Nhà sưu tập cổ vật chi 153 tỷ đồng hồi hương ấn vàng "Hoàng Đế chi bảo" giàu có cỡ nào?

Hà Tùng Long Thứ ba, ngày 14/02/2023 07:00 AM (GMT+7)
Nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Thế Hồng chi 153 tỷ đồng hồi hương ấn vàng "Hoàng Đế chi bảo" không chỉ sở hữu nhiều công ty lớn trong lĩnh vực bất động sản, dự án giao thông mà còn là chủ sở hữu bảo tàng cổ vật vô cùng đồ sộ và quý hiếm.
Bình luận 0

Từ mê cổ vật đến chi trăm tỷ để hồi hương ấn vàng nhà Nguyễn

Theo chia sẻ của nhà nghiên cứu cổ vật Đào Phan Long - nguyên Chủ tịch Hội cổ vật Thăng Long - Hà Nội với Dân Việt, ông Nguyễn Thế Hồng – Chủ tịch Hội Sưu tầm, nghiên cứu cổ vật Kinh Bắc, chủ sở hữu Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng – bảo tàng tư nhân có tên trong số 3 đơn vị tư nhân sở hữu cổ vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật Quốc gia chính là người đã bỏ ra hơn 6,1 triệu Euro, tương đương với 153 tỷ đồng để mua ấn vàng "Hoàng Đế chi bảo" của triều Nguyễn mang về Việt Nam.

Nhà sưu tập cổ vật chi 153 tỷ đồng hồi hương ấn vàng "Hoàng Đế chi bảo" giàu có cỡ nào? - Ảnh 1.

Nhà sưu tập Nguyễn Thế Hồng và chiếc ấn vàng "Hoàng Đế chi bảo". Ảnh: FBNV.

Nhiều người trong giới cổ vật và giới doanh nhân Bắc Ninh cho rằng, chỉ cần đặt chân đến địa phận Bắc Ninh, hỏi tên ông Nguyễn Thế Hồng hoặc doanh nhân Nam Hồng thì gần như không ai là không biết. Bởi ông không chỉ là một doanh nhân lớn, có tiếng trong lĩnh vực bất động sản, dự án giao thông, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh mà còn là một tay chơi cổ vật có tiếng. Ông chính là người đã sáng lập ra bảo tàng tư nhân Hoàng gia Nam Hồng và được bầu làm Chủ tịch Hội Sưu tầm, nghiên cứu cổ vật Kinh Bắc.

Theo thông tin mà Dân Việt có được, ông Nguyễn Thế Hồng sinh năm 1961 ở Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Sau khi xuất ngũ trở về năm 1983, ông Nguyễn Thế Hồng đã sớm thành lập Công ty TNHH Nam Hồng, với lĩnh vực hoạt động chính là tổ chức thi công các dự án giao thông, bất động sản... Nhiều năm qua, Công ty TNHH Nam Hồng luôn là doanh nghiệp đứng đầu ở tỉnh Bắc Ninh về thực hiện các dự án giao thông và xây dựng các công trình lớn, đã được nhận cờ của Chính phủ và Huân chương Lao động hạng II.

Tuy là một doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản nhưng ông Nguyễn Thế Hồng lại có đam mê đặc biệt đối với cổ vật. Trong nhiều năm liền, ông đã tự bỏ tiền đi khắp các tỉnh thành trong nước và nhiều nước trên thế giới để sưu tầm các cổ vật quý mang về trưng bày tại Bắc Ninh. Ông đã cho thành lập Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (đặt tại TP. Từ Sơn, Bắc Ninh) để trưng bày các bộ sưu tập cổ vật đồ sộ và quý hiếm của mình. Bảo tàng tư nhân này là một trong 3 đơn vị tư nhân có cổ vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia hôm 30/1/2023 vừa qua.

Nhà sưu tập cổ vật chi 153 tỷ đồng hồi hương ấn vàng "Hoàng Đế chi bảo" giàu có cỡ nào? - Ảnh 3.

Nhà nghiên cứu cổ vật Đào Phan Long và ông Nguyễn Thế Hồng. Ảnh: FBNV.

Nhà nghiên cứu cổ vật Đào Phan Long cho biết, vào tháng 10/2022, khi nắm được thông tin hãng đấu giá Millon chào bán ấn vàng của vua Minh Mạng với giá 2-3 triệu Euro (48 đến 72 tỷ đồng), ông Nguyễn Thế Hồng đã đăng ký tham dự phiên đấu giá này với mức phí  100.000 Euro. Sau khi dự phiên đấu giá, biết không thể mua nổi ấn quý này theo giá chốt sàn nên ông đã gọi điện về cho lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh để báo cáo gấp với Bộ VHTTDL. 

Ngay sau đó, Chính phủ đã đồng ý cử một đoàn liên ngành 7 người do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương dẫn đầu sang Paris đàm phán với phía sàn đấu giá Millon. Các bên đã đạt được nội dung quan trọng là không đấu giá ấn vàng "Hoàng Đế chi bảo" mà dành cho ông Nguyễn Thế Hồng đại diện Việt Nam đứng ra mua theo giá thỏa thuận. Ngày 13/1/2023, ông Nguyễn Thế Hồng đã chính thức ký với ông Alexandre Millon - đại diện sàn đấu giá Millon bản hợp đồng mua ấn vàng "Hoàng Đế chi bảo" với giá 6.100.044 Euro (bao gồm thuế).

Nhà sưu tập cổ vật chi 153 tỷ đồng hồi hương ấn vàng "Hoàng Đế chi bảo" giàu có cỡ nào? - Ảnh 5.

Cận cảnh ấn vàng "Hoàng Đế chi bảo". Ảnh: Cục Di sản.

Theo nhà nghiên cứu cổ vật Đào Phan Long, ông Nguyễn Thế Hồng là người kiệm lời nhưng yêu cổ vật đến "khó hiểu". Những ngày đầu mới bước chân vào thú chơi này, ông thường mua các đồ sứ và đồ gỗ quý của Trung Hoa. Sau khi đã có nhiều đồ sứ Trung Quốc, ông Nguyễn Thế Hồng lại sưu tầm và tìm mua nhiều đồ cổ Việt. Hiện bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng của ông đang sở hữu số lượng cổ vật đồ sộ và đa dạng. Riêng bộ sưu tập sứ cổ Trung Hoa có một số cổ vật mang dấu ấn cung đình, được sưu tầm từ Đài Loan rất quý hiếm.

Sở hữu tàng tư nhân có cổ vật được công nhận bảo vật Quốc gia

Cổ vật mà Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng đang sở hữu, vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia là thạp đồng văn hóa Đông Sơn, có niên đại cách ngày nay khoảng 2.200 - 2.300 năm (thế kỷ III - II trước Công nguyên).

Nhà sưu tập cổ vật chi 153 tỷ đồng hồi hương ấn vàng "Hoàng Đế chi bảo" giàu có cỡ nào? - Ảnh 6.

Thạp đồng văn hóa Đông Sơn của Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng vừa được công nhận bảo vật quốc gia. Ảnh: FBNV.

Bảo vật quốc gia này được Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng nhận chuyển nhượng lại từ nhà sưu tầm nghiên cứu cổ vật Trần Quốc Bình ngày 30/12/2021. Hiện tại, chiếc thạp được trưng bày trang trọng trên tầng 5 tòa nhà của Công ty TNHH Nam Hồng (tại TP. Từ Sơn, Bắc Ninh).

Thạp đồng văn hóa Đông Sơn thuộc Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng là loại thạp có nắp, tuy nhiên chiếc nắp đã bị thất lạc. Thạp có dáng gần hình trụ tròn (hình quả nhót), phần miệng hơi thu lại, phần thân trên phình ra và thon dần xuống đáy. Đáy nhỏ hơn miệng. Miệng thạp có gờ ở mép để đậy nắp. Trên thân thạp có gắn đôi quai kép nằm đối xứng nhau qua thân. Quai được gắn vào sau, không đúc liền với thân thạp.

Nhà sưu tập cổ vật chi 153 tỷ đồng hồi hương ấn vàng "Hoàng Đế chi bảo" giàu có cỡ nào? - Ảnh 7.

Bộ sưu tập đổ sứ tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng. Ảnh: FBNV.

Một trong những điểm độc đáo của thạp đồng văn hóa Đông Sơn tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng là hoa văn động vật trên các băng trang trí. Trong số này, tại băng thứ 21 có trang trí 14 con thú (giống chồn/cáo) với 11 con đuôi thẳng, 3 con đuôi cong, mỗi con có chiều dài dao động từ 8 - 8,5 cm. Đây cũng là băng hoa văn chính, trung tâm của thạp đồng. Đàn 14 con thú này nối đuôi nhau chạy ngược chiều kim đồng hồ. Thú có miệng dài, thân dài và cong, đuôi dài to, bốn chân có móng rõ ràng, phía sau đầu có bờm (mào) dài.

Trong hồ sơ bảo vật quốc gia, công ty này cho biết, đang chuẩn bị cho chiến lược quảng bá đến với khách tham quan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem