Nhà nông Bắc Sơn lên đời với chè sạch “4 sao”, thu nhập cao gấp 3-4 lần

Đức Thịnh Thứ hai, ngày 20/07/2020 10:29 AM (GMT+7)
"Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình VietGAP khép kín từ trồng, chăm sóc, đến chế biến nên sản phẩm chè sạch của người dân xã Bắc Sơn được đánh giá cao.
Bình luận 0

Đầu ra cho cây chè sạch đã dễ dàng hơn rất nhiều, đời sống người dân ngày càng khấm khá..." - bà Đào Thị Quý - Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ.

Thu nhập cao gấp 3-4 lần

Là 1 trong những hộ đầu tiên áp dụng mô hình trồng chè theo quy trình VietGAP ở Bắc Sơn, anh Nguyễn Quang Huy cho biết, trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP phải thực hiện theo những quy trình bắt buộc, tuyệt đối không sử dụng phân vô cơ mà chỉ được phép dùng phân hữu cơ vi sinh. 

Người trồng chè phải thành thục khi nhận diện các loại sâu, bệnh hại và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách).

Nhà nông Bắc Sơn lên đời cùng chè sạch “4 sao”  - Ảnh 1.

Một số sản phẩm chè sạch của HTX Nông lâm nghiệp xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).


Nhà nông Bắc Sơn lên đời cùng chè sạch “4 sao”  - Ảnh 2.

Bà Đào Thị Quý chăm sóc vườn chè VietGAP của gia đình. Ảnh: Đức Thịnh

"Có thương hiệu, giá chè bán ra thị trường tăng cao so với trước đây, bình quân mỗi kg chè khô có giá từ 200.000 - 400.000 đồng/kg chè khô. Giá trị kinh tế từ cây chè đạt từ 390 - 550 triệu đồng/ha/năm. Qua đó, đời sống người nông dân không ngừng được nâng cao”.

Bà Đào Thị Quý -

Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp

xã Bắc Sơn

Ngoài những công đoạn nói trên, anh Huy còn ghi chép nhật ký, quy trình chăm sóc chè cẩn thận vào một cuốn sổ. Sau 1 năm, cây chè được chăm sóc đúng quy trình VietGAP mới đảm bảo tiêu chuẩn.

"Làm chè sạch vất vả hơn so với cách làm truyền thống nhưng có 2 cái lợi: Thu nhập trên cùng 1 diện tích chè được tăng lên, nhất là sức khỏe người trồng chè và người tiêu dùng đều được đảm bảo. 

Nếu như trước đây 1kg chè chỉ có giá 70.000 - 80.000 đồng là cao, thì nay lên đến 150.000 - 400.000 đồng/kg, cao gấp 3-4 lần so với cách làm truyền thống. Với 2ha trồng chè VietGAP, mỗi năm gia đình tôi xuất bán ra thị trường hơn 2 tấn chè sạch, sau khi trừ hết các khoản chi phí, còn lãi khoảng 400 triệu đồng/năm" - anh Huy chia sẻ.

Bà Đào Thị Quý - Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp xã Bắc Sơn cho biết: Với địa thế vùng đồi gò và khí hậu mát mẻ, ôn hòa quanh năm, xã Bắc Sơn có nhiều lợi thế để phát triển cây chè và đây được xem là cây trồng chủ lực, thế mạnh của địa phương. 

Hiện, toàn xã có gần 3.300 hộ dân thì có tới hơn 1.500 hộ trồng chè. Nhiều năm trở lại đây, cây chè phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao và là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ trong xã.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Theo bà Đào Thị Quý, trước đây, diện tích sản xuất chè của Bắc Sơn chủ yếu tập trung tại vườn nhà, nhỏ lẻ, manh mún. Điều này khiến việc xây dựng mô hình thâm canh chè an toàn theo hướng hàng hóa tập trung gặp nhiều khó khăn. Hơn thế, các vườn chè trong mô hình thâm canh chè an toàn đều có tuổi khai thác đã trên 10 năm, thậm chí 25 - 30 năm, tức là quá già đối với loại cây này.

Giống chè của bà con hầu hết đều là giống cũ, cho năng suất thấp và chất lượng rất kém. Sản phẩm thô chưa qua sơ chế được bán ra thị trường với giá rẻ, không thể nuôi sống người trồng.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết, Sóc Sơn hiện có 650ha chè, trong đó có 40% diện tích canh tác các giống mới. Về lâu dài, huyện sẽ tiếp tục mở rộng diện tích giống chè mới thay thế các nương chè giống cũ. Đồng thời, nhân rộng diện tích thâm canh chè theo hướng VietGAP, an toàn trên toàn huyện.

Từ năm 2012, người dân Bắc Sơn đã được hướng dẫn cách thức trồng và chăm sóc cây chè theo hướng VietGAP. 

Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Sở NNPTNT Hà Nội, nhãn hiệu tập thể "Chè an toàn Bắc Sơn" đã được công nhận, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm chè Bắc Sơn trên thị trường.

Đáng chú ý, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của TP.Hà Nội, huyện Sóc Sơn đã lựa chọn và tập trung phát triển cây chè thành sản phẩm có chất lượng, thương hiệu của địa phương. Niềm vui đã đến với HTX Nông lâm nghiệp Bắc Sơn và các thành viên khi UBND TP.Hà Nội đã quyết định công nhận "Trà Bắc Sơn" là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn "4 sao".

Bà Quý phấn khởi cho biết: "Có thương hiệu, giá chè bán ra thị trường tăng cao so với trước đây, bình quân mỗi kg chè khô có giá từ 200.000 - 400.000 đồng. Giá trị kinh tế từ cây chè đạt từ 390 - 550 triệu đồng/ha/năm. Qua đó, đời sống người nông dân không ngừng được nâng cao. Hiện nay, HTX quản lý 100 hộ với 30ha chè an toàn và 10ha chè VietGAP".

Sản phẩm chè Bắc Sơn đã có mặt tại rất nhiều hội chợ quy mô trên địa bàn TP.Hà Nội và một số tỉnh, thành trong cả nước, được nhiều người biết đến là một sản phẩm có chất lượng cao. Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Bắc Sơn mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhãn hiệu chè sạch Bắc Sơn để trở thành thương hiệu mạnh của huyện Sóc Sơn nói riêng và TP.Hà Nội nói chung.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết: Thực hiện Chương trình OCOP của TP.Hà Nội, huyện Sóc Sơn đã lựa chọn và tập trung phát triển cây chè thành sản phẩm có chất lượng, thương hiệu của địa phương. 

"Trà Bắc Sơn" là 1 trong 4 nhóm sản phẩm của địa phương đã được cấp sao. Việc được cấp sao sẽ là tiền đề để sản phẩm chè Bắc Sơn nói riêng, địa phương nói chung tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường, cạnh tranh với sản phẩm chè từ các tỉnh, thành phố khác.

Đại diện Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho biết thêm, thời gian tới, địa phương chủ trương sẽ hỗ trợ 50% kinh phí để HTX Nông lâm nghiệp Bắc Sơn tiếp tục mở rộng quy mô canh tác chè an toàn và VietGAP, đặc biệt là áp dụng cơ giới hóa, thâm canh vào sản xuất nhằm nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng cho loại cây trồng này. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem