Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Sáp nhập tỉnh không phải để cho…to, tránh nhập xong lại phải tách

Quỳnh Nguyễn Thứ sáu, ngày 16/07/2021 07:00 AM (GMT+7)
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, sáp nhập các tỉnh không phải để cho... to mà để phát huy các nguồn lực, tổ chức bộ máy cho hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt, cần tránh những tồn tại của giai đoạn trước là tổ chức sáp nhập rồi lại phải chia tách.
Bình luận 0

Không chia tách, chỉ sáp nhập

Bộ Nội vụ vừa dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.

Trong đó, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính phù hợp với từng loại hình; đặc biệt là các đơn vị hành chính đô thị, nơi có yếu tố đặc thù về an ninh, quốc phòng, miền núi, vùng cao.

Bộ Nội vụ đề nghị bổ sung quy định về tiêu chuẩn của thành phố thuộc thành phố, gồm các tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, loại đô thị và cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng có phân biệt cao hơn so với các đô thị cấp huyện khác.

Cụ thể, như quy mô dân số từ 250.000 người trở lên (quận là 200.000 người, thành phố thuộc tỉnh là 180.000 người, thị xã là 120.000 người); diện tích tự nhiên từ 150 km2 (giữ nguyên như quy định hiện nay); tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã từ 70% trở lên (thành phố thuộc tỉnh là 65%, thị xã là 50%).

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Sáp nhập tỉnh để phát huy tối đa các nguồn lực - Ảnh 1.

Việc sáp nhập các tỉnh, huyện, thị xã sẽ dựa trên tiêu chí về diện tích và quy mô dân số. Ảnh: Minh Khôi

Ngoài ra việc sắp xếp còn căn cứ vào trình độ phát triển đô thị từ loại II trở lên (thành phố thuộc tỉnh là loại III, thị xã là loại IV); cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt tiêu chuẩn quy định (tiêu chuẩn cụ thể ban hành kèm theo Nghị quyết).

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ đề nghị sửa đổi quy định về tiêu chuẩn quy mô dân số của tỉnh, huyện, xã miền núi, vùng cao theo hướng tỉnh, huyện, xã miền núi, vùng cao có diện tích tự nhiên rộng hơn từ 150% trở lên so với mức tiêu chuẩn chung thì quy mô dân số được giảm 25% so với quy định để phù hợp với đặc thù của đơn vị hành chính miền núi, vùng cao có diện tích tự nhiên lớn, địa hình phức tạp, dân số ít.

Bộ cũng đề nghị sửa đổi quy định về tiêu chuẩn quy mô dân số của thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận theo hướng tăng tiêu chuẩn này để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Đồng thời, sửa đổi quy định về tiêu chuẩn diện tích tự nhiên của thị xã từ 100 km2 trở lên để phù hợp với quy mô của thị xã trong tổng thể đơn vị hành chính đô thị ở cấp huyện; sửa đổi tiêu chuẩn của đơn vị hành chính ở hải đảo theo hướng làm rõ tiêu chuẩn về loại đô thị khi thành lập đơn vị hành chính đô thị ở hải đảo. Theo đó, đơn vị hành chính đô thị ở hải đảo sẽ được cấp có thẩm quyền công nhận loại tương ứng trước khi thành lập.

Bộ Nội vụ lưu ý, không thực hiện chia đơn vị hành chính các cấp, trừ trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu về bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh do Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Bài học từ việc tách-nhập tỉnh

Về đề xuất sáp nhập điểm một số tỉnh mà Bộ Nội vụ vừa đưa ra, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng cần cân nhắc rất kỹ, đánh giá kết quả đạt được và chưa đạt được trong việc sáp nhập các tỉnh thời gian qua.

Ông Dĩnh cho biết, phải xây dựng các tiêu chí dựa trên đề xuất mà Bộ Nội vụ đã trình. Trên cơ sở quyết định về các tiêu chí đó mới sắp xếp và quyết định cụ thể là sẽ sáp nhập tỉnh, thành nào.

"Đề xuất của Bộ Nội vụ phù hợp với chủ trương chung của Đảng, Nhà nước mà chúng ta phải thực hiện. Tuy nhiên, khác với việc tách tỉnh, sáp nhập tỉnh sẽ đồng nghĩa với yêu cầu bộ máy ngày càng tinh gọn, tinh giảm con người, đó là một vấn đề khó khăn", ông Dĩnh nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Sáp nhập tỉnh để phát huy tối đa các nguồn lực - Ảnh 3.

Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cần cân nhắc phân tích kỹ lưỡng các bài học trước khi tiến hành sáp nhập tỉnh. Ảnh: BNV

Ông Dĩnh nói thêm, thông thường một đơn vị hành chính dựa vào hai chỉ tiêu cơ bản là dân số và diện tích tự nhiên. Hai chỉ tiêu đó gắn với phong tục tập quán, văn hoá cũng như trình độ phát triển, điều kiện tự nhiên của từng khu vực. Cần cân nhắc trước khi sắp xếp lại cho phù hợp, đảm bảo hiệu quả, tránh "lợi bất cập hại".

Ông Dĩnh nêu dẫn chứng, các tỉnh cũ gồm Hà Sơn Bình, Hoàng Liên Sơn, Hà Nam Ninh, Vĩnh Phú, Hà Bắc, Hải Hưng, Bình Trị Thiên... đều từng sáp nhập rồi lại phải tách ra.

Năm 2008, Đề án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô được đặt lên bàn Quốc hội. Lý do mà Chính phủ đưa ra là "hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện hữu của Hà Nội không thể đáp ứng được tốc độ đô thị hóa, sức hút đầu tư ngày càng lớn và sự gia tăng dân số ngày càng cao". Đến nay, sau hơn 10 năm, chúng ta thấy Hà Nội đã ổn định và ngày càng phát triển.

"Khi sáp nhập Hà Nội có nhiều ý kiến khác nhau nhưng rõ ràng chúng ta làm tốt công tác tuyên truyền, làm tốt công tác cán bộ nên đã thành công", ông Dĩnh đánh giá và cho rằng đó là những bài học mà chúng ta cần phải nhìn vào để có những bước đi phù hợp.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, các tỉnh miền núi là vùng phên giậu của cả nước, diện tích rộng rất khó quản lý, dân số không tăng không được vì hiện nay có những tỉnh miền núi chưa được 1 triệu người, thậm chí chỉ 500 nghìn người, bằng 1-2 quận ở TP.Hà Nội. Nếu nhập vào có thể dân số được hơn 1 triệu nhưng diện tích lại quá rộng đặt ra vấn đề quản lý như thế nào để phát huy sức mạnh, đòi hỏi phải nghiên cứu rất kỹ từng trường hợp cụ thể.

Phải xem xét điều kiện về tự nhiên cũng như các vấn đề văn hoá, phong tục tập quán vùng miền. Khi gộp tỉnh vào mà có những vấn đề không thích hợp về văn hoá, không thích hợp về mặt điều kiện tự nhiên... sẽ gây bức xúc, thậm chí là mâu thuẫn phức tạp.

"Trách nhiệm của Bộ Nội vụ là cơ quan tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội, phải nghiên cứu, thảo luận kỹ vì mục tiêu của chúng ta sáp nhập không phải để cho... to mà để phát huy các nguồn lực, tổ chức bộ máy cho hiệu lực hiệu quả, làm tốt hơn và tránh được những tồn tại của giai đoạn trước khi sáp nhập rồi lại phải tách tỉnh", ông Dĩnh nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem