mỡ, cây keo… còn lại là tận dụng gỗ nhà cũ mua được từ các hộ bỏ nhà gỗ làm nhà xây", Bí thư Chi bộ thôn Khuổi Bẻ cho biết thêm.

Hoàng Văn Ních chia sẻ: "Mình được tuyên truyền, được phổ biến và quán triệt về lâm luật rồi, không dám vi phạm đâu. Chịu khó gom góp, lâu ngày rồi cũng đủ, nếu có tiền sẵn thì mua gỗ rừng trồng về làm mới nhanh được nhưng bà con mình ở đây đa phần đều rất khó khăn".

"Đúng là gỗ trên rừng nhiều nhưng chặt là vi phạm pháp luật, biết thế nên đành nhặt nhạnh gỗ cũ về tu sửa lại thôi," Tô Văn Lý cho biết thêm.

Sống ngay cạnh rừng, lại chật vật trong việc kiếm gỗ làm nhà, nhưng người dân thôn Khuổi Bẻ, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn thà gom góp 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa chứ nhất định không xâm hại đến rừng như chính câu nói của Bí thư Chi bộ thôn Khuổi Bẻ đã nhận định: "Nhà vẫn phải nhà gỗ, nhưng rừng thì vẫn phải giữ...".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem