Nhà đầu tư dao động khi doanh nghiệp tăng phát hành ESOP

18/12/2019 15:15 GMT+7
Gần đây, giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp lớn có diễn biến giảm sau khi kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) được công bố.

Giá cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) hay MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động gần đây rục rịch tăng, nhưng trước đó có diễn biến giảm, xuống mức thấp nhất trong vài tháng theo xu hướng giảm chung của thị trường chứng khoán và thông tin chào bán cổ phiếu ESOP với giá thấp khiến đợt điều chỉnh kéo dài thêm.

VPBank quyết định triển khai phương án phát hành ESOP từ nguồn cổ phiếu quỹ ngay trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại của năm 2019.

Cụ thể, Ngân hàng chào bán 31 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 1,288% số cổ phiếu đang lưu hành cho cán bộ, nhân viên, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, bằng một nửa thị giá cổ phiếu VPB trên sàn niêm yết.

Nhà đầu tư dao động khi doanh nghiệp tăng phát hành ESOP - Ảnh 1.

Tổng giám đốc VPB được mua một nửa số lượng cổ phiếu phát hành. Lượng cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng theo tỷ lệ: 30% được giải tỏa sau 1 năm, 35% được giải tỏa sau 2 năm và 35% được giải tỏa sau 3 năm.

Năm ngoái, VPBank phát hành gần 33,7 triệu cổ phiếu ESOP, trong đó, riêng Tổng giám đốc Ngân hàng đăng ký mua 15,55 triệu cổ phiếu, chiếm 46% lượng chào bán.

Với MWG, công ty này phát hành hơn 10 triệu cổ phiếu ESOP, với giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho các cán bộ chủ chốt, trong khi thị giá trên sàn chứng khoán dao động quanh mức 120.000 đồng/cổ phiếu.

Dù cổ phiếu phát hành bị hạn chế chuyển nhượng trong 4 năm, nhưng khối lượng phát hành bằng 2,4% số lượng cổ phiếu đang lưu hành là không nhỏ, nên không ít nhà đầu tư e ngại.

Một số nhà đầu tư chia sẻ, họ cảm thấy “bất công” khi ESOP được phát hành với giá quá thấp so với thị giá.

Đáng chú ý, phát hành ESOP là câu chuyện gây tranh cãi ở MWG trong kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch phát hành trước đó.

Khi biểu quyết, một bộ phận nhà đầu tư nước ngoài đã không thông qua kế hoạch này, nhưng ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị MWG cho biết, các quỹ đầu tư nước ngoài lớn đều hiểu và không có ý kiến khác. Tuy nhiên, nhà đầu tư cho rằng, các quỹ đầu tư phải “nhập gia tuỳ tục”.

Một số doanh nghiệp khác đã và đang triển khai phát hành ESOP như Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (PAN) phát hành 3 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,76% vốn điều lệ; Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (DXG) dự kiến phát hành 6 triệu cổ phiếu ESOP…

Ngược lại, năm 2019, lần đầu tiên xuất hiện một doanh nghiệp lên kế hoạch dừng phát hành ESOP là Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình.

Cuối tháng 11, Hội đồng quản trị HBC ra nghị quyết hoãn phát hành ESOP, trong bối cảnh giá cổ phiếu giảm mạnh, xuống gần mệnh giá.

Lợi ích phát hành ESOP là gắn kết người lao động với doanh nghiệp, giảm tiền thuế thu nhập cá nhân so với khen thưởng bằng tiền.

Đối với doanh nghiệp, nếu thưởng tiền mặt sẽ làm giảm lợi nhuận sau thuế, còn phát hành ESOP thì chỉ cần chuyển từ các khoản mục lợi nhuận chưa phân phối, thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, quỹ khác sang tăng vốn chủ sở hữu và doanh nghiệp có thể tái đầu tư nguồn vốn này.

Tuy nhiên, phát hành ESOP cũng dễ dẫn tới xung đột lợi ích giữa cổ đông với ban lãnh đạo doanh nghiệp, nếu bởi đa phần cổ phiếu được phát hành cho các lãnh đạo cao cấp.

Khi đó, lãnh đạo doanh nghiệp có thể chỉ quan tâm tới sự tăng trưởng ngắn hạn của doanh nghiệp, thay vì dài hạn, giảm đầu tư vào nghiên cứu, phát triển.

Chưa kể, dàn lãnh đạo thông thường luôn duy trì một lượng cổ phiếu có sẵn, họ có thể thực hiện chốt lời ngay tại thời điểm mua cổ phiếu ESOP, gây áp lực lên giá chứng khoán.

Ngoài ra, do quan tâm lợi ích ngắn hạn, họ là người biết trước tình hình doanh nghiệp, khi doanh nghiệp gặp khó khăn có thể thực hiện bán trước nhà đầu tư bên ngoài.

Bên cạnh đó là rủi ro pha loãng, khi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận không được duy trì và thậm chí chậm hơn lượng cổ phiếu lưu hành tăng lên, làm cho lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) giảm xuống, từ đó ảnh hưởng tới giá cổ phiếu.

Trong những năm qua, các doanh nghiệp niêm yết có chính sách ESOP đều đặn hàng năm như SSI, PAN, MWG, DXG, HBC, MSN…

Nhà đầu tư dao động khi doanh nghiệp tăng phát hành ESOP - Ảnh 3.

Đứng trên cương vị nhà đầu tư giá trị, mặc dù doanh nghiệp có thể tăng trưởng về hoạt động kinh doanh, nhưng chính sách cổ tức tiền mặt và chính sách phát hành ESOP đang có dấu hiệu không cân xứng.

Ban lãnh đạo ngoài tiền lương còn có lượng cổ phiếu ESOP liên tục gối đầu lên nhau về tài khoản, tạo dòng tiền thu nhập, còn nhà đầu tư chỉ có cổ tức tiền mặt là thu nhập.

“Nhiều doanh nghiệp ưa thích phát hành ESOP. Bên cạnh mặt tích cực thì mặt tiêu cực đang chiếm ưu thế và sự lạm dụng phát hành diễn ra, lợi ích của cổ đông bị pha loãng theo thời gian”, một nhà đầu tư nhận xét.

Thường xuyên phát hành ESOP cho thấy lãnh đạo doanh nghiệp quá quan tâm tới lợi ích của cán bộ, nhân viên và về dài hạn, sự pha loãng liên tục sẽ gây áp lực lớn tới tăng trưởng của doanh nghiệp nói chung và tăng trưởng EPS nói riêng.

Ngay cả với doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận tốt thì không ít cổ đông cũng cảm giác bị thua thiệt khi doanh nghiệp dành  lượng ESOP khủng cho "những người làm thuê".

Vũ Duy Bắc/ĐTCK
Cùng chuyên mục