Người viết nhạc đi mở cung đường Tây Bắc

Nhóm PV Chủ nhật, ngày 03/09/2023 07:00 AM (GMT+7)
"Ba đang làm gì thế? Chẳng biết lúc nào về. Con đang ngồi chờ cửa, trời lất phất hạt mưa..", Giang mở lên bài hát thu âm vội cho chúng tôi nghe, kể rằng đó là những lời tâm sự với con trong lúc vắng nhà.
Bình luận 0

Những giai điệu nở từ lán công trường

Là kỹ sư ngành cầu đường, chuỗi ngày bám công trường của Giang dài đằng đẵng. Lúc chúng tôi gặp nhau, Giang cùng các anh em cán bộ Ban Quản lý số 2, Bộ GTVT đang căng mình trên những cung đường cũ nát của Quốc lộ 279, Quốc lộ 32 để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp tuyến kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc.

"Em được cấp trên thông báo giao nhiệm vụ vào tháng 7/2022. Khăn gói lên đường, đến tháng 8 thì bắt đầu triển khai dự án. Từ đó đến nay đã 1 năm bám công trường", Nguyễn Nam Giang, kỹ sư Ban Quản lý số 2, Bộ GTVT chia sẻ.  Ngày đầu lên dự án, ấn tượng của Giang là những cung đường vô cùng khó đi, gồ ghề và nguy hiểm vô cùng. Xe cỡ lớn, container, chở theo hàng hóa, quặng.. thường xuyên bị mất tầm nhìn ở những khúc cua. "Vì đường quá nhỏ hẹp, xấu và nguy hiểm nên xe kinh doanh vận tải chủ yếu phải đi đường 4D, xa hơn rất nhiều" Giang nói.

Người viết nhạc đi mở cung đường Tây Bắc - Ảnh 1.

Nguyễn Nam Giang, kỹ sư Ban Quản lý số 2, Bộ GTVT.

Đa số cán bộ, kỹ sư Ban 2 đều có gia đình ở Hà Nội, nhưng bởi khoảng cách địa lý, thời gian đi lại quá lâu nên những chuyến về thăm nhà cũng bị kéo giãn. Nguyễn Nam Giang có chút đặc biệt hơn, bên cạnh công việc cầu đường bụi bặm, chàng kỹ sư trẻ tuổi còn giữ vai trò nhà sản xuất của một nhóm nhạc indie khá nổi tiếng trong cộng đồng Rock Hà Nội – Mủn Gỗ. Thực ra, những thành công trong âm nhạc, từng xuất hiện nhiều lần trên truyền hình, cũng đã đủ cho Giang có thu nhập tốt, cuộc sống thoải mái, ổn định và gần gia đình.

"Nhưng vì sao em vẫn bám đường, rong ruổi những chuyến dài đi và xa xôi?"

"Ngành cầu đường vất vả, vôi vữa, nhưng em nghĩ em đam mê những thứ xung quanh nó. Đi đứng, thăm thú, tìm hiểu về văn hóa, có thêm nhiềm kinh nghiệm sống. Ngành giao thông đi đây đi đó, có đôi khi em hòa đồng hẳn vào cuộc sống của người dân. Như ở đây, em sống, được hiểu rõ phong tục tập quán, ẩm thực.. em thích điều đó. Đó là một phần của tình yêu công việc hiện tại. Còn âm nhạc, nếu kịp tranh thủ, em vẫn sinh hoạt cùng nhóm", chàng kỹ sư trẻ giãi bầy.

Người viết nhạc đi mở cung đường Tây Bắc - Ảnh 2.

Nguyễn Nam Giang trong một show diễn cùng nhóm Mủn Gỗ. Ảnh chụp màn hình.

Có lẽ, chỉ có tình yêu công việc mới giúp những kỹ sư cầu đường như Giang đủ kiên trì, vượt qua sự chơi vơi mỗi đêm để đuổi tiến độ công trường. Bởi riêng với Giang, đứa con đầu lòng 2 tuổi, cái tuổi đáng yêu nhất của con trẻ càng khiến nỗi nhớ càng trở nên vời vợi.

"Bám công trường rõ ràng là công việc. Nhớ vợ nhớ con thì chắc chắn rồi, con em đang bi bô tập nói, khám phá thế giới xung quanh, dần biết đưa ra quan điểm cá nhân nhưng em lại ít ở bên, cũng buồn anh ạ. May có ông bà nội, giúp đỡ phần nào. Ngoài nhớ gia đình, còn nhớ anh em bạn bè, nhiều nỗi nhớ nhưng phải vượt qua thôi", Giang tâm sự.

"Ba xin lỗi, nhiều lần thất hứa con. Đi tô tượng rồi vào công viên chơi. Chờ ba nhé, công trình ba sắp xong. Con yên lòng, say giấc mong ba về".

Bám đường, bám dân

7 năm trong nghề, 2 dự án Nguyễn Nam Giang từng tham gia đều là những dự án giao thông trọng điểm gồm cao tốc Hà Nội – Bắc Giang; nâng cấp mở rộng kết nối các tỉnh Tây Bắc. Chàng kỹ sư hiểu rõ ý nghĩa khi những con đường thông tuyến.

Ở Tân Uyên, số người về sống, làm việc và học tập ở Hà Nội không ít. Có những gia đình cả 2 vợ chồng cùng đi. Muốn về thăm nhà, nhiều lúc họ phải cắt cử luân phiên phải ngồi trên xe khách mất đến 7-8 giờ đồng hồ, cung đường đi lại quá khó khăn nên giá cước vận tải hành khách cao.

Người viết nhạc đi mở cung đường Tây Bắc - Ảnh 3.

Tuyến Quốc lộ 279 nhỏ hẹp, hoạt động thông thương, đi lại của người dân rất khó khăn.

Có lần, người đồng nghiệp làm ở phòng thí nghiệm gói XL05 của Giang có con ốm, nhìn cảnh người bạn tất tả đi lại đêm hôm mà chua xót. Giang mong sau này có con đường lớn, quãng đường sẽ được nối gần hơn. Gần hơn, nghĩa là có cuộc sống tốt hơn.

Ngay cả việc đi lại ở địa phương cũng không dễ dàng, đặc biệt là với những em nhỏ. "6h sáng, các thấy các em cuốc bộ trên con đường mây phủ, sương mờ. Đường lại nhỏ, rất nguy hiểm. Chính vì vậy khi mới lên, Công tác đoàn đã xác định, phục vụ cho các em nhỏ tiểu học", Giang chia sẻ.

Thực chất, với địa bàn tuyến đường có nhiều bà con dân tộc thiểu số, đôi khi nói về những mục tiêu quá vĩ mô sẽ khó mang lại kết quả. Ban đầu, việc thực hiện dự án chưa nhận được sự đồng thuận của người dân nên công tác GPMB gặp phải bất cập. "Ban đầu bà con chưa hiểu, chúng em còn bị mắng rất gay gắt", Giang chia sẻ.

Xác định để đường làm nhanh, bám dân là điều tiên quyết. Cần nhanh chóng đặt ra ưu điểm mang tính ngay lập tức với người dân khi đường mở. Nên từ ngày mới tiếp cận địa bàn, Nguyễn Nam Giang cũng như anh em kỹ sư, cán bộ Ban 2 sớm tìm tòi nên làm gì trong vai trò thanh niên, kết hợp với chuyên môn thì nhận thấy các em nhỏ đi học là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, Bí thư xã Pắc Ta (huyện Tân Uyên, Lai Châu) cũng đã lên các chiến lược phát triển ngành nghề nông nghiệp. Có con đường mới, sẽ thông thương, đời sống sẽ đi lên.

Từ đó, qua từng bước vận động, sinh hoạt, hòa đồng với người dân, đồng thời đã tổ chức một vài sự kiện ý nghĩa. Những khoảng cách dần được xóa bỏ, tiến độ từng gói thầu cũng có sự cải thiện rõ rệt.

"Dịp Tết Độc lập 2/9 là ngày lễ lớn bậc nhất trong năm của đồng bào Tây Bắc, bà con cũng tha thiết mời anh em kỹ sư ở lại tham gia. Đó là tấm thịnh tình chúng em đã được nhận", Nguyễn Nam Giang chia sẻ.

Người viết nhạc đi mở cung đường Tây Bắc - Ảnh 4.

Căn nhà Ban chỉ huy công trường gói XL-05 do một hộ dân thuộc diện GPMB chủ động cho thuê.

Biết rằng khi cung đường rút ngắn, Giang cùng các cán bộ, kỹ sư Ban 2, các nhà thầu sẽ lại chuyển tới địa điểm khác, nơi cần có những con đường. Nhưng nghĩ tới ý nghĩa thực tiễn là phục vụ người địa phương, cho chính những người tiếp xúc với mình hằng ngày họ vẫn thấy ý nghĩa lớn lao của công trình mình chung tay góp sức.

"Đến nay, bà con dân bản, chính quyền địa phương đều rất trông mong vào công trình của mình làm, mình làm được, làm tốt bởi nó mang lại nguồn lợi quá lớn cho xã hội. Bởi vậy anh em trong ngành cầu đường chúng em rất tự hào, người đi trước mở đường mà anh", Giang nói, đồng thời bày tỏ kỳ vọng đáp ứng đúng tiến độ lãnh đạo Bộ GTVT đề ra là vào 31/12/2024.

"Rồi đây, khi tuyến mới thành hình rõ nét, người dân có thể đứng trên đồi cao, ngắm những con đường uốn lượn. Tự hào lắm! Đi đâu cũng khoe với mọi người được, giá trị hữu hình như thế", Nguyễn Nam Giang chia sẻ.

Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc có tổng mức đầu tư là hơn 5.300 tỷ đồng, tương đương hơn 235 triệu USD, gồm vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trị giá hơn 187 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc gần 4,5 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là hơn 43 triệu USD.

Dự án có tổng cộng 11 gói thầu, được chia thành 2 tuyến. Tuyến thứ nhất nối từ thành phố Lai Châu đến nút giao IC16 cao tốc Hà Nội - Lào Cai, với chiều dài 147 km nâng cấp đường cấp 4 cấp 5 miền núi lên thành. Tuyến thứ 2 từ Thị xã Nghĩa Lộ về nút giao IC14, dài 53 km, nâng cấp đường cấp 5, cấp 6 lên thành thành đường cấp 4 miền núi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem