Nguy cơ thiếu điện cận kề, Bộ Công Thương đề xuất xây nhà máy điện hạt nhân cỡ nhỏ
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các bộ, ngành và các bên liên quan đề nghị tham gia ý kiến cho dự thảo báo cáo Thủ tướng về đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch điện VIII, trong đó Bộ đưa thông tin chi tiết về các nguồn điện lớn như nhiệt điện, điện tái tạo và điện khí hoá lỏng.
Bộ Công Thương cho biết, nguồn điện sử dụng khí trong nước và khí hóa lỏng tự nhiên (LNG) mục tiêu của Quy hoạch điện VIII tổng công suất đến năm 2030 là 30.424 MW.
Song đến nay khá ít các dự án được đưa vào vận hành (chỉ có Nhiệt điện Ô Môn I). Các nhà máy khác như Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 sử dụng LNG từ Kho cảng LNG Thị Vải đang được triển khai xây dựng.
Việc xây dựng hai dự án nói trên cũng chỉ dự kiến vận hành vào năm 2025, nên mục tiêu đạt hơn 30.000 MW điện khí LNG là khó khả thi.
Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh ấy giai đoạn 2026-2030 sẽ thiếu hụt cục bộ công suất điện và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh năng lượng do thiếu hụt cung ứng.
Các nguồn điện khác như than, Quy hoạch điện VIII, tổng công suất lắp đặt đến năm 2030 sẽ đạt 30.127 MW và đến năm 2050 Việt Nam không sử dụng nhiệt điện than phát điện theo đúng cam kết đưa phát thải ròng về 0%.
Chính vì vậy, năm 2030, nhiệt điện than bổ sung đưa vào vận hành là 3.383 MW và sau năm 2030 không phát triển thêm.
Bộ Công Thương cho biết, hiện có 5 dự án trong quá trình xây dựng, 5 dự án chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông, thu xếp vốn.
Riêng dự án nhiệt điện Công Thanh đã được Thủ tướng đồng ý xem xét chủ trương nghiên cứu về việc chuyển đổi nhiên liệu sang sử dụng LNG trong quá trình rà soát Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, còn dự án nhiệt điện Quảng Trị I đã chấm dứt đầu tư.
Bộ Công Thương, các dự án nhiệt điện không nhận được sự đồng thuận của các địa phương cũng như các tổ chức tín dụng... Vì thế, nguồn nhiệt điện than mới có tính khả thi không cao.
Với điện gió, quy hoạch nguồn điện gió trên bờ và gần bờ đến năm 2030 công suất đạt 21.880 MW, năm 2050 có tổng công suất lắp đặt từ 60.050-77.050 MW. Tuy nhiên, tổng công suất lắp đặt đến nay chỉ đạt 3.061 MW. Vì thế, quy mô công suất theo quy hoạch cũng rất khó khăn.
Trong khi, điện gió ngoài khơi vẫn đang chờ chủ trương và cơ chế để huy động các tập đoàn lớn tham gia, trong đó có EVN, PVN. Tính đến nay, Việt Nam chưa có dự án nào được cấp chủ trương đầu tư, giao nhà đầu tư để thực hiện. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra năm 2030 điện gió ngoài khơi phải đạt 6.000 MW và 70.000-91.000 MW vào năm 2050.
Từ thực tế thiếu hụt nguồn điện và các kịch bản phát triển thiếu cân đối của các nguồn điện, Bộ Công Thương đề xuất nghiên cứu phương án tăng phát triển điện mặt trời và nghiên cứu giải pháp phát triển năng lượng hạt nhân lò phản ứng mô đun nhỏ, bao gồm nhà máy điện hạt nhân nổi.
Trước đó, Quy hoạch điện VIII chưa xác định việc phát triển điện hạt nhân. Bộ Công Thương giải thích: Các lò phản ứng mô đun nhỏ (công suất khoảng 300 MW mỗi tổ máy, bằng 1/3 công suất phát của các lò phản ứng điện hạt nhân truyền thống), cộng với việc nhiều nước trên thế giới đang triển khai nguồn điện này, việc Việt Nam nghiên cứu giải pháp phát triển năng lượng hạt nhân lò phản ứng mô đun nhỏ, bao gồm nhà máy điện hạt nhân nổi trong tương lai là có thể xem xét.
Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho phép điều chỉnh Quy hoạch điện VIII và cho biết, nếu các nguồn điện được phê duyệt tại Quy hoạch điện VIII không đáp ứng tiến độ thì cung ứng điện trong các năm 2025-2030 hết sức khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện.