Nhà ở xã hội vào "cao tốc" mới: Thủ tục rút gọn 70%, gần 23.000 căn hộ đã hoàn thành
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh: Phát triển nhà ở xã hội (NOXH), là một chính sách quan trọng, gắn liền với an sinh xã hội. Việc này không chỉ đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người dân mà còn thúc đẩy nguồn cung nhà ở giá phù hợp, góp phần điều tiết thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh.
Trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.309 vị trí với quy mô 9.737 ha đất làm nhà ở xã hội. Cả nước có 686 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 627.867 căn. Trong đó, 117 dự án hoàn thành và hoàn thành một phần, quy mô 80.811 căn; 159 dự án đã khởi công xây dựng, quy mô 135.563 căn;
416 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, quy mô 417.185 căn. Như vậy, số lượng dự án đã hoàn thành, khởi công xây dựng đạt 51% so với chỉ tiêu đã đặt ra tại Đề án đến năm 2025 (là 428.000 căn).

Kết quả, 5 tháng đầu năm 2025, trên cả nước đã khởi công, đang triển khai đầu tư xây dựng 159 dự án, với quy
mô 135.563 căn; trong đó khởi công mới 21 dự án, với quy mô 20.428 căn. Trong 5
tháng đầu năm, có 22.649 căn hộ nhà ở xã hội đã hoàn thành.
Mặc dù đã đạt một số kết quả quan trọng, tuy nhiên việc phát triển nhà ở xã hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác phát triển nhà ở xã hội; chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm của địa phương; chưa thành lập Ban Chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội.
Số lượng dự án hoàn thành chưa đạt mục tiêu. Một số dự án
nhà ở xã hội đã khởi công nhưng chưa triển khai thi công hoặc triển khai thi
công chậm tiến độ.
Mặc dù các địa phương đã dành quỹ đất lớn, đủ về số lượng để
phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên "chất lượng" của quỹ đất này vẫn
còn chưa đảm bảo, nhiều ô đất nhà ở xã hội được quy hoạch, bố trí không phù hợp,
ở những nơi xa trung tâm, thiếu kết nối về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội do
vậy chưa thể đưa vào sử dụng ngay; công tác giải phóng mặt bằng chậm dẫn đến
chưa bàn giao được mặt bằng cho chủ đầu tư, ảnh hưởng tiến độ dự án.
Việc triển khai các dự án đầu tư NOXH vẫn còn nhiều vướng mắc
về thủ tục, trình tự phải tuân thủ như một dự án nhà ở thương mại thông thường.
Các thủ tục liên quan đến xác định chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư, cấp
phép xây dựng, xác định giá bán, lựa chọn đối tượng mua nhà vẫn còn nhiều bất cập.
Đây là những hạn chế, tồn tại đã được nhận diện trong thời gian vừa qua.
Để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển NOXH, đảm bảo mục tiêu đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH đến năm 2030 (riêng năm 2025 phải hoàn thành một lượng nhất định), Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu rà soát vướng mắc và đề xuất biện pháp tháo gỡ.
Trên tinh thần đó, Bộ Xây dựng đã chủ động tham mưu, trình
Chính phủ và sau đó trình Quốc hội xem xét, rất đáng mừng là vào ngày 29/5/
2025 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 201 về thí điểm cơ chế đặc
thù để phát triển nhà ở xã hội. Đây có thể coi là một nghị quyết mang tính đột
phá, nhằm tháo gỡ các thủ tục còn vướng mắc, cản trở quá trình đầu tư phát triển
nhà ở xã hội, cũng như giải quyết những khó khăn từ thực tiễn đặt ra.
Nghị quyết số 201/2025/QH15 bao gồm một số cơ chế, chính
sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, cụ thể: (1) Quỹ nhà ở quốc gia; (2) Giao
chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư không thông
qua đấu thầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ
trang nhân dân không sử dụng vốn đầu tư công; (3) Lập, thẩm định, phê duyệt, điều
chỉnh quy hoạch chi tiết dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; (4) Thủ tục đầu tư
xây dựng nhà ở xã hội; (5) Xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội; (6) Điều
kiện về nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; (7) Thuê nhà ở
xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; (8) Bồi thường, hỗ trợ,
tái định cư, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã
hội.
Trong đó, một số cơ chế, chính sách đáng chú ý như thành lập
Quỹ nhà ở quốc gia. Theo đó, Quỹ nhà ở quốc gia là quỹ tài chính nhà nước ngoài
ngân sách, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; bao gồm: Quỹ nhà ở trung ương
do Chính phủ thành lập, quỹ nhà ở địa phương do UBND cấp tỉnh thành lập.
Mục tiêu của Quỹ là tạo nguồn vốn để đầu tư xây dựng nhà ở
xã hội, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của dự án nhà ở xã hội,
tạo lập nhà ở xã hội để cho thuê, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người
lao động thuê.
Tiếp đó là cắt giảm, cải cách thủ tục hành chính trong thủ tục
đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với mục tiêu cắt giảm, cải cách thủ tục hành
chính, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với tăng cường giám sát theo
chỉ đạo tại Nghị quyết số 68- NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị.
Theo đó, Nghị quyết đã cắt giảm, cải cách các thủ tục hành chính sau: (1) Không thực hiện thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư mà thực hiện giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu. Theo đó, cắt giảm được khoảng 200 ngày, tương ứng khoảng 70% thời gian thực hiện so với quy định hiện hành. (2) Không yêu cầu thực hiện bước lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết, theo đó cắt giảm được 65 ngày so với quy định hiện hành. (3) Bỏ thủ tục thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng, theo đó cắt giảm được từ 15 - 35 ngày so với quy định hiện hành. (4) Không yêu cầu thực hiện quy trình đấu thầu rộng rãi đối với các gói thầu lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng mà được áp dụng quy trình chỉ định thầu rút gọn, theo đó cắt giảm được từ 45 - 105 ngày so với quy định hiện hành. (5) Miễn giấy phép xây dựng đối với trường hợp áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình, theo đó cắt giảm được 20 - 30 ngày so với quy định hiện hành. (6) Không yêu cầu thẩm định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội tại cơ quan chuyên môn cấp tỉnh mà do chủ đầu tư tự xây dựng, phê duyệt; sau khi hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện kiểm toán, quyết toán và gửi hồ sơ đến cơ quan chuyên môn cấp tỉnh để kiểm tra. Theo đó, quy định này cắt giảm được ít nhất 30 ngày so với quy định hiện hành.
Nhằm thể chế hóa kịp thời Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Kết luận số 137-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết đã bổ sung chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, theo đó: Quy định điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội đối với các đối tượng chịu tác động bởi việc tổ chức, sắp xếp lại đơn vị hành chính; đồng thời giao quyền chủ động cho địa phương xem xét, đánh giá theo thời gian di chuyển, điều kiện hạ tầng giao thông, vùng miền... để xác định đối tượng được hưởng chính sách, tạo điều kiện thuận lợi về chỗ ở, gần nơi làm việc.
Đồng thời, mở rộng đối tượng gồm: doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được thuê nhà ở xã hội để bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của mình ở tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động yên tâm công tác.