Nguyên nhân đau lòng khiến "hoàng tử ếch" Nguyễn Hữu Việt đột ngột qua đời

Xuân Bình Thứ bảy, ngày 26/03/2022 13:10 PM (GMT+7)
Từng chiến thắng bệnh hen suyễn để đoạt ba HCV lịch sử ở SEA Games, nhưng giữa một ngày nắng đẹp ở Hà Nội, "Hoàng tử ếch" Nguyễn Hữu Việt đã không thể vượt qua cửa tử.
Bình luận 0

Nói tới bơi Việt Nam giai đoạn 2004-2009, người đầu tiên phải được nhắc tên là Hữu Việt. Kình ngư quê Thuỷ Nguyên, Hải Phòng không chỉ đem về HCV bơi đầu tiên cho Việt Nam ở SEA Games kể từ khi hội nhập, mà còn lập kỷ lục Đại hội đầu tiên.

Nguyên nhân đau lòng khiến "hoàng tử ếch" Nguyễn Hữu Việt đột ngột qua đời  - Ảnh 1.

Hữu Việt ăn mừng sau khi phá kỷ lục SEA Games năm 2009 tại Vientiane, Lào. Ảnh chụp màn hình

13/12/2009, tại bể bơi thuộc Khu liên hợp thể thao quốc gia Lào, sự chú ý của truyền thông khu vực dồn vào nội dung 100m ếch tại SEA Games 25. Đương kim vô địch Nguyễn Hữu Việt vấp phải sự cạnh tranh của kình ngư Indonesia Indra Gunawan. Gunawan lập kỷ lục Đại hội ở vòng loại sáng hôm đó, với thành tích 1 phút 02,59 giây, nhanh hơn Hữu Việt 0,82 giây. Cơ hội giành HCV SEA Games thứ ba liên tiếp của kình ngư Việt Nam bị đe doạ.

Tối cùng ngày, cả hai vào thi chung kết, lần lượt ở làn bơi số 4 và 5. Sau 50 m đầu tiên, Gunawan dẫn đầu với cách biệt 0,14 giây so với Hữu Việt. Gunawan đã có thể hoàn thành phần thi với kỷ lục mới ở SEA Games, nếu như Hữu Việt không làm tốt hơn. Kình ngư số một Việt Nam khi đó nước rút thần tốc và chạm đích đầu tiên với cách biệt 0,32 giây so với Gunawan. Sau khi biết mình về nhất và lập kỷ lục SEA Games, Hữu Việt đưa tay lên miệng ra hiệu im lặng, rồi vung nắm đấm lên cao để ăn mừng.

Anh không quên động viên Gunawan, rồi mới rời bể. Đại diện Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam thưởng nóng cho Hữu Việt 20 triệu đồng.

Nguyên nhân đau lòng khiến "hoàng tử ếch" Nguyễn Hữu Việt đột ngột qua đời  - Ảnh 2.

Chung kết 100m ếch nam ở SEA Games 2009 tại Lào.

"Tôi rất hạnh phúc khi đoạt HC vàng và lập kỷ lục SEA Games", anh nói khi đó. "Đây là HCV  đầu tiên của đội tuyển bơi Việt Nam năm nay, và tôi hy vọng các đồng đội có thể làm tốt hơn".

Mong ước của Hữu Việt không thành hiện thực, khi chỉ anh đem về HCV cho bơi Việt Nam tại Vientiane. Trong ba HCV của Hữu Việt tại SEA Games 2005, 2007 và 2009 ở nội dung 100m ếch, cũng không có kình ngư Việt Nam nào khác làm được dù chỉ một lần.

Tài năng bơi lội của Hữu Việt bộc lộ từ nhỏ, khi anh đến với đường đua xanh lúc 7 tuổi. Hai năm sau, anh đoạt HCV U10 toàn quốc nội dung 50m ếch. Năm 14 tuổi, anh vô địch quốc gia, và bắt đầu được Hải Phòng cử đi tập huấn ở Trung Quốc. "Cứ như trời sinh ra Hữu Việt để bơi ếch", HLV Chu Thị Bằng - người phát hiện ra tài năng của Hữu Việt - nói. "Cậu ấy sớm bộc lộ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các động tác, còn thông số 100m và 200m ếch cứ tăng dần qua mỗi năm".

Nội dung bơi ếch nam là mũi nhọn của bơi Việt Nam những năm đầu hội nhập trở lại khu vực. Tại SEA Games 2001 ở Kuala Lumpur, Malaysia, kình ngư Quảng Bình Trần Xuân Hiền đem về huy chương đầu tiên cho bơi Việt Nam trong lịch sử Đại hội, khi về nhì với thành tích 1 phút 04,94 giây.

Nhưng Xuân Hiền mất suất dự SEA Games 2003 tại Việt Nam vào tay tài năng 15 tuổi Nguyễn Hữu Việt. Thất bại này cũng khiến Xuân Hiền giải nghệ ở tuổi 22. Năm 2013, kình ngư Quảng Bình bất ngờ qua đời vì tai nạn giao thông, ở tuổi 31.

Bơi Việt Nam mất Xuân Hiền, để đầu tư cho Hữu Việt, và quyết định này không hề sai lầm. Dù Hữu Việt chỉ đạt thành tích 1 phút 04,77 giây và nhận HCĐ ở SEA Games 22, anh vẫn tiếp tục được đầu tư với những chuyến tập huấn Trung Quốc dài hạn. Cũng từ đó, chuyên gia người Trung Quốc Hoàng Quốc Huy được giao nhiệm vụ kèm cặp cá nhân với Hữu Việt.

Sự đầu tư của thể thao Hải Phòng và Việt Nam đem đến quả ngọt, khi Hữu Việt đoạt HCV lịch sử ở SEA Games 2005 tại Manila, Phillipines. Anh đạt kết quả 1 phút 03,80 giây ở nội dung 100m ếch, nhanh hơn người về nhì Vorrawuti Aumpiwan chỉ 0,21 giây. Đáng chú ý là ở vòng loại, Hữu Việt chỉ đứng thứ tám, vị trí cuối cùng có suất vào chung kết, và anh cũng phải bơi ở làn số 8 tại chung kết.

Đoạt HCV SEA Games đầu tiên cho một môn thể thao quan trọng như bơi, Hữu Việt được bình chọn là VĐV tiêu biểu Việt Nam năm 2005. Anh được 1.153 điểm, hơn 41 điểm so với kỳ thủ Nguyễn Ngọc Trường Sơn - người giành tới bốn HCV cho Việt Nam ở SEA Games. Kình ngư Hải Phòng còn về thứ hai trong cuộc bầu chọn này năm 2009, sau Vũ Thị Hương. Ngoài kỷ lục SEA Games năm đó, Hữu Việt còn đoạt một HCB và một HCĐ ở Đại hội thể thao trong nhà châu Á tại Hà Nội.

Nguyên nhân đau lòng khiến "hoàng tử ếch" Nguyễn Hữu Việt đột ngột qua đời  - Ảnh 3.

Nguyễn Hữu Việt nhận HCV bơi 100m ếch tại SEA Games 2009 ở Vientiane, Lào. Ảnh: FBNV

Sự nghiệp của một VĐV đỉnh cao thường đối mặt nhiều khó khăn, với những chuyến tập huấn và thi đấu quốc tế dài ngày. Với Hữu Việt, khó khăn ấy càng nhân lên gấp nhiều lần do bị hen suyễn mãn tính. Căn bệnh này có thể tái phát bất cứ lúc nào, và rất nguy hiểm nếu không được cứu chữa kịp thời.

Sau ba HCV liên tiếp ở SEA Games, Hữu Việt trắng tay ở Đại hội năm 2011. Nhưng bơi Việt Nam vẫn có người kế cận xứng đáng cho anh, khi tài năng trẻ Hoàng Quý Phước giành tới hai HCV. Đó là một trong những lý do giúp Hữu Việt yên tâm giải nghệ ở tuổi 23. Một lý do khác, cũng chính là căn bệnh hen suyễn.

"Con trai tôi rời xa đường đua xanh và tự hào với những cống hiến cho đội tuyển sau nhiều năm ròng tập luyện, thi đấu", mẹ của Hữu Việt - bà Nguyễn Thị Thảo Nhung - nói khi đó. "Hữu Việt đã chuẩn bị tinh thần cho bước ngoặt này từ lâu, để chữa trị dứt điểm bệnh suyễn, đồng thời tập trung cho những kế hoạch tiếp theo của bản thân".

Sau khi giải nghệ, Hữu Việt theo học ở Đại học TDTT TP.HCM, rồi trở thành HLV tại Hải Phòng. Với những đóng góp cho thể thao Việt Nam, anh được Hải Phòng cấp một mảnh đất 200m2. Sự nghiệp của Hữu Việt trên đường đua xanh khép lại trọn vẹn.

Chỉ có điều, anh không thể điều trị dứt điểm căn bệnh hen suyễn. Tối 24/3, Hữu Việt vẫn xuất hiện ở sân Mỹ Đình để cổ vũ Việt Nam thi đấu với Oman tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 - khu vực châu Á. Sáng hôm sau, trong lúc tắm, căn bệnh này tái phát khiến anh ngừng thở, và ra đi mãi mãi.

Tâm nguyện của Hữu Việt ngày nào đã thành hiện thực, khi thế hệ kình ngư hậu bối, đặc biệt là Nguyễn Thị Ánh Viên, đã đưa bơi Việt Nam lên hàng đầu khu vực. Nhưng khi nhắc đến huyền thoại đầu tiên của bơi Việt Nam, Hữu Việt sẽ mãi đứng ở vị trí trang trọng nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem