Nhà và Hầm D67, nơi ra đời những quyết sách chiến lược đối với nhiệm vụ giải phóng miền Nam

Quỳnh Nguyễn Thứ sáu, ngày 30/04/2021 16:16 PM (GMT+7)
Nhà và Hầm D67 là di tích lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nơi đây, Bộ Chính trị đã ra những quyết sách chiến lược đối với nhiệm vụ giải phóng miền Nam.
Bình luận 0

Trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long (phố Hoàng Diệu, quận Ba Ðình) có một di tích đặc biệt quan trọng liên quan đến công cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng dân tộc, đó là Nhà và Hầm D67.

Nhà và hầm D67, nơi diễn ra những  cuộc họp đi vào sử sách - Ảnh 1.

Nhà và Hầm D67, nơi diễn ra nhiều cuộc họp quyết định vận mệnh đất nước. Ảnh: Tư liệu

Di tích lịch sử - cách mạng Nhà và Hầm D67 là một bộ phận thuộc khu di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long. Đây là công trình được Quân đội nhân dân Việt Nam xây dựng năm 1967, có ý nghĩa quan trọng đối với lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nơi đây, từ năm 1968 - 1975, trở thành Tổng Hành dinh của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đại tá Mai Chung, nguyên Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh công binh, một trong hai người được giao thiết kế Nhà và Hầm D67 cho biết, nhà D67 gồm phòng Họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương; phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; phòng làm việc của Đại tướng Văn Tiến Dũng - Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; phòng nghỉ giải lao của các đồng chí sau mỗi cuộc họp (hiện nay phòng này đã trở thành phòng trưng bày chuyên đề tại di tích D67).

Nằm tại vị trí trung tâm của Nhà D67, phòng Họp Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương là nơi diễn ra nhiều hội nghị cơ mật giai đoạn 1968 - 1975.

Nhà và hầm D67, nơi diễn ra những  cuộc họp đi vào sử sách - Ảnh 3.

Phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Ảnh: Hoangthanhthanglong.vn

Phòng rộng 76m2; mở 4 cửa đối xứng; 2 cửa nhỏ có lối thông sang phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phòng nghỉ giải lao.

Đặc biệt, tại căn phòng này, từ 18/12/1974 - 8/1/1975 đã diễn ra cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng và đưa ra phương châm "nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975". Đây là quyết sách quan trọng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, đi đến thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Tại đây, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã họp bàn, kịp thời đưa ra những quyết sách chiến lược; chỉ đạo thắng lợi các chiến dịch quan trọng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhà và hầm D67, nơi diễn ra những  cuộc họp đi vào sử sách - Ảnh 4.

Tại căn phòng này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chuẩn bị nội dung, phê duyệt và thông qua nhiều quyết sách quan trọng cho chiến trường miền Nam và chiến trường các nước Đông Dương. Ảnh: Hoangthanhthanglong.vn

Đại tá Mai Chung cho biết, để đảm bảo an toàn tuyệt đối, trên nóc công trình là lớp cát đệm và tấm bê tông cốt thép có độ dày và bề rộng đủ để khi bom nổ phía trên nóc hay bên cạnh đều không ảnh  hưởng tới công trình. Hầm D67 cũng có khả năng chống được các loại bom tấn, bom xuyên.

"Tất cả những gì tốt nhất từ tinh thần, trí tuệ, trang thiết bị thời điểm đó đều được chúng tôi tập trung vào công trình D67", Đại tá Mai Chung nói.

Thực tế, đến nay Nhà và Hầm D67 là một trong những công trình kiến trúc quân sự ít ỏi trong kháng chiến chống Mỹ còn tương đối nguyên vẹn.

Nhà và hầm D67, nơi diễn ra những  cuộc họp đi vào sử sách - Ảnh 5.

Khu trưng bày các hình ảnh, kỷ vật của một thời gian khổ mà hào hùng của dân tộc. Ảnh: Hoangthanhthanglong.vn

"Thần tốc - Táo bạo - Bất ngờ - Chắc thắng" là mệnh lệnh, tinh thần từ Tổng Hành dinh Quân đội Nhân dân Việt Nam (Nhà D67) truyền tới các mặt trận cho nhiệm vụ giải phóng miền Nam vào mùa Xuân năm 1975.

Tinh thần đó được khởi nguồn từ chiến thắng giải phóng Phước Long (6/1/1975) và trở thành cao trào trong tháng 3/1975, với những thắng lợi liên tiếp của chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, Trị Thiên - Huế, Đà Nẵng.

Đặc biệt, tại Tổng Hành dinh chỉ trong khoảng 75 ngày (8/1/1975 - 25/3/1975) Bộ Chính trị đã 3 lần thay đổi quyết sách chiến lược đối với nhiệm vụ giải phóng miền Nam.

Nhà và hầm D67, nơi diễn ra những  cuộc họp đi vào sử sách - Ảnh 6.

Hầm D67 có khả năng chống được các loại bom tấn, bom xuyên. Ảnh: Hoangthanhthanglong.vn

Dịp kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam diễn ra trong điều kiện cả nước tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, phòng, chống dịch Covid-19, bởi vậy, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội mở một tour tham quan "ảo" Nhà và Hầm D67 trên internet. Khách tham quan sẽ thấy được bối cảnh giống như thật thông qua ứng dụng ảnh 360 độ; hệ thống bản đồ chiến lược mà các đồng chí lãnh đạo từng nghiên cứu; các trang, thiết bị mà lãnh đạo Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương từng sử dụng trong các cuộc họp như điện thoại, máy chữ… 

BQL Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long cho biết, việc số hóa di sản, quảng bá di sản trực tuyến từ lâu đã là một hướng đi của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội. Với tình hình dịch bệnh xảy ra, giải pháp mở tour tham quan, trưng bày trên mạng là hoạt động thiết thực mừng ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tạo điều kiện để mọi người có thể khám phá di tích, hiểu thêm về lịch sử dân tộc dù không thể trực tiếp đến thăm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem