Nuôi đàn ngựa thả trên đồi hoang ở Quảng Ninh, anh chủ "xuống núi" dăm bữa nữa tháng không có ai dám bắt trộm

Chủ nhật, ngày 26/06/2022 19:15 PM (GMT+7)
Xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) có nhiều ngọn đồi hoang, đồng cỏ xanh tốt, giống như những thảo nguyên nhỏ, rất thích hợp với việc chăn thả các đàn ngựa, hứa hẹn cho một loại hình du lịch mới của địa phương...
Bình luận 0

Hành trình lên đồi Khe Và 

Khi tôi đến xã Vô Ngại tìm hiểu về mô hình nuôi ngựa, ông Giáp Văn Ngôn, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã, đã cử một cán bộ chuyên trách đưa đi, đó là anh Mưu, người được coi là có tay lái lão luyện, chuyên đi các thôn, bản vùng sâu, vùng xa. 

Nuôi đàn ngựa thả trên đồi hoang ở Quảng Ninh, anh chủ "xuống núi" dăm bữa nữa tháng không có ai dám bắt trộm - Ảnh 1.

Đàn ngựa ra đón anh Mộc, mỗi khi anh ra thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) rồi trở về trại ngựa.

Đường đến trại ngựa chỉ có một đoạn đường đổ bê tông qua khu dân cư thôn Khe Và, xã Vô Ngại, còn lại khoảng 5km đất đá lổ nhổn. Dù tay lái của anh Mưu rất điêu luyện nhưng đi được khoảng 3km, chúng tôi đành phải vất xe máy dọc đường để cuốc bộ, vì đường quá trơn, do ảnh hưởng từ những cơn mưa của đợt áp thấp nhiệt đới cuối tháng bảy.

Gần đến trại ngựa, anh Chu Văn Mộc, chủ đàn ngựa ra đón và dẫn đường cho chúng tôi. Chúng tôi còn phải cuốc bộ băng qua những khu rừng thông, những ngọn đồi đầy hoa sim, hoa mái tuyệt đẹp. Anh Mộc bảo, bởi trời mưa nên anh mới cuốc bộ, nếu không thì anh đi xe máy đến tận chuồng ngựa.

Kia rồi - anh Mộc chỉ tay về phía ngọn đồi xa xa thấp thoáng bóng một chú ngựa đen. Con ngựa ngẩng cao đầu rồi giơ cao 2 chân lên phía trước như cũng chợt nhìn thấy anh Mộc từ xa. Con ngựa chạy xuống đón anh Mộc, anh Mộc móc trong ba lô đeo sau lưng ra mấy hạt ngô cho ngựa ăn, rồi anh cất tiếng gọi các con ngựa khác cùng đàn.

Chuyện ông chủ Chu Văn Mộc và đàn ngựa

Đàn ngựa của anh Mộc có nhiều màu lông khác nhau, vậy là anh đặt tên cho chúng theo màu lông. Anh Mộc cất tiếng gọi, những con ngựa chạy về, rồi anh nói với ngựa như với những đứa trẻ. Nhìn ngựa và người quấn quýt bên nhau tôi cũng thấy vui lây, liền đến gần đàn ngựa. 

Anh Mộc xua tay và nhắc nhở tôi con ngựa nào có thể đến gần được, con nào không, vì trong đàn có con ngựa rất dữ.

Ngựa là giống nhanh nhẹn và thiện chiến, khi người lạ đến gần, chúng quay ngoắt và tung chân đá hậu rất mạnh. Nếu ai đó vô tình bị ngựa đá trúng người thì chỉ có nằm vài ngày vì đau. Vậy là, anh Mộc mỗi khi có việc xuống thị trấn, cứ an tâm bỏ mặc đàn ngựa trên đồi. Anh Mộc bảo, đã có lần có kẻ mon men rình mò đàn ngựa của anh rồi bị ngựa đá cho, may mà còn chạy thoát được.

Nuôi đàn ngựa thả trên đồi hoang ở Quảng Ninh, anh chủ "xuống núi" dăm bữa nữa tháng không có ai dám bắt trộm - Ảnh 3.

Ngựa thích sống ở những nơi có đồng cỏ rộng thoáng đãng như ngọn đồi Khe Và (thôn Khe Và, thị trấn Bình Liêu).

Tôi thấy thật lạ, bởi quãng đường chúng tôi đi lại rất khó khăn mà sao anh Mộc vẫn đưa được đàn ngựa lên đây. Anh Mộc cười bảo rằng, chuyện đưa ngựa lên đồi còn dễ hơn là cho trẻ ăn kẹo, vì ngựa là loài có sức khỏe, chân móng guốc đơn giúp chúng leo đồi rất giỏi, không bị trơn trượt như trâu, bò.

Cổ nhân có câu “Ngựa quen đường cũ”, nên việc chăn ngựa của anh Mộc cũng dễ dàng hơn nhiều, vì ngựa dù đi xa, cả những ngày sương mù dày đặc hay đêm tối chúng vẫn nhớ đường về. Trước đây một thời, anh Mộc đã làm chuồng ngựa ở thôn Nà Cắp (xã Vô Ngại), gần trung tâm thị trấn Bình Liêu. 

Anh năng động chuyển đổi một số cánh đồng trồng lúa sang trồng cỏ cho ngựa, nhưng sau anh Mộc nhận thấy đây không phải là phương án lâu dài, vì đàn ngựa muốn phát triển tốt thì cần có diện tích đồng cỏ lớn hơn, vậy là anh đưa đàn ngụa đến Khe Và.

So với động vật thì ngựa có lối sống cao thượng, chúng không sống bẩn thỉu, hay chui rúc vào các bụi cây như trâu, bò. Ngựa thích sống ở nơi có đồng cỏ rộng, chúng có dáng đi khoan thai và luôn ngẩng cao đầu, từ lối sống này mà việc nuôi và quản lý đàn ngựa của anh Mộc cũng dễ dàng hơn, vì anh dễ dàng phát hiện ngựa từ xa và biết được nơi chúng không đến mỗi khi đi tìm. 

Ngựa không có mũi thính như chó, nhưng chúng có tai nghe rất tốt, nên có khi anh Mộc đi ra thị trấn Bình Liêu trở về cách chuồng ngựa gần trăm mét mà chúng đã phát hiện ra tiếng xe máy của anh và cất tiếng hí vang chào đón.

Nuôi đàn ngựa thả trên đồi hoang ở Quảng Ninh, anh chủ "xuống núi" dăm bữa nữa tháng không có ai dám bắt trộm - Ảnh 5.

Ngựa giống như những người bạn thân của anh Mộc.

Anh Mộc gắn bó với việc nuôi ngựa từ khi còn là một cậu bé. Khi ấy, các con đường ở xã Vô Ngại rất xấu, gồ ghề lại phải lội qua nhiều con suối, đi bằng xe máy cũng khó, chỉ có ngựa là thồ tốt nhất. Vì vậy, các hộ trồng hồi trong xã khi đến vụ thu hoạch hồi đều thuê ngựa nhà anh Mộc để chuyên chở quả hồi và nhiều loại hàng hóa khác nữa.

Hứa hẹn sản phẩm du lịch mới 

Khi du lịch đang được đẩy mạnh vào Bình Liêu, xã Vô Ngại giáp với thị trấn Bình Liêu là nơi có đông du khách, do vậy anh Mộc thấy cần có một sản phẩm du lịch gì đó để níu chân du khách khi đến đây.

Vì vậy, anh Mộc cùng người em trai là Chu Văn Trình đã cất công sang tận tỉnh Bắc Giang để mua 20 con ngựa giống, đầu tư chuồng ngựa hết gần 400 triệu đồng, trong đó anh được vay hỗ trợ lãi suất 200 triệu đồng từ nguồn xây dựng nông thôn mới. 

Ngựa tỏ ra rất hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của Bình Liêu, nên chúng lớn rất nhanh. Khi mới mua, ngựa con nặng chừng 20kg, thế nhưng chỉ sau hơn 1 năm, ngựa đã nặng hàng tạ, cao khoảng 1,7m khi chúng ngẩng đầu.

Anh Mộc bảo: Thức ăn chính của ngựa là lúa, các loại cỏ (trừ cỏ ống). Tuy cũng là loài móng guốc như trâu, bò, nhưng ngựa rất ít bị lở mồm long móng hay các dịch bệnh khác. Ngựa rất khỏe, ngựa non ra đời chỉ vài tiếng là chạy theo mẹ kiếm ăn. Hiện nay đàn ngựa nhà anh Mộc đã sinh sản được thêm 4 chú ngựa con.

Nuôi đàn ngựa thả trên đồi hoang ở Quảng Ninh, anh chủ "xuống núi" dăm bữa nữa tháng không có ai dám bắt trộm - Ảnh 6.

Anh Mộc từng nuôi đàn ngựa ở thôn Nà Cắp, nhưng thấy không phù hợp vì gần khu dân cư, thiếu đồng cỏ không thể phát triển lâu dài.

Ông Ngô Tiến Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Vô Ngại (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) rất tâm đắc với mô hình nuôi ngựa tại xã. Trước mắt, các đàn ngựa phát triển tốt và rất thích hợp với khí hậu thổ nhưỡng của Bình Liêu, từ đó việc nhân đàn ngựa sẽ có nhiều thuận lợi.

Ông Chung cho hay, ông cũng đã đến tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để xem và nghiên cứu mô hình du lịch từ ngựa. Ở đó họ có xiếc ngựa, đua ngựa, dịch vụ cho du khách cưỡi ngựa và đi xe ngựa đã tạo cảm hứng cho nhiều du khách khi đến địa phương du lịch. 

Xã Vô Ngại có khu vực đồi Khe Và có nhiều đồng cỏ rộng, có thể quy hoạch thành khu vực chăn thả ngựa..., tương lai rồi sẽ tính đến phát triển các dịch vụ du lịch về ngựa, vì nơi đây có quỹ đất rộng và cảnh quan đẹp.

Thời gian qua, do dịch bệnh Covid-19 hoành hành nên du khách không đến được với Bình Liêu. Có người thấy anh Mộc khó khăn khi tiếp tục duy trì đàn ngựa, liền tư vấn với anh bán ngựa làm thịt. Anh Mộc không đồng ý, vì từ lâu anh đã coi ngựa như những người bạn, dù cuộc sống khó khăn đến mấy anh cũng chẳng để ai giết thịt “bạn” mình.

Anh Mộc dự kiến, nếu dịch Covid-19 vẫn kéo dài, thì anh sẽ thuần lũ ngựa làm công việc chở hàng, chở nhựa thông cho những người thu hoạch nhựa thông hay quế, hồi theo mùa vụ. Vì hiện nay nhiều con đường lên rừng của Bình Liêu vẫn chưa có đường bê tông, nếu có dịch vụ chở hàng bằng ngựa thì nhiều người sẽ cần đến. Khi Covid-19 được đẩy lùi, anh sẽ huấn luyện dần đàn ngựa phục vụ du lịch, đem lại niềm vui cho du khách khi đến Bình Liêu...


Công Thành (Báo Quảng Ninh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem